Hà Nội

Chuyện đời cơ cực của diễn viên già danh tiếng

25-03-2014 00:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Từ một cậu ấm trong gia đình phong kiến, cậu bé Nam Cường khi đó bỏ nhà ra đi và có tuổi thơ khắc khổ bán bánh mỳ, đánh giày, lam lũ trong những giọt nước mắt.

Từ một cậu ấm trong gia đình phong kiến, cậu bé Nam Cường khi đó bỏ nhà ra đi và có tuổi thơ khắc khổ bán bánh mỳ, đánh giày, lam lũ trong những giọt nước mắt.

Tiếp tôi trong căn nhà 5 tầng khang trang nằm trên phố Vọng, diễn viên Nam Cường tất bật pha nước tiếp đãi tôi như một người bạn lâu năm mới được gặp lại, là một nghệ sĩ đã được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT và cũng là một diễn viên quen thuộc trên màn ảnh Việt Nam với trên 20 bộ phim đã tham gia diễn xuất, diễn viên Nam Cường vẫn là một người gần gũi và thân thiện: "Tôi già rồi chẳng còn được báo chí quan tâm mấy, thỉnh thoảng trước kia cũng có mấy nhà báo gọi điện thoại phỏng vấn, nhưng đến tận nhà trò chuyện thế này thì cũng hiếm lắm, phần thì cũng bận công việc có ở nhà mấy đâu mà tiếp nhà báo, mới cả giả cả rồi lên báo làm gì, để cho các bạn trẻ lên thì phù hợp hơn tôi "

 1
NSƯT Nam Cường thời còn trẻ.

Nhìn người diễn viên già chuyên đóng những vai phản diện mà lại chẳng thấy ông ác tý nào. Ông hiền lành và gần gũi quá, thật khác với con người của ông trong những bộ phim ông đóng, như vai Ông Phán (Số đỏ) và vai hiệu phó Cầm (Mùa lá rụng).

Vừa đưa tôi cốc nước chè với khỏi toả nghi ngút, ông từ tốn nói: "Cái nghề diễn nó đến với tôi như là cơ duyên đã được ấn định từ trước nhà báo ạ, tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình phong kiến giàu có, bố tôi là Lý trưởng nên ông gia trưỏng và nghiêm khắc lắm, ngày còn bé tôi nhớ, mỗi lần ngồi ăn cơm với ông là phải ăn cho thật nhanh, nếu ăn chậm, rượu ông uống ngấm say vào là thể nào ông cũng lấy cớ cho ăn đòn.

Mẹ tôi mất vì bị tai biến mạch máu não khi mới sinh em gái tôi, thương mẹ rồi bố lại đi lấy vợ ba, làm cho tôi uất ức bỏ nhà đi lên Hà Nội đổi tên từ Nguyễn Trình Tường, tên thật của tôi, thành Nguyễn Nam Cường để người nhà không thể tìm được và cuộc đời của tôi cũng đồng hành với cái tên Nam Cường từ đó".

 2
Trải qua tuổi thơ trong đáy bần cùng của xã hội, giờ đây người nghệ sĩ già luôn trân trọng những gì mình đang có.

Người diễn viên già đưa cốc nước trà nóng lên xoa xoa vào đôi bàn tay đang cóng vì gió lạnh và mưa phùn Hà Nội những ngày rét mướt, ông đưa đôi mắt nhìn xa xăm về phía cửa sổ như đang đi tìm lại ký ức tuổi thơ của mình: " Lên Hà Nội lang thang với 2 bàn tay trắng, thời đấy Hà Nội vẫn bị giặc Pháp đô hộ, cuộc sống có nhiều khó khăn áp bức, tôi lang thang kiếm ăn vật vờ xung quanh chợ Đồng Xuân rồi quyết định đi bán bánh mì dạo để kiếm sống, lang thang khắp xó xỉnh của Hà Nội làm đủ nghề, sáng bán bánh mỳ, trưa bán kem, chiều lại đi đánh giày để sống qua ngày, gầm cầu Long Biên và nhà tế bần ở Hàng Chiếu là những nơi trú chân qua đêm của tôi, những năm tháng ấy là những năm tháng tủi nhủc của tôi, nhiều hôm tôi bị bọn đầu gấu trấn hết tiền, rồi bọn lính pháp bắt đánh để mua vui. Nhưng cũng nhờ thế mà tôi đến được với nghề diễn.

