(SKDS) - Bên lề cuộc Hội thảo mới đây về “Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động phát hành, phổ biến phim giai đoạn 2012- 2015” vừa được tổ chức ngày 25/7 tại Hà Nội, có người cho rằng đấy là chuyện con bò và chiếc máy tính. Mới nghe, xem ra hai cái này chẳng ăn nhập gì với nhau, thế nhưng...
Phát hành phim: Lại vẫn chuyện “đầu tiên”
Câu chuyện phát hành phim Việt Nam quá quen thuộc với nhiều người. Nhiều phim được đầu tư sản xuất từ nguồn ngân sách Nhà nước vẫn chỉ chiếu “nghiệm thu” rồi chẳng phát hành được, đành cất vào kho. Ở các thành phố lớn bây giờ người ta quen xem nhiều sản phẩm điện ảnh cao cấp, thậm chí có lúc được xem phim nhập khẩu cùng thời điểm với Hollywood, nên phim Việt với chất lượng “thường thường bậc trung” khó lấy ra một suất cạnh tranh, nhất là khi phần lớn các rạp chiếu ở khu vực này lại do tư nhân quản lý.
![]() Cảnh phim Vợ chồng A Phủ. |
Có người mách kế, chất lượng phim như vậy, cứ đem về vùng sâu, vùng xa chiếu miễn phí cho bà con nông dân có khi lại “hút khách” vì ở biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn “đói” phim lắm. Nghe qua, “sáng kiến” này dễ tìm được sự đồng thuận của nhiều người. Thế nhưng, đến khi chạm vào khâu “đầu tiên” để nuôi người phục vụ, bổ sung nâng cấp máy móc thiết bị, vận chuyển phim cách xa trung tâm hàng ngàn cây số, thấy rằng không phải chuyện đơn giản như người ta tưởng.
Còn ở Lào Cai, tình hình cũng không sáng sủa là bao. Theo ông Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh này thì hiện tại có khoảng 60 vạn người Mông sống ở biên giới Lào Cai tiếp giáp với Trung Quốc, không hề được cấp băng đĩa. Nhưng ở phía bên kia biên giới, cơ quan văn hóa địa phương của Trung Quốc có nhiều phim của ta từ Vợ chồng A Phủ cho đến những chương trình ca nhạc dành cho người Mông. Nên chăng, chúng ta tuyên truyền bằng những bộ phim cổ tích, truyền thuyết người Mông bằng chính tiếng dân tộc của họ thì chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn.
Tình trạng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cũng không khá hơn. Hệ thống rạp chiếu phim xuống cấp, xập xệ là phổ biến, chưa nói đến việc cần thiết phải đầu tư theo chuẩn để có thể chiếu được các phim số hóa 2D và 3D. Đã vậy, khán giả ở các địa phương ngay vùng đồng bằng cũng chỉ được xem một lượng phim rất hạn chế và thường chậm hơn các thành phố lớn khoảng vài tháng.
Bài toán giải cứu phim Việt
Tại hội thảo, tân Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan đã tiết lộ một thông tin gây sốc cho không ít người. Bà Lan cho biết: “Ông Frank S. Rittman - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh (MPA - Motion Picture Association - International) đã đưa ra một vài con số cụ thể như trong năm 2010 doanh thu từ điện ảnh (gồm cả doanh thu từ bán vé phim nhập khẩu) tại Việt Nam là 26 triệu USD, còn tính từ ngày 1/1 - 30/11/2011, số tiền này là 35 triệu USD (chủ yếu là phim nhập khẩu của Mỹ). Từ 1/1 - 30/3/2012, con số này đã là 13 triệu USD. Có khoảng 3,5 triệu người xem, chủ yếu ở các thành phố lớn”.
![]() Có đề xuất nên trích một phần trong số tiền vé bán ra để đưa vào Quỹ phát triển điện ảnh. Ảnh: G. Tiến |
Một thực trạng đáng buồn là các phim truyện sản xuất ra tuy có cơ hội phát hành, nhưng chủ yếu vào các dịp “húy kỵ”, còn các phim hoạt hình, tài liệu, khoa học chẳng biết chiếu khi nào và chiếu cho ai xem.
Trước thực trạng phát hành phim hiện nay, một giải pháp được không ít người tính tới là phải thành lập cho được một Hiệp hội phổ biến - phát hành phim qui mô toàn quốc. Theo đó, sau khi ra đời, hiệp hội này sẽ điều phối lịch chiếu phim, can thiệp hoặc thương lượng những bất hợp lý trong khâu phổ biến - phát hành phim. Xa hơn, hiệp hội có thể đề xuất với các cơ quan chức năng để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, góp tiếng nói vào việc nâng tỷ lệ phim Việt so với phim ngoại lên 30% như chiến lược của ngành điện ảnh đến năm 2015 thay vì như hiện nay, tỷ lệ này chỉ đạt 16%.
Những vấn đề về tính khả thi của việc thành lập hiệp hội này đã được nhiều người quan tâm. Một đề xuất đáng được quan tâm là với doanh thu bán vé trung bình khoảng trên 700 tỷ đồng/năm, nếu chỉ trích cho hiệp hội 2% số tiền doanh thu đó để “tái đầu tư” thì mỗi năm hiệp hội này, mà hạt nhân là Quỹ hỗ trợ điện ảnh, sẽ có thể có thêm 14 tỷ đồng để hoạt động...
Tuy nhiên, với tư duy quản lý theo cơ chế bao cấp như hiện nay thì khả năng tiến triển của công tác phát hành phim nói chung và việc thành lập Hiệp hội phát hành - phổ biến phim nói riêng vẫn diễn ra với tốc độ “chậm như rùa”. Trong khi đó, nền công nghiệp điện ảnh thế giới, trong đó có công nghệ phát hành - phổ biến phim đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, chỉ cần nhấp chuột một cái có thể làm thay đổi cả thế giới. Vì thế người ta ví đây là câu chuyện của con bò và chiếc máy tính không phải là không có lý.
Lê Quang