Chuyện đời kỳ lạ của người đánh cá không chân trên dòng sông Trà

20-11-2017 15:15 | Xã hội

SKĐS - Từ khi lọt lòng mẹ, anh Phạm Văn Cẩn (47 tuổi, trú tại thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) đã bị thiệt thòi bởi anh bị tàn tật 2 đôi chân.

Một mảnh đời vỡ

Từ khi lọt lòng mẹ, anh Phạm Văn Cẩn (47 tuổi, trú tại thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) đã bị thiệt thòi bởi anh bị bại liệt 2 chân. Dù đôi chân bị bại liệt, nhưng với quyết tâm không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, anh quyết tâm đi làm bằng được một nghề gì đó để kiếm ăn qua ngày, rồi anh chọn nghề đánh bắt cá trên sông để mưu sinh. Cũng chính từ việc đánh bắt cá trên sông này mà anh lại có được vợ.

Đang loay hoay với những tay lưới, dụng cụ chuẩn bị cho việc đi đánh bắt cá, thấy khách, anh Cẩn dẹp bỏ mọi thứ sang một bên để tiếp đón. Nghe tôi trình bày, anh Cẩn hóm hỉnh: “Chú về muộn tí nữa là không gặp được anh rồi, anh định đi giăng lưới kiếm đôi ba con cá, lâu nay mưa gió nên không đi làm được”. Dẹp mọi thứ sang một bên, anh lần mò lướt trên đôi chân của mình đi rót nước mời khách. Thấy anh di chuyển khó khăn, tôi có ý định giúp thì anh chối từ: “Chú ngồi yên để xem tôi làm, mấy việc đơn giản ni thì có chi. Sông nươc tôi còn lội được mà”. Sau một hồi trà nước xong xuôi, anh Cẩn từ từ kể lại cuộc đời của anh từ thuở mới lọt lòng đến nay cho tôi nghe. Theo như anh kể, anh là con thứ 2 trong trong gia đình có đến 6 chị em. Anh bị tật nguyền bẩm sinh, lên đến 1 tuổi anh vẫn chưa đi đứng được, rồi đôi chân anh càng ngày càng teo và yếu dần.

Chuyện đời kỳ lạ của kình ngư không chân trên dòng sông TràAnh Cẩn bên ngôi nhà của mình.

“Khi sinh Cẩn ra nó lại bị tàn tật, tôi buồn lắm chứ, những tháng đó tôi cứ ôm lấy con mà khóc. Đêm nằm ngủ tôi cứ dậy để xem nó thế nào, thấy con bệnh tật mà không chữa trị được tôi buồn lắm!”, bà Lê Thị Chèo (76 tuổi), mẹ anh Cẩn ngồi bên góp chuyện. Con bệnh tật, gia đình không có tiền chữa trị nên đành để vậy. Ngày qua ngày anh Cẩn lớn lên trong sự yêu thương, chở che của mọi người trong gia đình. Lên 5 tuổi, dù đôi chân bị bại liệt, anh vẫn muốn được đi học, nhưng khi nhìn thấy cảnh nhà nghèo, chạy ăn từng bữa nên anh đành gác lại suy nghĩ đó. Rồi anh lại bò lui bò tới trong nhà, nhiều lúc thấy chúng bạn cùng trang lứa vui đùa ngoài sân, dọc đường anh cũng rất muốn được nô đùa nhưng đôi chân của anh lại không cho phép, thế là anh đành ngậm ngùi ngồi trong nhà nhìn ra.

“Tuổi thơ ai cũng muốn được tung tăng, chạy nhảy, nô đùa nhưng tôi lại không có được điều ấy, nhiều lúc thấy buồn lắm. Thấy chúng bạn chơi, tôi cũng lết ra để nô đùa nhưng đi được đoạn thì chân cẳng đau nhức nên đành quay về”- anh Cẩn tâm sự. Thấy con không có được cuộc sống vui tươi như chúng bạn, mẹ anh Cẩn rất xót xa, nên những lúc nào rảnh rỗi là bà lại cõng con trên lưng để đưa con đi khắp xóm để cho con được vui đùa, được hòa đồng vào chúng bạn. Nhưng do cuộc sống khó khăn, bà phải đi cày thuê cuốc mướn để có tiền đong gạo nên những ngày được vui đùa với chúng bạn của anh Cẩn rất ít. Thấu hiểu được điều đó nên anh cũng không trách mẹ, ngược lại anh cũng tự tìm đến những công việc khác nhằm xoa dịu đi nổi buồn, để mẹ anh được yên tâm mà làm việc.

Lên đến tuổi 15, cuộc sống của gia đình anh cũng không khá hơn lúc trước, bố mẹ anh làm lụng vất vả cũng chỉ nuôi đủ ăn. Nhiều lúc, đến những tháng mưa lạnh cả nhà phải nhịn đói. Thấy cha mẹ làm lụng vất vả, mặc dù bị bệnh tật nhưng anh cũng không muốn mình là một gánh nặng cho gia đình. Suy nghĩ là vậy nên anh quyết định bò ra sông để học chèo thuyền, rồi sau đó đi giăng lưới đánh bắt cá. Nghĩ là vậy nhưng khi bước vào làm đối với một người bệnh tật như anh thì cực kỳ khó, từ căn nhà anh ra đến con sông chỉ cách có chưa đầy 50 mét, nhưng những ngày đầu đối với anh là một cực hình. Con đường đất đá lởm chởm, anh lết đi trên đó nên đôi chân anh bị trầy xước, máu chảy rất nhiều. Thấy đau, anh quay về nghỉ ngơi rồi hôm sau lại tập đi tiếp. Nhiều lần như vậy rồi đôi chân anh cũng trở nên chai lỳ, con đường đất đá được anh lết băng băng như không có một chướng ngại vật nào. Sau khi vượt qua được con đường, hành trình trèo lên con thuyền chòng chành cũng khiến anh nhiều lần suýt chết đuối. “Hồi đó tôi mới tập để đi giăng lưới, lúc mới lên thuyền, con thuyền do không có ai giữ nên cứ chòng chành, lắc lư làm tôi mấy lần bị ngã xuống nước”- anh Cẩn nhớ lại.

