Chuyện “cô Đào dân số”

23-03-2016 14:24 | Thời sự
google news

SKĐS - Đến buôn Kon HRing xã EaHĐing (huyện CưMgar, tỉnh đắkLắk), nhắc đến cô Nguyễn Thị Đào không ai là không biết, bởi sự nhiệt tình, tận tâm trong công tác Dân số. Bà con trong buôn ai cũng quý mến, gọi cô với cái tên gần gũi, thân mật: “cô Đào Dân số”.

Buôn Kon Hring có 353 hộ với 1.857 nhân khẩu, trong đó 98,9% là người Xê Đăng và hầu hết đồng bào đều theo đạo. Buôn được chia làm 3 địa bàn, (59, 60 và 294), với 3 cộng tác viên dân số phụ trách. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, “đông con cho vui của vui nhà” vẫn còn nặng nề trong nhiều gia đình... Bên cạnh đó, một số hộ do ảnh hưởng của giáo lý của tôn giáo nên không chịu sử dụng các biện pháp tránh thai. Đây là rào cản không nhỏ trong công tác tuyên truyền, vận động… vì thế, có nhiều cặp vợ chồng tuy còn rất trẻ nhưng đã có đến 5 - 6 người con, còn 3 - 4 đứa thì đếm không xuể…

Cô Nguyễn Thị Đào thường xuyên đến gặp các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền về chính sách dân số -KHHGĐ

Chứng kiến cảnh nhiều gia đình đông con dẫn đến cuộc sống khó khăn, cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo bám, con cái không được đến trường… và những vất vả, khó khăn từ thực tế từ gia đình mình, với cương vị là Chi hội phó phụ nữ của buôn, cô đã chủ động lồng ghép tuyên truyền trong các lần sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, chi hội, giúp chị em nắm bắt những thôn tin, kiến thức về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Năm 2010, cô đảm nhận làm cộng tác viên dân số của buôn, phụ trách địa bàn 294, với 116 hộ, 526 nhân khẩu, có 101 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.

Hàng ngày, tranh thủ những lúc rãnh rỗi cô tìm đến những hộ gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tư vấn, giúp họ lựa chọn những biện pháp tránh thai phù hợp, góp phần giảm tỉ lệ gia tăng dân số và tình trạng sinh con thứ ba trở lên... Trong quá trình vận động, cô đã nêu gương những cặp vợ chồng sinh ít con, gia đình hạnh phúc, có kinh tế khá, giả, con cái có điều kiện học hành, cũng như những hệ quả của việc sinh đông, sinh dày con… Nói một lần không được, cô kiên trì nói lần hai, lần ba…

Gia đình vẫn còn nhiều vất vả, khó khăn nhưng chưa bao giờ cô Nguyễn Thị Đào có ý định từ bỏ công việc của mình. Những dấu chân của cô đã in khắp các đường buôn, ngõ xóm của địa bàn mình quản lý. Chính nhờ sự tận tâm, kiên trì trong công việc của cô, công tác dân số - KHHGĐ ở địa phương ngày càng đi lên. Cụ thể: địa bàn cô quản lý trước đây gần như “trắng” các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại thì đến nay đã có 72 cặp áp dụng (chiếm tỉ lệ 71,2%), cao hơn rất nhiều so với các địa bàn khác trong buôn. Trong đó, đặt dụng cụ tử cung có 37 trường hợp, triệt sản nữ 2 trường hợp, sử dụng bao cao su 3 trường hợp và uống thuốc tránh thai 30 trường hợp…

Chia sẻ về bí quyết vận động thuyết phục các cặp vợ chồng thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ của mình, cô Nguyễn Thị Đào nói: “Gia đình tôi thì khổ lắm, con thì có 5 đứa, giờ 3 đứa còn đi học, cả nhà chỉ trông vào quán tạp hóa nhỏ và 2,5 sào cà phê, năm nay mất mùa thu được có 6 tạ, gia đình hiện đang thuộc diện nghèo… Trước đây, nhận thức của người dân còn thấp mình đến tuyên tuyền gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn bị la, có hộ nói tôi trước đẻ cả bầy vẫn nuôi được mà giờ đứa con đẻ vài đứa đã vận động rồi. Mình nói, Hồi xưa bà đẻ 11 đứa con thì sống được mấy đứa kêu được 5 đứa, rồi mình dần dần phân tích cho bả hiểu nguyên vì sao sinh nhiều mà chỉ sống được như vậy… Tôi làm cộng tác viên dân số không phải vì được lương, được thưởng mà chỉ mong sao họ hiểu được lợi ích của việc kế hoạch hóa gia đình và có số con, khoảng cách sinh hợp lý chứ đừng sinh nhiều, khổ lắm. Nhiều hộ được tôi vận động thấy cuộc sống khá lên họ còn đến cảm ơn…”.

Lòng nhiệt huyết và tận tâm trong công việc của cô Nguyễn Thị Đào đã góp phần không nhỏ vào giảm tỉ lệ gia tăng dân số và tình trạng sinh con thứ ba trở lên, cũng như đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương..


TRUNG DŨNG
Ý kiến của bạn