"Loại bỏ sai lầm càng sớm càng tốt"
Được đầu tư xây dựng từ năm 2009 với nguồn vốn ngân sách 1.900 tỉ đồng, Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được kỳ vọng sẽ cung cấp nơi ở cho khoảng 22.000 sinh viên. Thế nhưng, từ rất nhiều năm nay, dự án này rơi vào tình trạng bỏ hoang, lãng phí.
Mục sở thị tại khu nhà ở, chỉ có ba tòa nhà A1, A5, A6 đã hoàn thành. Toà nhà A4 chưa thi công do thiếu mặt bằng. Toà nhà A2, A3 đang dừng lại ở phần thô.
Riêng toà nhà A1, từng có một số người thuê lại mặt bằng tầng 1 để kinh doanh nhưng cuối cùng cũng phải trả lại. Cách đây hai năm, nơi đây còn được sử dụng để làm khu vực cách ly bệnh nhân COVID-19. Sau khi đại dịch qua đi, tòa nhà lại trở về trạng thái không người. Cỏ dại mọc um tùm khắp lối khiến công trình xuống cấp nghiêm trọng.
Nhìn những khối nhà sừng sững nhuốm màu rêu phong, bà Nguyễn Thị Thái (Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ: "Sống quanh dự án, chúng tôi thấy rằng việc bỏ hoang không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn vô cùng lãng phí. Rất nhiều người dân đang không có nhà ở, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp".
Sau khi không thu hút được sinh viên đến ở, năm 2017, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã đề xuất chuyển đổi tòa nhà A2, A3 của dự án này thành nhà ở xã hội. Cho tới tận đầu năm 2024, Hà Nội mới chính thức có quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển đổi công năng dự án bằng tiền ngân sách.
Thực tế, giá nhà ở Hà Nội ngày càng đắt đỏ, việc sở hữu nhà ở thương mại đối với người lao động thu nhập thấp gần như là không thể. Bởi vậy, việc cải tạo khu nhà ở sinh viên bỏ hoang thành nhà ở xã hội cho thuê là chính sách thiết thực cần sớm thực hiện, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội phân tích: "Sự thất bại của Khu Nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp đã khiến chúng ta tốn nhiều giấy mực. Dù đối tượng sinh viên có nhu cầu nhà ở rất lớn, nhưng việc khu nhà ở quá xa trường đại học rõ ràng không tạo thuận lợi cho sinh viên. Đây là minh chứng của một chính sách không đi sát với thực tế và là biểu tượng của sự lãng phí. Vì vậy, cần loại bỏ sai lầm càng sớm càng tốt, chuyển đổi mục đích để phù hợp với đời sống của người dân, không thể để lãng phí thêm nữa".
Cần tính toán kỹ phương án chuyển đổi và vận hành
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, trước thông tin khu nhà sẽ được "hồi sinh" trở thành nhà ở xã hội, câu chuyện cần đề cập chính là phương án chuyển đổi. Theo đó, cần tính toán kỹ lưỡng tới quy trình chuyển đổi công năng, quản trị và vận hành công trình hợp lý, đảm bảo nhu cầu của cư dân đô thị, phù hợp với túi tiền của đối tượng người lao động có thu nhập thấp. Quan trọng, nếu cho thuê thì phải cho thuê với giá tốt!
Theo thiết kế của dự án, mỗi phòng tại khu nhà ở này rộng hơn 50m2, được trang bị thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa.
Trước thắc mắc của nhiều người về việc kết cấu tòa nhà và thiết kế các phòng dạng ký túc xá có phù hợp với việc cải tạo thành nhà ở dành cho hộ gia đình hay không, kiến trúc sư Trần Huy Ánh bày tỏ sự lạc quan: "Khách quan mà nói, rất may mắn những tòa nhà tại Khu nhà ở sinh viên được xây dựng với kết cấu khá vững chắc. Qua nhiều năm bị hoang phế như vậy nhưng sự xuống cấp không quá trầm trọng, thậm chí còn tốt hơn một vài khu nhà tái định cư. Dù đang là công trường dở dang nhưng nhìn chung không quá sập xệ. Đặc biệt, những tòa còn trong quá trình hoàn thiện sẽ là cơ hội giúp chúng ta gia tăng chất lượng, thay đổi kết cấu và đáp ứng nhu cầu sống hiện tại - tương lai".
Với kế hoạch này, người lao động thu nhập thấp tại Thủ đô có thể hi vọng về một quỹ nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế. Trong bối cảnh tới năm 2025, thành phố Hà Nội phải xây dựng 18.700 căn nhà ở xã hội, nhưng tới nay mới đạt được 37% với 3 dự án được khởi công và 5 dự án xây dựng xong.
Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại cuộc họp triển khai một số dự án đầu tư kéo dài, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố.
Trong đó, đối với dự án xây dựng Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp, yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài chính và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố phối hợp, thực hiện quyết toán theo hạng mục hoàn thành; hoàn thành trong tháng 12/2024. Riêng hạng mục trạm biến áp thực hiện việc thanh quyết toán sau.
Ngoài ra, về chuyển đổi các hạng mục A2, A3, A4 sang nhà ở xã hội cho thuê, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố khẩn trương thực hiện lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tổ chức thẩm định, trình HĐND TP xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp đầu năm 2025. Trên cơ sở đó, hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 trong năm 2026, hoàn thành đầu tư xây dựng tòa A4 chậm nhất trong năm 2027.