Chuyện dài hơi

31-03-2013 00:32 | Văn hóa – Giải trí

Lâu nay, người ta vẫn đang mò mẫm tìm đường cho một số loại hình nghệ thuật cần phải xã hội hóa.

Lâu nay, người ta vẫn đang mò mẫm tìm đường cho một số loại hình nghệ thuật cần phải xã hội hóa. Người thì đinh ninh cho là đến thời kỳ tư nhân hóa toàn bộ; người thì hiểu theo nghĩa tham gia cổ đông mà Nhà nước vẫn chiếm số phần trăm vốn lớn nhất; thậm chí có người thốt lên rằng, thế là cuối cùng gánh hát lại trở về gánh hát mà thôi...

Bức tranh xã hội hóa

Sau vài năm, loại phim mì ăn liền nửa ta nửa Hồng Kông chạy theo thị hiếu nhất thời đã có cơ ngóc đầu lên để chứng tỏ sức mạnh của bộ môn nghệ thuật hiện đại này. Sự phát đạt giả tạo ấy với những con số đầu tư ào ạt của các ông chủ, bà chủ liên doanh liên kết ngỏng cần vó lên được một giai đoạn thì xẹp hẳn.

Riêng lĩnh vực sân khấu xem ra manh nha của cái gọi là xã hội hóa đã hoạt động sớm hơn. Đó là trào lưu sân khấu nhỏ đã từng ra đời ở nhiều tổ chức hiệp hội và câu lạc bộ. Nhưng rồi ngọn lửa xã hội hóa kiểu này cũng chỉ lom đom nếu không nói là chết ngóm ở các tụ điểm như Nhà hát chèo Kim Mã, CLB sân khấu như Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, CLB chèo Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội)... đã từng thể nghiệm. Mặc dù gần đây, các nhóm tự lập phát triển mạnh như Minh Vượng, Quang tèo, Tuấn Hải... nhưng cũng chỉ đánh “quả” lẻ ở nhà hàng, cơ quan, các nhà văn hóa ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận chứ không có sân khấu riêng hay bản hiệu của mình. May sao việc làm xã hội hóa còn mang dấu ấn “tay đôi” của Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát chèo Hà Nội đã phần nào khắc dấu được cái nhãn đời cười và hề chèo để thu hút khán giả.

Tuy vậy, việc xã hội hóa sân khấu đã được phát huy ở các sân khấu TP.HCM, tạo được thương hiệu như 5B Võ Văn Tần, IDECAF, Bến Thành, Hòa Bình, Sân khấu kịch Phú Nhuận, Phước Sang... Các ê-kíp nghệ sĩ đã nhanh chóng trở thành những cổ đông và cũng thích ứng với tâm lý người xem với những sắc màu sôi động của thị trường. Sân khấu xã hội hóa của TP.HCM đa dạng, phong phú về phong cách nghệ thuật và giàu có về kịch mục với đội ngũ nghệ sĩ tài năng và trẻ trung chứ không một màu, sáo mòn như Đời cười (NHTT) chỉ với một số nghệ sĩ  thực sự có  tài.

Bức tranh điện ảnh tưởng như sáng sủa hơn sau khi Luật Điện ảnh ra đời, nhưng sự chuyển đổi trước cơ chế thị trường tỏ ra đầy cam go. Vấn đề được quan tâm nhất là việc các hãng phim tư nhân được ra đời và việc cổ phần hóa các hãng phim truyện Nhà nước. Các hãng phim tư nhân hồ hởi được lúc đầu khi bắt tay sản xuất và ngày càng nhận lấy sự gai góc của thị trường. Có lúc, một số ông chủ lại mơ quay về cái cơ chế cũ, nghĩa là lại chạy tài trợ và nấp bóng cái mác Nhà nước rồi làm bầu hốt bạc. Việc lỗ của phim chẳng đụng chạm tới túi tiền của mình, bởi những ai thực sự làm đều hãi vía vì cơ chế phát hành hiện nay.

Nghệ sĩ Lý Huỳnh, một ông chủ làm phim sớm nhất cho rằng tỷ lệ ăn chia trong chiếu bóng hiện nay thật khó để phim có lãi, đủ vốn là may lắm rồi. Nhiều nhà làm phim chuyên nghiệp khác như các đại gia Thái Hòa và Đào Thu... đều kêu rên vì đầu ra (phát hành) có những mâu thuẫn với các nhà sản xuất phim. Hiện nay, Chính phủ cho thành lập hãng phim tư nhân, nhiều người còn chần chừ hoặc không dám tiếp tục. Hiện nay, một số hãng phim hoạt động khá mạnh như Thiên Ngân, Chánh Phương, Phước Sang, Ánh Việt. Họ đã chứng tỏ được tiềm  năng của mình qua các phim Áo lụa Hà Đông, Dòng máu anh hùng, Võ lâm truyền kỳ, Trai nhảy... nhưng  một số đơn vị khác còn gặp nhiều khó khăn nên việc sản xuất phim cũng chẳng thuận buồm xuôi gió.

