Chuyện của ngọn núi thiêng hình đầu Rồng ngậm viên ngọc

13-02-2024 06:31 | Xã hội
google news

SKĐS - Là ngọn núi nổi tiếng xứ Thanh, Hàm Rồng không chỉ hội tụ nhiều cảnh quan đẹp, gần các khu di tích tâm linh, mà còn là nơi có bề dày lịch sử, văn hóa, là ''trận địa lửa'' trong nhiều cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

Núi Hàm Rồng (phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa) là tên gọi của dãy núi 99 ngọn kéo dài từ ngã ba Giàng đến làng Đông Sơn (nên còn có tên là núi Đông Sơn). Các dãy núi uốn lượn quây quần bên hữu sông Mã, bên tả có một hòn núi đứng riêng gọi là núi Ngọc. Tùy theo hình thù và sự tích mỗi ngọn núi đều có tên gọi riêng biệt. Ngọn núi cuối cùng có hình như đầu Rồng vươn lên để ngậm hạt Ngọc nên được gọi là núi Hàm Rồng.

Dãy núi này uyển chuyển liên tiếp như hình 9 khúc rồng nhấp nhô uốn lượn, bao quanh những đồi thông ngút ngàn và những thung lũng thơ mộng, cuối cùng nổi vọt lên một ngọn núi cao, lớp đá chồng chất, trên núi có động Long Quang. Trong đó có cầu Hàm Rồng nối đôi bờ Sông Mã, gối đầu lên núi Ngọc. Núi Rồng bao quanh là dòng sông xanh uốn khúc chở nặng phù sa. Cầu Hàm Rồng bất tử nối liền hạt ngọc với miệng thần Long, sông Mã.

Chuyện của ngọn núi thiêng hình đầu Rồng ngậm viên ngọc- Ảnh 1.

Ngọn núi cuối cùng có hình như đầu Rồng vươn lên để ngậm hạt Ngọc nên được gọi là núi Hàm Rồng.

Khu vực Hàm Rồng - núi Đọ thuộc vành đai xanh phía Tây Bắc thành phố Thanh Hóa. Nơi đây tích hợp nhiều giá trị văn hóa được các thế hệ người Việt sản sinh, bồi đắp và tô thắm qua hàng nghìn năm lịch sử. Nếu như di tích núi Đọ, thuộc địa phận xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, được xem là một trong những cái nôi của người Việt cổ thì khu vực Hàm Rồng lại là nơi lưu dấu nhiều giá trị vật thể, phi vật thể của nền văn hóa Đông Sơn - đỉnh cao rực rỡ của văn hóa – văn minh Việt cổ.

Từ bao đời nay, Núi Hàm Rồng đã trở thành "biểu tượng" văn hóa và lịch sử của người con xứ Thanh. Núi sát bờ sông, trên bờ có mỏm đá nhô ra như hình mũi rồng, cho nên gọi là Long tị. Phía chân núi, có hai lớp đá trồng nhau như hàm rồng, đó là Long hàm. Nếu đứng từ phương Bắc nhìn toàn thể, núi trông giống như đầu rồng đang uống nước.

Chuyện của ngọn núi thiêng hình đầu Rồng ngậm viên ngọc- Ảnh 2.

Đền thờ bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa được tọa lạc nơi lưng chừng núi.

Tương truyền rằng, núi Hàm Rồng vốn là chỗ ở của các vị thần trên thượng giới. Nhưng quả núi này chân không gắn chặt với đáy biển, cứ bồng bềnh trên mặt nước. Thượng đế phải sai mấy con ngao đến đội núi lên để giữ cho vững. Tuy nhiên, xung quanh vẫn còn là biển lớn, nên Thượng đế lại sai những con kình quẫy khúc làm cho nổi đất lên, còn một ít chỗ không lấp hết trở thành ao.

Hàm Rồng đã khiến bao du khách say mê. Từ bậc phong lưu tài tử như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Trãi... đến những vị vua thi sĩ như Trần Nghệ Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông... đều có thơ đề trên vách núi ca ngợi cảnh đẹp Hàm Rồng. Sau này, những danh sĩ Bắc Hà như: Ngô Thì Sĩ, Phan Huy Ích, Ninh Tốn cho đến những nhà thơ cận hiện đại như Sầm Phố, Tản Đà, Xuân Diệu, Huy Cận, Trinh Đường... vẫn tiếp nối nguồn cảm xúc được tạo nên từ cảnh núi sông kỳ thú đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị.

