Chuyện của cát

07-07-2014 13:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hội họa có khả năng “thôi miên” đôi mắt người thưởng ngoạn bằng màu sắc và tạo hình.

Hội họa có khả năng “thôi miên” đôi mắt người thưởng ngoạn bằng màu sắc và tạo hình. Dù sử dụng chất liệu nào đi chăng nữa thì họa sĩ cũng không thể bỏ qua 2 yếu tố cơ bản này. Tuy nhiên, có một dòng tranh vượt qua giới hạn truyền thống của hội họa, cuốn hút người xem ngay từ khi họa sĩ chưa... vẽ.


Không rõ tranh cát đi vào đời sống văn hóa đương đại như một món ăn tinh thần từ khi nào, chỉ biết rằng nó được tạo ra từ bàn tay của người nghệ sĩ cùng với những hạt cát thân quen và mộc mạc của tự nhiên. Tranh cát có 2 loại: tranh cát động, tranh cát tĩnh hay còn gọi là tranh cát biểu diễn và tranh cát trưng bày. Đây cũng là 2 dòng tranh thu hút sự quan tâm lớn của giới mỹ thuật và công chúng trong thời gian qua.

Trích đoạn trong tác phẩm tranh cát hướng về biển Đông.

Trích đoạn trong tác phẩm tranh cát hướng về biển Đông.

Sức hút của tranh cát động

Tranh cát động được xem là một loại tranh nghệ thuật chứa đựng nhiều cảm xúc, ở đó đòi hỏi sự nhanh nhạy của người nghệ sĩ cũng như những ý tưởng sáng tạo thổi hồn vào tác phẩm. Đây cũng là dòng tranh duy nhất mà “khán giả” được chứng kiến từ đầu đến cuối quá trình “vẽ” . Tranh cát nghệ thuật được thể hiện trên một mặt kính được chiếu ánh sáng ngược từ phía bên dưới hướng lên. Một bài biểu diễn tranh cát động gắn liền với một cốt truyện nhất định nào đó, có thể là chuyện cổ tích, truyện dân gian hoặc cũng có thể là câu chuyện mà tác giả tự sáng tác. Người nghệ sĩ tranh cát sẽ dựa vào cốt truyện đó để điều khiển những hạt cát nhằm tạo thành những hình ảnh của câu chuyện. Điều quan trọng là người nghệ sĩ phải thực sự nhanh nhạy để có thể biến đổi liên tục các hình ảnh sao cho liền mạch với câu chuyện.

Bên cạnh đó, người nghệ sĩ khi biểu diễn tranh cát động thường kèm theo một bản nhạc với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, cùng với đó là việc kết hợp nhiều phong cách biểu diễn độc đáo, sáng tạo để lôi cuốn khán giả. So với tranh cát tĩnh, thông điệp truyền tới người xem của tranh cát động có phần ưu thế hơn. Dường như sự kết hợp với âm nhạc, ánh sáng, chuyển động cơ thể của người biểu diễn đem lại sự thu hút đáng kể cho các tác phẩm tranh cát động. Mảng nghệ thuật này còn được xem như một vở kịch sống động của cát biển.

Người nghệ sĩ “chơi” cát

Có thể nói, họa sĩ Nguyễn Thế Nhân là một trong những họa sĩ có nhiều cống hiến nhất cho mảng nghệ thuật thú vị này. Ông là một trong số ít những nghệ sĩ tiên phong trong bộ môn tranh cát động, là người sáng lập ra câu lạc bộ tranh cát động Việt Nam, góp phần đưa bộ môn nghệ thuật tranh cát động ngày một phát triển và đến gần hơn với công chúng.

Ông đến với tranh cát tình cờ và giống như cái duyên trời định, tranh cát trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Từng rất thành công trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như airbrush art, body art, điêu khắc, ký họa, tranh sơn dầu, nhưng khi “bén duyên” với tranh cát động, ông đã được bạn bè trong giới và công chúng yêu mến đặt cho cái tên: “Phù thủy cát”.

Không phải “vô cớ” mà nghệ danh đó được mọi người đặt cho ông. Xem Thế Nhân trình diễn, theo dõi sự biến hóa tranh cát trong những đường nét, bố cục đầy sáng tạo, ngẫu hứng, bất ngờ, người xem không thể đoán được ý đồ của người nghệ sĩ, chỉ khi màn trình diễn kết thúc cũng là lúc ta ngạc nhiên và thán phục với những gì mà mình vừa chứng kiến. Trong số những tác phẩm để đời của ông phải kể đến tranh cát động Mẹ một mắt. Đây là tác phẩm cảm động kể về sự hy sinh của người mẹ dành cho con trai: Chỉ khi mẹ không còn trên đời, người con mới hối hận thì mọi chuyện không thể làm lại được nữa. Những ai từng xem tác phẩm này của ông đều không nén được những giọt nước mắt xúc động. Giản dị, mộc mạc và sâu lắng, những tác phẩm của Nguyễn Thế Nhân vượt qua cả ngôn ngữ và hình ảnh, cảm xúc được truyền đến khán giả bằng những thao tác “thả”, “trượt” và “vờn” cát độc nhất vô nhị chỉ có ở Nguyễn Thế Nhân.

Tác phẩm nức lòng công chúng

Gần đây nhất, tranh cát động lại khiến công chúng xôn xao bởi một tác phẩm vô cùng đặc biệt. Có lẽ trong lịch sử hội họa Việt Nam, chưa có một tác phẩm nào gây được sự chú ý của công chúng cả nước trong cùng một thời điểm như vậy. “Không chỉ mẹ đâu, trăm triệu người ngóng đợi. Biển xa xôi mà sóng dội về đây...”, những lời thơ trong clip tranh cát Mẹ kể con nghe câu chuyện biển Đông đã khơi dậy lòng yêu nước mạnh mẽ tiềm tàng trong mỗi người dân Việt Nam.

Từ bài thơ Mẹ kể con nghe... của tác giả Dương Phạm, họa sĩ Lê Ngọc Giao đã minh họa lại bằng những nét vẽ xúc động trong tác phẩm tranh cát hướng về biển Đông. Lê Ngọc Giao bày tỏ, tác phẩm tranh cát này không chỉ để thể hiện lòng yêu nước mà anh còn muốn nhắn gửi lời yêu thương, kính phục đến những người lính đã và đang ngày đêm làm nhiệm vụ ngoài biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chia sẻ nỗi lo lắng của gia đình, thân nhân những người lính ấy.

Đây là tác phẩm thăng hoa từ lòng yêu nước, sức lan tỏa đặc biệt của nó chính là chất liệu được sử dụng. Cát nói về biển cũng là kể về chính mình, có thể nói, đây là một bức tranh “tự họa” của cát, thẳm sâu trong lòng biển và cát là một tình yêu lay động trái tim hàng triệu người dân Việt. Một khán giả bày tỏ: “Cảm ơn tình yêu của nghệ sĩ Phong Giao và nhà thơ Dương Phạm đã nhen nhóm cho các con tình yêu thương đất nước, để những người mẹ chúng tôi biết hành động theo cách của mình”.

Tùng Lâm

 


Ý kiến của bạn