Chuyện đời của thầy giáo tròn 100 tuổi

24-03-2016 22:42 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong lất phất mưa xuân của những ngày cuối tháng 3, nhiều thế hệ học trò của Trường ĐH Y Hà Nội đã cùng về tham dự lễ sinh nhật - lễ mừng đại thượng thọ - tròn 100 tuổi cho một cựu giáo chức của nhà trường...

Trong lất phất mưa xuân của những ngày cuối tháng 3, nhiều thế hệ học trò của Trường ĐH Y Hà Nội đã cùng về tham dự lễ sinh nhật - lễ mừng đại thượng thọ - tròn 100 tuổi cho một cựu giáo chức của nhà trường, người đã gắn bó với nhà trường trong suốt gần 60 năm qua. Đó là thầy Thẩm Trọng Tảo. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, thầy Tảo vẫn rất minh mẫn. Với nụ cười thường trực trên môi, thầy Tảo kể cho chúng tôi nghe những chuyện đời, chuyện nghề...

Thầy giáo Thẩm Trọng Tảo.

Câu chuyện đầu tiên thầy Tảo chia sẻ với chúng tôi - thế hệ bằng tuổi chắt của thầy - không phải về những vinh quang của nghề giáo, về những huân, huy chương hay bằng khen của các cấp mà thầy đã nhận được trong suốt cuộc đời “gieo chữ” của thầy mà chính là bí quyết để bước vào tuổi 100 mà thầy vẫn khỏe mạnh, tự đi lại, tự chủ được một số việc cá nhân và gần như vẫn minh mẫn hoàn toàn. Với thầy Tảo, bí quyết đầu tiên để có sức khỏe là giữ cho đầu óc luôn thanh thản, không quan tâm nhiều đến danh lợi, địa vị cá nhân... Tuy nhiên, để có sức khỏe dẻo dai, từ nhiều năm nay, thầy Tảo luôn tuân thủ việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên, chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao và đặc biệt là thầy luôn tự rèn luyện cho bản thân thích nghi với mọi điều kiện thay đổi của thời tiết. Có lẽ chính vì thế mà cách đây 10 năm, khi ở tuổi 90, mỗi khi có việc đi đâu ra khỏi nhà, thầy Tảo thường tự đi xe đạp mà không làm phiền đến con, cháu trong gia đình.

Trò chuyện với thầy, tôi cảm thấy dường như dấu ấn thời gian không làm cho thầy quên những gì “thuộc về mình”, bởi thầy vẫn nhớ từng mốc thời gian của cuộc đời thầy giáo gắn với cách mạng, rồi thầy giáo gắn với từng cảnh vật của trường y xưa cũ và cả hình ảnh của các thế hệ học trò mà thầy đã giảng dạy suốt mấy chục năm đã qua... Thầy Thẩm Trọng Tảo sinh năm 1917 trong một gia đình dòng dõi Nho học ở xã Long Biên - huyện Gia Lâm - Hà Nội. Từ năm 1939-1945, chàng thanh niên Thẩm Trọng Tảo ngày đó đã đi dạy học ở trường tư thục tại Hà Đông, rồi cùng bạn bè đứng ra thành lập Chi hội truyền bá chữ quốc ngữ tỉnh Hà Đông, tham gia Thanh niên cứu quốc rồi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hà Đông. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thầy giáo Thẩm Trọng Tảo ngày đó đã được giao nhiều nhiệm vụ liên quan đến sự nghiệp trồng người. Thế rồi, một bước ngoặt lớn đã đưa thầy gắn với ngành y khi được giao nhiệm vụ là Chủ nhiệm Bộ môn Mác - Lênin tại Trường ĐH Y Hà Nội vào năm 1959.

Thầy Tảo bên các đồng nghiệp và gia đình.