Một truyền thuyết khác giải thích về việc hình thành núi  Hàm Rồng: Vợ chồng nhà Vồm chiến đấu với tướng nhà Trời để đòi Ngọc Hoàng làm mưa. Kết quả các tướng đều bị đánh bại nên đành nằm lại quanh núi Hàm Rồng. Tướng Đại Bàng hóa thành núi Bằng Trình, 5 tướng Phượng Hoàng hóa thành núi Ngũ Phụng (núi Rừng Thông), Rồng Lửa bị chặt thành khúc hóa thành dãy núi Rồng, viên ngọc lửa hóa thành núi Ngọc (núi Nít)...

Không làm gì được Vồm, Trời đành chịu nhún, sai thần Long Mã đi làm sông. Thần Long Mã vốn chơi thân với Rồng Lửa nên quấn quýt lấy núi Rồng, chân đặt tới đâu nước tràn tới đó hóa thành sông Mã. Từ đó, con sông Mã luôn uống quanh, bao bọc lấy núi Hàm Rồng để cung cấp nước và bồi đắp phù sa cho dân làng.

Nhờ linh khí hội tụ nên vùng đất xứ Thanh được xem là nơi phát tích của các đời vua chúa, có thể kể đến như: Bà Triệu (huyện Yên Định), Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ (Ái Châu, Thanh Hóa), Lê Đại Hành (Ái Châu, Thanh Hóa), Hồ Quý Ly (Đại Lai, Thanh Hóa), Lê Thái Tổ (làng Chủ Sơn, Thanh Hóa), Hoàng tộc Nguyễn (Hà Trung, Thanh Hóa), Chúa Trịnh Kiểm (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)…

Chuyện của ngọn núi thiêng hình đầu Rồng ngậm viên ngọc- Ảnh 3.

Cầu Hàm Rồng như chàng lực sĩ gồng lên vai gánh bổng hai hòn núi Ngọc, đầu rồng, để núi và sông mãi mãi lung linh trong trời huyền thoại.

Sự linh thiêng của Hàm Rồng còn được bồi đắp bởi những sự kiện bi hùng trong lịch sử. Vào tháng 11 năm 43, Mã Viện cùng 2.000 chiếc thuyền theo đường thủy tiến đánh nghĩa quân của Hai Bà Trưng ở Cửu Chân. Theo sách Thủy Kinh Chú của Trung Quốc, quân Mã Viện chỉ đoạt được thành Tư Phố khi "tướng giặc không hàng, tất cả đều bị chém, có đến mấy trăm người".

Thế kỷ XVI, cuộc xung đột Trịnh - Mạc diễn ra gay gắt, Thanh Hóa trở thành chiến trường ác liệt nhất. 26 lần giao tranh, không lần nào vùng Hàm Rồng - sông Mã thoát khỏi vòng binh đao. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, trận đánh Quan Yên mùa thu năm 1555, quân Mạc bị mai phục "giặc chết lấp kín sông, nước sông đều sắc đỏ. Lấy được khí giới không kể xiết. Quân giặc hơn vài vạn chết gần hết".

Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và lần thứ hai của đế quốc Mỹ, Hàm Rồng trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Với sự kết hợp không thể tách rời giữa sông Mã, núi Hàm Rồng và cầu Hàm Rồng đã trở thành nét văn hóa lịch sử tâm linh không chỉ của riêng Thanh Hoá. Ở đây còn có làng cổ Đông Sơn, một làng quê xuất hiện từ thuở Hùng Vương. Tại đây, khảo cổ học đã phát hiện được các di vật tiêu biểu của thời đại đồng thau, đặc biệt với "trống đồng Đông Sơn" mang phong cách nghệ thuật riêng biệt tỏa ánh hào quang của "văn hóa Đông Sơn" trên bầu trời Đông - Nam Á.

Linh thiêng và xúc động ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc MaLinh thiêng và xúc động ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

SKĐS - Từng dòng người đổ về Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (ở Cam Lâm, Khánh Hòa) đều chung niềm xúc động và biết ơn khi tưởng nhớ về các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Gia Hân
Ý kiến của bạn