Lúc bấy giờ, cứ đi bán bánh mì và đánh giày là tôi lại lân la đến đoàn cải lương ở rạp Chuông Vàng trên đường Tạ Hiện để được coi những vở diễn ở đây, những lúc ấy tôi chưa được xem trọn vẹn được một buổi biểu diễn nào cả, và ước mơ từ một người bán bánh mì chuyển sang làm một diễn viên cải lương được hình thành trong tôi từ đây. Tôi bắt đầu lân la đến đây thường xuyên hơn và hay trả vờ bán bánh mì cho những vị khách đi xem rạp, nhưng thực ra là tự nguyện làm chân sai vặt cho những người trong đoàn.

 3
Những vai diễn của ông, dù là phản diện, nhưng cũng để lại trong lòng khán giả những ấn tượng khó phai.

Một lần, khi tấm màn nhung khép lại tôi thấy bà chủ đang ngồi một mình xem lại sổ sách phía sau cánh gà, tôi lấy hết cam đảm vào xin được theo đoàn, việc gì tôi cũng nói với bà chủ là làm được, miễn là có cơ hội theo đuổi ước mơ. Bà chủ nhìn tôi trẻ con ái ngại, sợ rằng cho tôi về chỉ tổ tốn cơm, vì ngày bé tôi nhỏ lắm, lúc ấy là 14 tuổi, mà nhìn tôi cứ như là 11, suốt ngày bị mấy thằng Pháp nó đánh, nó bắt nạt.

Thế nào mà bà chủ nhìn thấy trong đôi mắt của tôi có sự chân thành, bà lại đồng ý. Thế là tôi trở thành người của đoàn cải lương Chuông Vàng, sáng tôi dậy sớm quyét dọn rạp, rồi vẫn đi bán bánh mỳ, trưa thì lại đi đánh giày, chiều tối thì cầm tờ rơi đi phát cho đoàn cải lương, ngày ấy tôi cũng lưu manh lắm, vào những ngày tháng 3 trời se lạnh cũng như thế này, thế mà cứ quần đùi với áo rách lang thang ngồi đầu đường xó chợ thôi, khổ lắm, cầm tờ rơi đi phát ngoài trời lạnh là tôi cứ tìm hàng phở gánh, nấp nấp sau gánh phở vừa ấm lại vừa đút tờ rơi vào đấy đốt để đỡ phải đi phát cho đỡ lạnh".

Nói đến câu này, mắt người nghệ sĩ già ánh lên giọt nước mắt đầy cơ cực tuổi thơ ấu ,tôi biết ông đang nhớ về những kỷ niệm không thể nào phai được trong tâm trí, một mình phải chống chọi và mưu sinh trong cái xã hội phong kiến vẫn bị giặc đô hộ.

 4
Hình ảnh nghệ sĩ Nam Cường hoàn toàn khác với bộ râu giả.
 5
 6
Nhiều người khi xem bức hình này tưởng rằng nghệ sĩ Nam Cường đã đi tu, thực ra là ông đang tham gia quay một bộ phim và vào vai một nhà tu hành.

" Tôi cứ làm chân sai vặt rồi soát vé, rồi lau dọn một thời gian dài ở đoàn. Khi ông chủ Kim Chung đứng ra làm vở Kiếp Hoa thì có một người diễn viễn trong đoàn dính phải mìn của Pháp, qua đời, thiếu mất người diễn, tôi mạnh dạn tự đề cử mình với ông chủ, thế là tôi được chọn vào vai em bé chăn trâu và cứ như thế nghiệp diễn của tôi dần dần được hình thành.

Sau này tôi có chỗ đứng trong đoàn cái lương với những vai phụ điếu đóm, được mấy năm thì đoàn cải lương cùng với ông bà chủ không còn chỗ đứng ở Hà Nội, cả đoàn về Hải Phòng để theo tàu đổ bộ của Mỹ di cư vào Sài Gòn, lúc xuống Hải Phòng tôi tự nghĩ, ở Hà Nội có gì còn có người cưu mang, vào Sài Gòn lạ nước lạ cái, nghĩ vậy tôi tìm gặp bà chủ và nói cho bà chủ biết tâm sự của mình.

Bà chủ nghe chuyện xong, nghĩ cũng thương tôi liền lén đưa cho tôi ít tiền và bảo tôi ra đi nhờ xe quay trở lại Hà Nội, và phải cẩn thận không được để ông chủ Kim Chung biết, ông mà biết thì ông ý đánh chết".