Nhớ lại ngày mới về Trường ĐH Y nhận nhiệm vụ, thầy Tảo kể rằng, lúc đó, thầy không biết gì về môi trường y, dược nên kiến thức về y, dược gần như bằng O, tuy nhiên, đã được tổ chức phân công nhiệm vụ thì phải nỗ lực để vừa giảng dạy, vừa học hỏi về văn hóa thêm, vừa lãnh đạo.

Cho đến hôm nay, nhà giáo Thẩm Trọng Tảo đã có 68 năm gắn bó với Trường ĐH Y Hà Nội, trong đó có 20 năm với các vai trò khác nhau từ Trưởng khoa rồi Phó Hiệu trưởng, Thường trực Ban Giám hiệu  Nhà trường và 38 năm là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Trường ĐH Y Hà Nội, rồi Chủ tịch danh dự của Hội Cựu giáo chức Trường ĐH Y Hà Nội, nhà giáo Thẩm Trọng Tảo luôn hết mình với nghề giáo. Nói như Chủ tịch Hội Cựu giáo chức đương nhiệm của Trường ĐH Y Hà Nội hiện nay, PGS.TS. Trần Văn Dần: “Đã tuổi bách niên, gần đất xa trời nhưng anh Thẩm Trọng Tảo vẫn không thể hiện sự bỏ cuộc mà hàng ngày vẫn luôn nhắc nhở những cán bộ của Trường, của Hội hôm nay về những việc cần làm, cần suy nghĩ để cho thế hệ mai sau hiểu rõ hơn, kỹ hơn nữa về Trường ĐH Y, về ngành y. Anh Thẩm Trọng Tảo đúng là tấm gương sáng về cuộc đời phục vụ cách mạng, một cuộc đời trong sáng của người thầy giáo ưu tú”...

Nhà giáo Thẩm Trọng Tảo cũng bảo rằng được nhà trường tổ chức lễ sinh nhật tròn 100 tuổi, được vui vầy bên những đồng nghiệp cũ, học trò xưa, bên con cháu có lẽ là niềm động viên lớn nhất lúc này để thầy tiếp tục sống vui, sống khỏe. Thế nhưng, thầy Tảo cũng chia sẻ: “Người bạn đời của tôi đã bỏ tôi ở lại trở về thế giới bên kia từ nhiều năm, vậy mà nhiều lúc tôi vẫn không thể tin bà ấy qua đời trước tôi vì bà ấy khỏe hơn tôi nhiều, chả bệnh tật gì, trong khi tôi bị các bệnh liên quan đến tim mạch, đại tràng. Thế mới biết con người ta sống khỏe, sống thọ cũng một phần do số mệnh nữa”...

Với nhà giáo Thẩm Trọng Tảo, bây giờ, cho dù bệnh tim đã có lúc “bắt” thầy vào bệnh viện để theo dõi và điều trị, nhưng hết bệnh, trở về mái nhà đơn sơ, thanh bạch bên gốc ngâu già nhiều kỷ niệm với người vợ thân yêu, nhà giáo Thẩm Trọng Tảo lại tìm niềm vui tuổi già là viết hồi ký, làm thơ và xem các bản tin thời sự trên truyền hình.  Những vần thơ của thầy vẫn bay bổng và lãng mạn, sâu lắng, dí dỏm: “Nhấp nhô bồng đảo vờn sóng bạc/ Mơn man ánh nguyệt bỡn da hồng” (Tắm trăng) hay: “Tóc đã bạc, tim vẫn hồng/ Vẫn xao xuyến trước dòng thơ xanh” (Tóc bạc, tim hồng) hoặc bài thơ do chính thầy Tảo làm tặng sinh nhật tròn 100 tuổi của mình: “Trăm mùa đào hồng nở/Thông reo, suối tấu khúc ca yêu đời/ Bạch hạc liệng cánh lưng trời/ Vờn mây rỡn gió, rạng ngời hồn xuân...” (Trăm tuổi hạc).


Nguyễn Đức
Ý kiến của bạn