Mỗi khi gió mùa lành lạnh thổi về, tiết trời trở sang đông, từ sâu thẳm trong tôi lại cuộn trào nỗi nhớ về chuyến công tác định mệnh ấy. Chuyến công tác của chàng bác sĩ trẻ mới 25 tuổi đời với những kỷ niệm, những con người còn sống mãi trong tim tôi.
Ngày 21/12/1972, lúc đó tôi còn là một bác sĩ rất trẻ làm việc tại Ban B, ban phục vụ chiến trường của Ban Tổ chức Trung ương Đảng đi công tác ở Hải Phòng. Chiều ấy, sau khi xong công việc, tôi vội vã ra bến xe lấy vé về Hà Nội càng sớm càng tốt để tránh máy bay Mỹ ném bom vào buổi tối.
Trời chập choạng tối xe mới về đến Gia Lâm, cách cầu chui vài trăm mét thì có lệnh báo động máy bay B52 đang tiến vào Hà Nội. Mọi hành khách trên xe đều vội vã tìm chỗ tránh bom. Tôi tìm được một cái hầm cá nhân bằng bê tông ở cạnh đường và cách đấy vài trăm mét là một hố bom rỗng. Khi đã tụt xuống hầm, tôi bỗng nghe tiếng Hường và Linh, hai cô gái mà tôi quen trên cùng chuyến xe Hải Phòng - Hà Nội gọi nhau. Thấy hai người đang nhớn nhác, tôi nhảy khỏi hầm rồi đẩy Linh và Hường xuống nhường hầm trú ẩn của tôi cho họ rồi xách cặp chạy tới hố bom gần đó. Đang gập người chạy tới hố bom cũ, bỗng tai tôi ù lên và cảm giác một vật sắc lẹm, mát lạnh xẹt qua mông bên trái làm tôi đổ ụp xuống. Theo bản năng, tôi đưa tay sờ mông thì thấy bầy nhầy và ướt: Máu. Thế là tôi bị thương rồi. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nghĩ đến mẹ vì sẽ là người đau đớn nhất nếu tôi không còn trên trái đất này nữa. Nhưng bản năng của cuộc sống kéo tôi về thực tại. Tôi co chân trái lên và vẫn thấy bình thường. Tôi rất mừng, như vậy là chỉ bị thương phần mềm thôi nhưng những khối cơ mông to và dày sẽ mất nhiều máu dẫn đến nguy cơ tử vong. Vấn đề quan trọng là phải cầm máu thật tốt. Tôi cởi chiếc blu-don bằng vải kaki mà lúc trên xe tôi phải mặc ra ngoài bộ quân phục vì rét, nhét vào vết thương rồi lấy khăn rằn buộc quanh người. Máu từ vết thương vẫn tràn ra, thấm đẫm chiếc khăn, tôi lôi chiếc võng dù trong cặp quấn quanh vết thương và buộc chặt lại.
Qua giây phút ngỡ ngàng ấy, tôi bắt đầu thấy vang lên tiếng rền rĩ của những người bị thương, tiếng gọi nhau í ới. Vài phút sau, không gian lại gằn lên và mặt đất quằn quại bởi đợt bom khác. Thời gian trôi qua thật chậm chạp. Tôi không biết bao lâu sau mới có lệnh báo yên. Mọi người lục tục chạy đến quanh chiếc xe khách. Cố gắng bò ra khỏi gầm xe nhưng chỉ được một chút thì toàn thân nặng trĩu, tôi gần như không còn sức lực nữa. Linh và một anh thanh niên đỡ và đẩy tôi lên xe đưa về bệnh viện. Tôi bắt đầu lơ mơ nhưng vẫn nhận ra bàn tay ấm nóng của Linh nâng đầu tôi lên rồi đặt vào một thứ vải mềm mềm, chắc là áo lót đông xuân và vài thứ gì đó. Rồi cảm giác giống như những sợi tóc lòa xòa phủ xuống mặt và một cái hôn nồng nàn lên mặt tôi. Tôi chỉ mơ hồ biết rằng đó là một tình cảm cao quý, xuất phát từ đáy lòng của một người nhân hậu. Sau này tôi và Linh có gặp lại nhau nhưng không ai nhắc đến nụ hôn này. Với tôi, đó là kỷ niệm thiêng liêng và đẹp như một bông hoa tuyết của hòa bình, của yêu thương nở giữa bom đạn của chiến tranh tàn bạo.