Nhưng đó chỉ là những khó khăn ban đầu, theo như anh kể thì có những lần anh đi giăng lưới, do chân bị bại liệt nên khó khăn trong vận động, anh ngồi xoay xở trên chiếc thuyền nhỏ thì bị ngã úp xuống sông, lúc đó may có người dân phát hiện đã cứu anh lên. “Tôi được cái cái cao số, nhiều lần bị ngã trên sông rồi mà không  chết đó chú. Cũng tại chiếc thuyền nhỏ, trên sông thì nó hay bị chao đảo mà tôi thì tàn tật nên cứ xoay qua xoay lại làm chiếc thuyền dễ bị lật. Nếu hồi đó không có ai phát hiện mà cứu tôi lên thì giờ tôi có còn ngôi ở đây mô”- anh Cẩn bộc bạch.

Có vợ nhờ biết đánh bắt cá

Mặc dù tàn tật nhưng anh luôn vượt lên số phận để sống và làm việc, tấm gương của anh đã được nhiều người dân sống trong thôn xóm ngợi ca đủ điều.  Một điều kì diệu cũng đã đến khi anh vừa tròn 22 tuổi; đó là việc anh có vợ. Một điều tưởng như giấc mơ đó đã làm cho anh thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Anh nhớ lại cơ duyên đưa anh gặp được chị Hường và sau này là vợ anh, đó là một buổi chiều khi cả hai cùng đánh bắt cá trên sông. Chỉ sau một lần gặp nhau, chị Hường cảm mến trước hoàn cảnh đáng thương của anh Cẩn, thấy anh tàn tật nhưng có ý chí, nghị lực nên chị đã thầm yêu trộm nhớ, rồi cứ như vậy, những lần đánh bắt cá sau đó cả hai anh chị không còn đi riêng nữa mà đã đi chung thuyền. Cứ thế một hai tháng trôi qua, tình cảm trong anh chị lớn dần lên, biết rằng không thể sống xa nhau được nên anh đã ngỏ ý muốn lấy chị làm vợ, rồi anh về bảo mẹ đi hỏi cưới chị Hường. Lúc đó do cuộc sống còn khó khăn nên cả hai gia đình không tổ chức cưới xin cho con, mà cho anh chị về ở chung với nhau luôn.

Chuyện đời kỳ lạ của kình ngư không chân trên dòng sông TràAnh Cẩn trổ tài bắt cá trên sông.

Tôi hỏi, hồi anh chị yêu nhau vậy mà hai bên gia đình có ai ngăn cản không? Anh Cẩn ngồi trầm tư một lúc rồi trả lời: “Không, chúng tôi đi làm rồi yêu nhau, mặc dù tôi bị tàn tật nhưng cả hai bên gia đình thấy chúng tôi hạnh phúc, vui vẻ nên không phản đối gì. Tôi chỉ có lỗi với vợ là do cuộc sống nghèo khó quá nên không tổ chức được đám cưới như những cặp vợ chồng khác. Yêu nhau thì về ở với nhau thôi, tôi thấy anh tàn tật nhưng có ý chí, nghị lực nên tôi thương. Tôi lấy anh cũng có nhiều người nói này nói nọ lắm chứ, nhưng tôi mặc kệ. Mình sống cho mình chứ có sống cho họ đâu mà để ý những lời nói đó. Sống với nhau quan trọng là tình cảm thôi!”, chị Hường tâm sự.

Được về sống với nhau, anh chị bù đắp cho nhau những thiệt thòi, anh đi giăng lưới cũng không còn đơn độc. Rồi hạnh phúc đã đến với anh chị, hơn một năm cưới về thì chị Hường có thai, cuộc sống của anh lúc đó càng khó khăn nhưng anh lấy đó làm hạnh phúc. Bởi, chuyện có vợ đối với anh đã là một điều “không tưởng”, nay có thêm được đứa con nữa thì quá tuyệt vời. “Hồi nghe vợ có thai tôi đã không tin, nhiều lúc chỉ xem đó như là một giấc mơ. Rồi đến lúc vợ sinh, một đứa con trai hẳn hoi, cháu nó không bị tật như tôi. Tôi vui lắm, thấy cuộc đời mình như tươi đẹp hơn. Lúc biết tôi có con, ai cũng đến chúc mừng, người cho cái này, kẻ cho cái nọ”- anh hồ hởi.

Chị Hoa, hàng xóm anh Cẩn ngồi bên góp vui: “Anh Cẩn đây có vợ đã là một điều vui của cả thôn xóm, nhưng khi anh chị có con thì đó lại là một điều kỳ diệu. Hồi đó chúng tôi xem con anh Cẩn như là con ruột của mình, ngày đêm qua lại chăm sóc, cho cái này cái kia. Thấy anh Cẩn mặc dù tàn tật nhưng yên bề gia thất vậy chúng tôi cũng thấy vui lây”. Bây giờ đứa con trai của anh cũng đã 21 tuổi, cũng đã đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Gia đình anh cũng được những nhà hảo tâm xây tặng một căn nhà tình thương kiên cố, không còn trống trước hở sau như trước đây. Với anh, có một mái nhà trong đó có người vợ và đứa con luôn yên bình là hạnh phúc giản dị mà anh chẳng còn mong muốn gì hơn.


Trà Giang – Minh Ngọc
Ý kiến của bạn