Hà Nội

Chuyện của những người treo cờ Tổ quốc trên Kỳ đài Huế

02-09-2024 06:33 | Xã hội

SKĐS - Để lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trên Kỳ đài, các nhân viên Tổ Bảo vệ Kỳ đài (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) ngày đêm túc trực bảo quản. Với họ đó không chỉ công việc đơn thuần mà còn là niềm tự hào đối với bản thân, gia đình.

Nhiệm vụ thiêng liêng

Kỳ đài Huế được xây dựng vào năm 1807 gồm đài cờ và cột cờ, tổng chiều cao 54,5m. Đài cờ với 3 tầng hình chóp cụt chữ nhật chồng lên nhau với chiều cao 17,5m, cột cờ ở vị trí trung tâm tầng cao nhất của đài cờ. Trải qua thời gian, đầu năm 1948 cột cờ được dựng lại bằng bê tông cốt sắt với chiều cao 37m.

Để lá cờ Tổ quốc (dài 12m, rộng 9m) ở Kỳ đài luôn tung bay, không bị hư hỏng, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phân công nhiệm vụ cho các nhân viên của Tổ Bảo vệ Kỳ đài thường xuyên thay nhau túc trực, bảo quản.

Chuyện của những người treo cờ Tổ quốc trên Kỳ đài Huế- Ảnh 1.

Kỳ đài Huế.

"Tổ có 9 người nhưng chỉ có 2 người chuyên làm nhiệm vụ treo, gỡ và hạ cờ. Không quá nặng nhọc nhưng người làm việc này đòi hỏi phải có một "tinh thần thép" và đặc biệt không sợ độ cao", anh Đặng Ngọc Thành (28 tuổi, một trong 2 người được giao nhiệm vụ kéo, hạ cờ ở Kỳ đài) nói.

Hai năm trước, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Thành được tuyển vào làm nhân viên Tổ Bảo vệ Kỳ đài. Trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm, nhưng anh Thành luôn nỗ lực, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ "thiêng liêng".

Anh Thành cho biết, để treo một lá cờ cần ít nhất 2 người cùng làm. Trước tiên phải xác định các mặt của lá cờ, sau đó cột cờ vào dây ròng rọc. Tiếp đó, một người ở dưới quay ròng rọc để đẩy cờ lên, người còn lại leo lên đỉnh cột từ từ bung ra cho cờ bay theo hướng gió.

Chuyện của những người treo cờ Tổ quốc trên Kỳ đài Huế- Ảnh 2.
Chuyện của những người treo cờ Tổ quốc trên Kỳ đài Huế- Ảnh 3.
Chuyện của những người treo cờ Tổ quốc trên Kỳ đài Huế- Ảnh 4.

Để lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trong gió, mỗi ca trực, anh Thành có ít nhất 2-3 lần leo lên cột cờ để xử lý mỗi khi cờ bị vướng.

"Cờ Tổ quốc được kéo lên và hạ xuống bằng máy tời. Tuy nhiên việc cờ thường bị mắc, không thể tung bay khiến người làm nhiệm vụ này phải thường xuyên trèo lên để gỡ. Phức tạp nhất là những lúc gió to, dù có dây an toàn nhưng cũng rất nguy hiểm. Mỗi ngày, tổ trực phải chỉnh sửa cờ bị vướng từ 2-3 lần. Để làm việc này, ngoài biết leo trèo, không sợ độ cao còn phải có sự khéo léo, tỉ mỉ và cẩn thận", anh Thành nói.

Hai năm được phân công làm nhiệm vụ ở Kỳ đài, đối với anh Thành lần thực hiện treo cờ rủ Quốc tang cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho anh nhiều cảm xúc nhất.

"Dù rất đau buồn trước sự ra đi của cố Tổng Bí thư, tôi cố kìm nén để hoàn thành nhiệm vụ. Thực sự lúc leo lên cột cờ để thực hiện nghi thức treo cờ rủ, cảm xúc trong tôi luôn trực trào, nó khác với công việc hàng ngày của mình. Đó là giây phút mà tôi sẽ không thể nào quên", anh Thành xúc động nói.

Chuyện của những người treo cờ Tổ quốc trên Kỳ đài Huế- Ảnh 5.

Hai năm gắn bó với công việc treo, hạ cờ ở Kỳ đài, với anh Thành đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm tự hào...

Với anh Thành, việc được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế giao nhiệm vụ treo cờ Tổ quốc ở vị trí trang trọng nhất của Kinh thành Huế là một vinh dự lớn đối với bản thân anh và cả gia đình.

"Đây là một nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà đơn vị tin tưởng và giao phó cho mình, đó là một niềm vinh dự mà không phải ai cũng có được", anh Thành bày tỏ.

Hàng chục năm treo cờ Tổ quốc ở Kỳ đài Huế

Trong 2 người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, treo cờ Tổ quốc ở Kỳ đài Huế hiện nay, anh Trần Thạch Cương (50 tuổi) là người có thâm niên lâu nhất.

