Ngay cả trên thế giới cũng khó có trường hợp độc đáo như thế, khi một làng nhỏ như Yên Nội (xã Đồng Quang, Quốc Oai) với 7.000 dân lại có tới 600 đô vật, trong đó 4 người từng dự Olympic. Gương mặt nổi bật nhất chính là Nguyễn Thị Lụa - đô vật từ “đệ nhất làng vật” Việt bay thẳng tới đấu trường quốc tế lớn nhất trong hai kỳ Đại hội liên tiếp 2012 và 2016.
Làng nhỏ ven đê sông Đáy, Yên Nội (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) này từng nổi đình nổi đám ngay từ Olympic 1980 - kỳ Thế vận hội tái hội nhập của thể thao Việt Nam. Đội tuyển vật Việt Nam khi ấy có 7 tuyển thủ thì Yên Nội đóng góp tới 3, đều là các “độc cô cầu bại” ở hạng cân của mình gồm Phí Hữu Tình, Nguyễn Đình Chi, Nguyễn Văn Công. Chưa kể, HLV trực tiếp dẫn dắt các học trò tới Moscow tranh tài cũng là người Yên Nội, ông Nguyễn Đình Khinh - anh ruột của đô vật Nguyễn Đình Chi.
Một đô vật nữ và hai kỳ tích
Trong một thời gian dài, vì vật Việt Nam không nhắm tới mục tiêu dự Olympic do điều kiện khó khăn nên Yên Nội cũng chưa thể có thêm đô vật nào giành quyền dự tranh Olympic. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi ngành thể thao đầu tư cho vật như một “mũi nhọn” mới.
Đô vật Nguyễn Thị Lụa.
Rất nhanh nhạy, Yên Nội đã lập tức mở lớp đào tạo vật nữ ngay tại trường học do HLV từng dự Olympic 1980 Nguyễn Đình Khinh hướng dẫn. Ông Khinh chính là người đã tuyển chọn và nhìn ra tố chất ngời ngời ở cô học trò 12 tuổi Nguyễn Thị Lụa.
Năm 2012, Lụa đã tiếp bước các bậc cha chú cùng thôn của mình để giành quyền tham dự Olympic tại London. Thậm chí, chiến tích của Lụa còn ấn tượng hơn bởi chị đã vượt qua vòng đấu loại trực tiếp đầy thuyết phục. Trước đó, cô gái làng Yên Nội này cũng mang về cho vật Việt Nam một tấm HCB ASIAD 2010 được đánh giá “quý và khó như vàng”. Bộ sưu tập huy chương của Lụa còn có HCB Trẻ thế giới, HCB và HCĐ châu Á, HCV SEA Games. Ở hội vật làng năm ấy, Lụa đã được tôn vinh đặc biệt khi là đô vật thứ 4 của làng Yên Nội được đấu ở Olympic.
Đến Olympic 2016, Nguyễn Thị Lụa đã trở thành đô vật đầu tiên của khu vực Đông Nam Á vươn được tới kỳ tích 2 lần giành quyền dự tranh. Càng kỳ thú hơn bởi nếu cách đây 4 năm, Lụa đấu hạng 48kg thì lần này là hạng 53kg. Năm 2016 là một năm thành công bậc nhất của Lụa khi ngoài suất Olympic, chị còn đoạt tấm HCB châu Á.
Hành trình Olympic phi thường của “cô Lụa thôn tôi”
Từ bé, Nguyễn Thị Lụa mang đầy đủ cái máu và tố chất của đất vật số 1 Việt Nam. Mới 6-7 tuổi, sau những buổi học, Lụa lại cùng các bạn không kể nam nữ lại tìm đến các xới trong làng để theo dõi và học mót từ những canh vật của các đàn chú đàn anh cho đến tận tối mịt. Khi ngành thể thao mở lớp học năng khiếu ngoại khóa tại trường, Lụa là người đầu tiên đăng ký tham gia.
Ngoài các buổi học do cựu HLV ĐTQG Nguyễn Đình Khinh hướng dẫn, Lụa đã lớn lên từ những cuộc đối luyện trên triền đê, bãi cỏ ngoài đấu xóm mà bao giờ cũng chứng tỏ mình nhanh, mạnh và gan dạ nhất. 12 tuổi, Lụa bắt đầu được tung vào “thử lửa” tại hội vật làng. Ngay sau đó, Lụa đã được đặc cách tuyển thẳng vào tuyến VĐV năng khiếu của đội vật Hà Tây.
Chị đã gần như ngay lập tức chứng tỏ mình sinh ra để dành cho thảm vật với sự hội tụ hoàn hảo của một đô vật có thể vươn ra đỉnh cao quốc tế. Trong đó, đòn bốc và quật luôn khiến các đối thủ khiếp đảm của Lụa có được chính nhờ đúc kết từ các sới làng.
Lụa sớm đạt tới đẳng cấp vượt trội so với các đối thủ cả trong nước lẫn khu vực nhưng lại luôn không có duyên với đấu trường nhỏ. Tính đến SEA Games 2015, chị coi như đã bị mất trắng 4 tấm HCV ở 4 kỳ SEA Games vì đủ các lý do, môn vật không được đưa vào chương trình thi đấu, các đối thủ bỏ cuộc vào phút chót hay thậm chí phải nhường suất dự tranh cho đồng đội. Nghịch cảnh SEA Games kéo dài theo cách rất khó tin đó có thể đánh gục bất cứ VĐV nào, song lại trở thành một động lực mãnh liệt để Nguyễn Thị Lụa vượt lên. Cứ sau mỗi lần đau, Lụa lại vươn lên mạnh mẽ để mang về cho bản thân và thể thao Việt Nam một chiến tích ngoạn mục.
Để có được những thành quả ngoạn mục ấy, nữ đô vật số 1 đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Đó là việc phải thay đổi hoàn toàn những thói quen sinh hoạt, tập luyện để đôn lên hạng 51 rồi 53kg, điều khó hơn nhiều lần so với việc giảm cân. Đó là việc Lụa phải tập huấn 3 tháng xuyên qua Tết Nguyên đán tại Trung Quốc trong một quy trình khắc nghiệt về mọi mặt.
Thế nhưng tất cả có lẽ vẫn chưa có gì đáng kể so với sự hi sinh ghê gớm về mặt hình thể, nhan sắc mà chị phải đối mặt và vượt qua. Hàm răng của Lụa đã không còn nguyên vẹn từ một tai nạn 6 năm trước, trong một buổi tập bình thường của đội vật.
Điều quan trọng nhất, tất cả những thua thiệt, khốn khó, thậm chí bi kịch mà Lụa phải đối mặt và vượt qua không làm chị mất đi niềm vui chân chất, hồn nhiên của cô thôn nữ. Lụa tự hào việc bị mất 4 tấm HCV SEA Games theo đủ cách khác nhau đã quá đủ để tôi luyện nên một bản lĩnh thép. Lụa bảo dân vật nói chung, nhất là những người từ xới làng như chị không “ngán ngại” gì cả. Mỗi khi gặp khó hay nản chí, chị lại về làng, sống trong không khí vật có một không hai, ra triền đê làm mấy keo vật, lập tức tìm thấy lại ngay sự tự tin, vui tươi cùng nguồn động lực.
Ngay cả bây giờ, nếu không vướng xuất ngoại, Lụa vẫn cố gắng tham dự đầy đủ các hội vật làng, có năm tới 5-7 cuộc.