Cách đây khá lâu, có lần tôi được mời dự buổi tổng kết hàng năm của một công ty dịch thuật. Một cộng tác viên là đại tá quân đội về hưu lên phát biểu đầy tự tin. Đại khái ý ông là: thời Tây (Pháp thuộc) ông chỉ học hết Cao đẳng tiểu học, khi nhận dịch tiếng Pháp cho công ty, lúc đầu ông thấy khó khăn, sau do chịu khó học hỏi, tra mòn tự điển nên giờ ông dịch rất thạo, dịch được đủ các loại. Tôi nghe sợ quá: nếu chỉ tra từ điển mà dịch được đủ thể loại thì không hiểu chất lượng dịch ra sao.
Ngoại ngữ loại sinh ngữ luôn thay đổi qua thời gian, qua đời sống xã hội, theo từng giới, dĩ chí từng hoàn cảnh sử dụng. Không kể đến dịch văn học cao xa, ngôn ngữ hàng ngày cũng rất khó dịch vì nó thay đổi với cuộc sống sinh động, mà không từ điển nào cập nhật nổi. Không nắm được văn cảnh, cứ dùng từ điển một cách máy móc, nhiều khi phạm sai lầm một cách lố bịch, thất lễ trong giao tiếp, thậm chí nguy hại về chính trị. GS.TS. Bùi Trọng Liễu ở Paris kể như sau:
“Vào khoảng những năm 1950, có một ông già Việt Nam sang Pháp sống. Một bữa đi dạo, ông gặp hai bà bạn Pháp đang dắt cháu đi chơi. Cháu bé trai của bà này gặp cháu bé gái của bà kia, cả hai mới độ năm tuổi, chúng hôn má nhau. Ông cụ nói đùa với cháu trai: “À ton âge tu baises déjà les petites filles (ý định nói: Ở tuổi cháu, cháu đã biết hôn các cô gái nhỏ). Hai bà già Pháp chưng hửng, không dám cười, không dám sửa chữ dùng sai. Vì trong tiếng Pháp ngày nay, động từ baiser (hôn) đã chuyển nghĩa, không còn nghĩa là hôn nữa mà mang nghĩa làm tình. Câu nói vui thành câu thô tục (Ở tuổi cháu mà đã làm tình với các bạn gái à?). Cũng không nên trách ông cụ vì ngay cuốn Từ điển Pháp Việt do nhóm Lê Khả Kế thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội biên soạn và do Tổ chức hợp tác văn hoá và kỹ thuật ACCT xuất bản năm 1981, trang 96, còn dịch baiseur là người hay hôn, đúng nghĩa bây giờ là người ham tình dục. Nhóm người làm từ điển còn nhầm thì người học chưa đến nơi tránh sao được!
Nhân đây, cũng xin kể thêm vài chuyện cười ra nước mắt về tiếng Tây thời Pháp thuộc.
- Chuyện anh “bồi” (người hầu trai) mau mồm: Tháng năm, nóng như thiêu như đốt. Ô tô đỗ bên đường vì bị “pan”, máy hỏng. Anh “bồi” lăng xăng phẩy cái quạt cho bà đầm (người Pháp), anh cười làm duyên: “Madame, vous êtes en chaleur! (ý định nói theo nghĩa từng chữ: Thưa bà, bà nóng quá!), anh không biết en chaleur là động đực, bốc lửa. Bà đầm điếng người, nhưng biết anh dốt chứ không phải nói hỗn, nên cho qua…(chaleur: nhiệt, tiết trời nóng (theo từ điển).
- Chuyện ông giám thị trường Bưởi: Giờ nghỉ, một học sinh nói chuyện với bạn về ông Charpin, Tổng giám học Tây bằng tiếng Pháp, luôn dùng chữ il (ngôi thứ ba, số ít: ông ấy, hắn, nó…không hàm ý thóa mạ). Một giám thị Việt (loại nịnh thần, chỉ hiểu nghĩa il là nó) ngỡ học sinh xấc láo, gọi “xếp” là nó, bèn phạt hai cậu một consigne (chủ nhật đến trường cả ngày), ghi vào sổ tội danh: “Dám gọi ông Tổng giám học bằng il” (!)
- Gọi đô đốc là con vật: Thời Pháp thuộc, ở Hà Nội, một tờ báo tiếng Pháp đăng tin quan trọng về vị toàn quyền Đông Dương, Thuỷ sư đô đốc Decoux. Để tỏ lòng kính trọng, tít bài in rất to: L‘ANIMAL DECOUX (Con vật Decoux), sai từ chữ L‘AMIRAL DECOUX. Báo phát hành rồi mới phát hiện ra, không rõ chủ báo và anh thợ sắp chữ bị phạt ra sao?
- Một tờ báo hàng ngày thời Pháp đã “nổi tiếng” vì dịch Hôtel de ville là Khách sạn Thành phố (bởi tra từ điển hôtel: khách sạn, de: của, ville: thành phố), người Pháp dùng chữ đó để gọi Tòa thị sảnh (tòa thị chính, trung tâm hành chính thành phố, ủy ban nhân dân thành phố).
- Có báo đã dịch: Secrétaire d’ Etat là Thư ký Nhà nước (do tra từng chữ: secrétaire: thư ký, Etat: Nhà nước), thực ra phải dịch là Quốc vụ khanh.
Từ tiếng Pháp mà suy ra, khi nhận dịch ngôn ngữ nào phải tự lượng sức mình, khiêm tốn học hỏi để tránh những sai lầm đáng tiếc…
Hữu Ngọc
(Dành cho các bạn đang học tiếng Pháp)