Theo đó, xuất thân từ gia đình truyền thống cách mạng, bố nguyên là Tổng biên tập cơ quan báo chí, năm 2000 sau khi nộp hồ sơ và vượt qua những câu hỏi phỏng vấn, kiểm tra, anh Cương được nhận vào làm tại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố Huế.

Chuyện của những người treo cờ Tổ quốc trên Kỳ đài Huế- Ảnh 6.

Cờ Tổ quốc tung bay trên Kỳ đài Huế.

24 năm gắn bó với nhiệm vụ treo, hạ cờ ở Kỳ đài, để lại cho anh Cương kỷ niệm đáng nhớ nhất đó là vào một ngày giữa tháng 6 cách đây hơn 14 năm. Thời điểm đó, khi chỉ còn 15 phút để chương trình truyền hình trực tiếp "Hành trình mở cõi" nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2010 diễn ra, trời bỗng nổi gió to, sấm chớp kéo đến khiến lá cờ Tổ quốc bị rách.

Để "chữa cháy", 12 người được huy động đến néo dây buộc để cờ nằm yên, riêng anh Cương khi đó một mình leo lên cột, tiến hành vá cờ trong đêm tối. Khi lá cờ Tổ quốc tung bay trở lại cũng vừa kịp lúc chương trình diễn ra.

"Thật sự lúc đó tôi chỉ cố gắng leo lên cột thật nhanh để chỉnh lại lá cờ giúp chương trình diễn ra một cách trọn vẹn nhất", anh Cương kể.

Mặc dù quá quen với công việc gắn bó hàng chục năm, nhưng mỗi buổi sáng, trước khi đi làm, anh Cương đều được các cô con gái cùng vợ dặn dò kỹ lưỡng: "Nhớ đeo dây bảo hộ nghe ba". Chính vì câu nhắc nhở đó, trong quá trình làm việc anh luôn cẩn thận dù những chi tiết nhỏ nhất.

Đặc biệt, đối với người trẻ mới vào nghề, anh Cương luôn dặn dò kỹ lưỡng để các em không mắc sai sót, bởi chỉ cần một sai lầm rất nhỏ, hậu quả để lại rất lớn.

Ngoài nhiệm vụ gìn giữ, bảo quản cờ trên Kỳ đài Huế, hiện nay anh Thành và anh Cương còn trực bảo vệ di tích luân phiên theo sự phân công của đơn vị cũng như vừa coi cờ vừa chào đón khách đến tham quan Đại nội Huế như những nhân viên bảo vệ khác.

Chuyện của những người treo cờ Tổ quốc trên Kỳ đài Huế- Ảnh 7.

Kỳ đài nằm ở vị trí trung tâm TP Huế, là biểu tượng của mảnh đất cố đô.

Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, cờ Tổ quốc là biểu tượng thiêng liêng của đất nước, việc treo, gỡ, hạ và bảo vệ cờ tại Kỳ đài thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào của dân tộc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Tinh thần đoàn kết, phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Mặt khác, Kỳ đài là điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam, hàng ngày có rất nhiều khách du lịch đến tham quan nên việc treo cờ, bảo vệ cờ làm cho điểm di tích càng trang trọng, thu hút du khách.

"Để tuyển chọn nhân viên treo cờ, bảo vệ cờ Kỳ đài chúng tôi yêu cầu các tiêu chí là những người có lòng yêu nước, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, có phẩm chất đạo đức, sức khỏe, có kỹ năng đặc biệt là nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác", ông Sơn nói.

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, trong quá trình công tác, anh Đặng Ngọc Thành và Trần Thạch Cương luôn năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cờ Tổ quốc ở Kỳ đài luôn được bảo vệ, tung bay trước gió, khi cờ bị vướng, rách đều được tháo gỡ, thay thế kịp thời.

Theo tài liệu Thuyết minh các điểm tham quan du lịch (Sở Du lịch Thừa Thiên Huế), dưới thời Nguyễn vào các dịp lễ, tết chào mừng, tuần du cho đến việc cấp báo đều có hiệu cờ. Trên đỉnh cột cờ có đặt một trạm quan sát gọi là Vọng Đấu. Thỉnh thoảng lính canh trèo lên Vọng Đấu dùng kính Thiên lý quan sát ngoài bờ biển. Kỳ đài là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng...

Ngày 23/8/1945, lần đầu tiên lá cờ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tung bay phấp phới trên đỉnh Kỳ đài Huế dưới sự chứng kiến của hàng vạn người dân cố đô, chấm dứt 145 năm trị vì của vương triều Nguyễn và chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam.

Rộn rã làng nghề may cờ Tổ quốcRộn rã làng nghề may cờ Tổ quốc

SKĐS - Khi cả nước hướng về Quốc khánh 2/9 cũng là lúc làng nghề làm cờ Từ Vân (Thường Tín, Hà Nội) tất bật, hối hả làm việc để kịp cung ứng các sản phẩm ra thị trường.


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn