Đó là một buổi chiều tháng 7 nắng nóng. Mặc dù đặc trưng tính chất công việc khiến những bác sĩ như chúng tôi tiếp xúc khá nhiều các căn bệnh, các mảnh đời bất hạnh, tuy nhiên, cuộc sống ở Trại phong Quốc Oai vẫn khiến tôi ngỡ ngàng, cảm động và xót thương.
Một cảnh sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân phong. |
Bỏ lại những ồn ào tấp nập của cuộc sống, Khu điều trị phong Quốc Oai bé nhỏ, lặng lẽ và thu mình lại như sự mặc cảm của căn bệnh đặc biệt này. Trung tâm có 96 bệnh nhân, chủ yếu là người già có độ tuổi từ 60 - 98. Tuy hầu hết bệnh nhân sống neo đơn và mắc thể bệnh nặng, nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên khi không hề nhận thấy dấu hiệu sự u buồn, sầu não trên gương mặt của họ.
Khi chúng tôi đến, các cụ đang ngồi với nhau trong khu vườn, trò chuyện và say sưa làm việc. Công việc tuy chỉ nhẹ nhàng như đan lát những chiếc quạt, rổ rá làm vật dụng sinh hoạt hàng ngày nhưng các cụ già nơi đây coi đó là niềm vui, là hoạt động hữu ích khi bệnh phong chưa cướp nốt đi của họ đôi bàn tay.
Tuy nhiên, ấn tượng khiến tôi không thể quên trong suốt chuyến đi lại là những đôi dép của bệnh nhân phong nơi đây. Mẫu dép không bày bán trên thị trường và không được sản xuất từ một hãng giày dép nào đó. Những đôi dép đặc biệt dành cho những con người đặc biệt, được chế tác từ một nơi không liên quan gì đến giày dép, đó là Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Cán bộ y tế Nguyễn Đức Toàn đo cỡ chân bệnh nhân Nguyễn Thị Côi. |
Đôi dép dành cho bệnh nhân phong thường được chế tạo từ loại da mềm, đế nhẹ, chắc chắn và có kiểu dáng quai phù hợp với tình trạng bàn chân của bệnh nhân. Mỗi một lần “sản xuất” dép, các nhân viên y tế về tận nơi thăm khám tình trạng bệnh, đo kích cỡ đôi chân của bệnh nhân và tìm hiểu những mong muốn của họ, thông tin sẽ được chuyển cho các nhân viên trong bệnh viện, những người trực tiếp chế tác ra đôi dép đặc biệt này.
Đôi dép đặc biệt của người bệnh phong. |
Cụ Nguyễn Thị Côi, 98 tuổi mắc bệnh phong thể LL (đã được điều trị ổn định) mang đôi chân tàn tật nhiều năm. Trước kia, khi chưa có đôi dép của bệnh viện, việc đi lại của cụ vô cùng khó khăn, thậm chí cụ không thể di chuyển để sinh hoạt bình thường. Đến nay, đôi dép như một phần quan trọng trong cuộc sống của cụ, nó giúp cụ có thể dễ dàng di chuyển, bớt phần đau đớn khi đi lại.
Với bệnh nhân nặng hơn sẽ được lắp chân giả để có thể đi lại sinh hoạt bình thường.
Hình ảnh lao động thường ngày của bệnh nhân phong. |
Và đó là lý do vì sao khi đến Trại phong Quốc Oai, tôi ngạc nhiên nhận thấy cuộc sống của những con người tàn tật dù lặng lẽ vẫn vô cùng thanh thản, hữu ích. Một điều kiện sống giản dị, có thể nói là đơn sơ nhưng vẫn đầy ắp sự quan tâm, chăm sóc của các cán bộ y tế đã tạo ra niềm vui sống lặng thầm nhưng bền bỉ ở các bệnh nhân phong này.
Nếu như họ có nhiều cơ hội để gần gũi với xã hội hơn và được mọi người quan tâm hơn, nếu như cuộc sống lành lặn ngoài kia luôn dành cho họ những “đôi dép” của tình thương như thế, thì tôi tin khu trại điều dưỡng này sẽ bớt âm thầm, lặng lẽ đi nhiều lắm…
Bài và ảnh:BS. Nguyễn Tiến Thành