Không biết bao lâu xe mới về đến bệnh viện Gia Lâm, lúc đó ở Ô Cách. Tại đây, các bác sĩ xử trí vết thương cho tôi, mặc dù không đúng với nguyên tắc về vết thương phần mềm trong chiến tranh nhưng tôi chỉ im lặng vì về được đến bệnh viện đã là một kỳ tích với tôi. Tôi bị bí tiểu, phải thông nhiều lần rất đau nhưng rồi mọi việc cũng qua. Được truyền dịch và 300ml máu nhóm O nên tôi đã tỉnh táo hơn nhiều và xin chuyển về Bệnh viện Việt Đức.
Trên chuyến xe Gát 54 chở tôi về Bệnh viện Việt Đức, khi chạy trên đê sông Hồng lúc quá trưa thì có lệnh báo động máy bay đến Hà Nội, lại phải dừng trú ẩn. Chị Vân, y tá của Bệnh viện Gia Lâm, hai thanh niên xin đi nhờ xe phải vất vả lắm mới đưa được tôi lên xe và chạy tiếp về Hà Nội. Sau này tôi mới biết phần lớn bệnh nhân và thầy thuốc Bệnh viện Việt Đức đã đi sơ tán, chỉ còn lại một số bác sĩ cùng với sinh viên ở lại để xử trí nạn nhân. Giáo sư Tôn Thất Tùng, không đi sơ tán, mà thầy vẫn đội mũ sắt (như là mốt của thầy) ngày đêm trong bệnh viện để “trực chiến” cùng với đồng nghiệp và học trò. Tôi được bác sĩ Tôn Thất Bách mổ ngay vì vết thương bắt đầu hoại tử, tím bầm lẫn cỏ rác do xử trí lúc đầu vội vã và thiếu ánh sáng. Tôi cũng nhận ra cô Hồ, vợ giáo sư Tùng và chị Nga, vợ anh Bách chuẩn bị gây mê cho tôi. Cô Hồ còn hỏi han và động viên tôi vài câu gì đó rồi tôi thiếp đi không biết gì nữa. Nhiều ngày sau, dù được điều trị tích cực nhưng tình trạng của tôi vẫn rất nặng: sốt liên miên, người nóng hầm hập, môi khô ran dù hai tay gắn hai dây truyền dịch.
Ngày 22-23/12 năm đó, Mỹ ném bom Bệnh viện Bạch Mai, em gái tôi may mắn thoát chết nhưng nhiều bệnh nhân và đồng nghiệp của tôi đã hy sinh do bom và vùi lấp. Những ngày sau đó cho đến cuối tháng 12, cường độ ném bom giảm dần rồi ngừng hẳn. GS. Tôn Thất Tùng vẫn đội mũ sắt đi “tua” thăm bệnh nhân và động viên đồng nghiệp. Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không đã chấm dứt, hòa bình lập lại. Sức khỏe tôi khá dần lên...
Đã 44 năm trôi qua, chúng tôi người còn, người mất, mỗi người một số phận, mỗi cuộc đời. Tôi cũng đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” với bao buồn vui chuyện nghề, chuyện nghiệp nay đã nghỉ hưu nhưng những con người ấy, năm tháng ấy vẫn luôn mãi trong tim. Rồi mỗi khi heo may về, những đêm dài lành lạnh không ngủ, nghe vết tích chiến tranh trên người cựa mình buốt nhức, tôi lại thổn thức những ký ức về chuyến xe định mệnh với những con người bình dị nhưng thấm đẫm yêu thương trong khói lửa và đạn bom.