Việc cổ phần hóa các hãng phim truyện Nhà nước gần đây mới cực khổ làm sao! Khi nghe thấy sự đổi mới này, cán bộ, nghệ sĩ đều oải và coi như tan nát cả một hệ thống bởi các nghệ sĩ đâu có đủ tiền, lực để bước vào lộ trình xã hội hóa kiểu này. Nhiều người đã phải đứt gánh giữa đường, xin về hưu hoặc bỏ việc. Khảo sát tiến độ cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam mới thấy không khí quyết liệt chưa từng có. Theo đúng như lịch trình, bắt đầu từ tháng 9/2006, toàn bộ gần 200 nghệ sĩ trong Hãng phim truyện Việt Nam chỉ còn được nhận 70% lương cơ bản, (dĩ nhiên chỉ trong một thời gian ngắn), còn lại việc làm phim, nếu được duyệt, ngoài tài trợ của Nhà nước phần nào thì hãng phải tự lo hết. Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nam  đã từng nói: “Khi xóa bao cấp điện ảnh, chúng tôi không khác gì một hãng phim tư nhân”.

Tuy vậy, việc cổ phần hóa các hãng phim truyện Nhà nước cũng như việc cho thành lập các hãng phim tư nhân là con đường tất yếu. Việc còn lại chỉ là giải quyết những “di chứng” để lại sau hơn nửa thế kỷ hoạt động điện ảnh bao cấp mà thôi. Nhưng điều quan trọng hơn là mọi việc đều hướng tới một thị trường ảnh lành mạnh, thu hút người xem. Rồi mọi chuyện tung hứng thỏa hiệp với thị trường theo kiểu áo tắm hoặc chân dài... sẽ qua đi. Mong mỏi của người xem là sẽ có một nền điện ảnh Việt Nam chất lượng cao, hướng tới tương lai và  hòa nhập với cộng đồng xã hội thế giới sau WTO.

Trong khi đó, hình ảnh xã hội hóa trong lĩnh vực ca nhạc lại có hai cánh cửa khác màu hoàn toàn. Nhiều ông bầu, bà bầu dưới danh nghĩa chỉ đạo nghệ thuật của đơn vị hay nhóm họp tự lập (tất nhiên đã được giấy phép hoạt động) đã ngửi mùi thị hiếu và đôi khi chạy theo nó một cách quá tải thì vẫn được “xã hội hóa” một cách hết sức tự nhiên. Còn tiền thì ai cũng rõ, họ đã hạch toán từ cách phân phối vé (tự đi bán) hoặc trả tiền thù lao theo những quan niệm đầy chất thương mại với những bảng giá chênh lệch quá nhiều giữa các nghệ sĩ với nhau. Họ làm theo lợi ích của chính mình mà chả có luật lệ, cơ chế nào nhúng tay vào được. Ấy là chưa nói đến việc đóng thuế còn nhiều trục trặc trong giới nghệ sĩ. Phải chăng đó cũng là một hình ảnh méo mó của cái gọi là xã hội hóa?

Bên cạnh đó, nhiều ban nhạc được thành lập với một “ông bầu” hoàn toàn tách rời các nhà tổ chức Nhà nước. Họ bỏ vốn hoặc xin được tài trợ và hạch toán trực tiếp với những chương trình biểu diễn, đồng thời, họ mời nghệ sĩ nào và chạy theo khuynh hướng nghệ thuật nào đều không cần sự bảo trợ pháp lý của ai.

Sự vận động tự phát ấy đã làm nở rộ những bông hoa nghệ thuật ca nhạc và áp sát được tới đúng đối tượng khán giả của mình, nhưng lại hoàn toàn thả nổi dẫn tới bản chất nghệ thuật chân chính bị nhòe mờ. Vậy mà vẫn chưa có ai bị thổi còi, giơ thẻ đỏ do thái độ lợi dụng cái gọi là xã hội hóa tự do.

Chuyện dài hơi 1
 Các nhóm hài phải tự tìm cách hoạt động.

Xã hội hóa không chỉ là chuyện vốn liếng

Câu chuyện xã hội hóa nghệ thuật tựa như một sự đổi mới cả đường ray và con tàu vận hành trên đó. Con đường xã hội hóa đầy cởi mở và có một tương lai tươi đẹp cho các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, để đạt được đúng ý nghĩa đổi mới trong cơ chế thị trường, cần xã hội hóa theo hướng nào đây? Vận dụng nó với sân khấu, điện ảnh, ca nhạc phải sáng tạo theo phương pháp nào để đạt được mong muốn cơ bản là tìm cách thắp sáng ánh đèn, xóa đi bóng đen bao phủ các rạp chiếu phim và các sàn diễn. Ở đây, vấn đề quan trọng nhất là người làm nghệ thuật cũng như các nhà quản lý nghệ thuật phải xác định mô hình tối ưu cho các loại hình biểu diễn nghệ thuật để tạo hứng thú  cho người xem tìm đến chứ không hẳn là chuyện vốn liếng, đầu tư hay giá vé nữa. Sự lúng túng về phương pháp hiện nay chưa tạo nên một bức tranh hoàn hảo về chủ trương mới của Nhà nước. Mọi sự ngổn ngang cần phải sắp đặt lại trên những toa tàu mới hy vọng vận hành trơn tru trên đường ray “xã hội hóa” nghệ thuật hướng tới ngày mai.

Quang Lý


Ý kiến của bạn