 7
 8

"Từ bỏ đoàn cải lương cùng với những ước mơ thành danh ở chốn Sài Gòn phồn vinh hoa mỹ, thời ấy Sài Gòn và Hà Nội vẫn khác xa nhau nhiều lắm, ai mà được vào Sài Gòn rồi thì không khác gì mới được đi nước ngoài về, quay trở lại Hà Nội với hai bàn tay trắng, tôi đi tìm ông thủ quỹ của đoàn, tên gọi là ông Quý, nhà ở Cao Bá Quát, vừa đến nơi tôi đã bị chửi tẻ tát, 'mày đi theo ông chủ vào Nam sao lại có mặt ở đây là thế nào', tôi giãi bầy, 'thôi con không vào Nam đâu cậu cho con ăn nhờ ở vạ cậu ở đây'."

 9

"Ở nhà ông Quý giúp việc đến ngày 10 - 10 giải phóng thủ đô, tôi vẫn nhớ như in cảm xúc lâng lâng lúc ra Văn Miếu đón đoàn quân giải phóng, cảm giác lúc bấy giờ như mình vừa được sinh ra thêm một lần nữa, lúc bấy giờ chính phủ mới thành lập một đoàn cải lương tập thể mới, không phải của nhà nước đâu, vẫn chỉ là một đoàn tập thể nhỏ phục vụ nhân dân, tôi lại được ông Quý giới thiệu vào đấy làm.

Và cứ làm ở đấy cho đến khi sau này đoàn ngày càng mạnh lên, thành lập nhà hát, cứ thế tôi cống hiến ở đấy cũng được 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, đồng thời đến năm 1995, tôi được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ Sĩ Ưu Tú, tôi cống hiến hết mình ở đấy cho đến khi về hưu là năm 1998".

 10
Giờ đây khi về già ,"chú bé đánh giày" ngày nào đã có cơ ngơi khang trang, và một gia đình rất hạnh phúc.
 11
Thú vui của ông là trông cháu và đi đóng phim.

"Bén duyên với truyền hình năm 1996, lúc đấy tôi vẫn làm việc ở trong nhà hát. Lúc đầu tôi thử sức với vai ông Phán trong phim 'Số Đỏ'. Nhưng cũng phải đợi đến khi đạo diễn Quốc Trọng gặp tôi và mời tôi vào vai hiệu phó Cầm trong phim 'Mùa lá rụng', tôi mới bén duyên với điện ảnh và để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, tôi dần dần vào các vai phản diện, tính ra phim tôi đóng đến 70% là vào các vai đại diện cho kẻ tiểu nhân, đâm bị thóc, chọc bị gạo, đàn áp dân lành.

Cũng nhờ làm nghề diễn mà tôi đã tìm lại được gia đình của mình, tôi vẫn nhớ năm đấy, khoảng năm 80, khi tôi đang diễn ở Hải Phòng thì thấy có người chạy ra gọi bảo ông ơi có người tìm ông. Tôi chạy ra thì nó cứ khóc rồi hét, anh ơi, anh không nhận ra em à, em gái anh đây, em Minh đây, con Mỹ Phượng bố mẹ mình đây anh.

Nghe thế thôi là tôi lao vào em gái ôm nó, hai anh em cùng khóc như trẻ con giữa rạp Hải Phòng. Một thời gian sau, tôi cùng em gái về thăm lại gia đình ở Bắc Ninh, phải dũng cảm lắm tôi mới dám vào nhà để gặp bố tôi, tôi vẫn nhớ lời bố tôi nói lúc bấy giờ: Tao đã nghe mày hay diễn kịch rồi, toàn vai phản diện thôi, thế ngoài đời có phản diện không con?"

 12
Những ký ức đau buồn của một tuổi thơ dự dội vẫn còn mãi trong tâm trí ông.

Lập gia đình khá muộn, vợ của diễn viên Nam Cường kém ông 20 tuổi, con cái đều đã trưởng thành, vợ chồng ông bây giờ có thú vui trông coi các cháu giúp con, mỗi lần đi đóng phim ở xa là ông nhớ chúng nó lắm, và luôn bù lại cho các cháu những món quà nhỏ mỗi dịp đi đóng phim.

 13
NSƯT Nam Cường luôn nhìn cuộc đời theo hướng tích cực, và mong muốn cống hiến hết mình cho điện ảnh.

Từ một đứa trẻ lang thang đầu đường xó chợ, ông mãn nguyện với chính bản thân mình ở hiện tại: " Trông lên thì chẳng bằng ai, nhưng trông xuống cũng chẳng ai bằng mình". Nghề diễn viên không mang lại cho ông nhiều tiền, nhưng đã mang lại những giá trị tinh thần lớn lao, mà không gì có thể mua được...

 14
NSƯT Nam Cường viên mãn khi về già.

Ý kiến của bạn