Chuyện chưa kể về tình yêu của anh hùng Tô Vĩnh Diện

07-05-2014 08:03 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong cơn hấp hối lúc chuẩn bị nhắm mắt xuôi tay, bà Tích không ngừng gọi tên ông Tô Vĩnh Diện. Ai ngờ rằng, đằng đẵng bao nhiêu năm nhưng tình yêu đầu bà dành cho ông vẫn da diết khôn nguôi.

Cách đây khoảng 4 năm, nghĩa là sau hơn 50 năm từ khi anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo và anh dũng hy sinh, bà Tích cũng trút hơi thở cuối cùng trên cõi dương gian do tuổi cao sức yếu. Trong cơn hấp hối lúc chuẩn bị nhắm mắt xuôi tay, bà không ngừng gọi tên ông Tô Vĩnh Diện. Ai ngờ rằng, đằng đẵng hàng chục năm trôi qua, mặc dù đã lấy chồng và “con đàn cháu đống” nhưng tình yêu đầu bà dành cho ông vẫn da diết khôn nguôi. Trước khi rời cõi trần thế, bà đã dành hơi thở cuối cùng để gọi tên ông, người mà bà đã yêu trọn cuộc đời kể cả khi ông đã mất đi hơn nửa thế kỷ.

Trong không khí của những ngày đầu tháng năm lịch sử, chúng tôi tìm về ngôi nhà cấp bốn đơn sơ ở xóm 5, xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nơi tròn 90 năm về trước (năm 1924) anh hùng Tô Vĩnh Diện cất tiếng khóc chào đời. Dưới nếp nhà ọp ẹp, nền đất rêu phong cũ kỹ, chúng tôi thắp nén nhang cho người xưa mà tình cờ được nghe câu chuyện kể về mối tình buồn đầy cảm động của một người con gái làng với anh hùng Tô Vĩnh Diện.

Mô tả cảnh anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn bánh pháo

Ngày đó, hai cụ Trần Thị Hà và Phạm Thị Cúc là những người hàng xóm cách nhà ông Diện chỉ vài con ngõ. Hai bà cũng như những thanh niên trong xóm thường hay tâm sự những chuyện tình cảm thầm kín. Ông Diện là lớp “đàn anh” trong làng, nhưng nhà đông anh em, ông là con trai thứ 3 trong số 8 anh chị em nên sống lam lũ từ bé. Lên 8 tuổi ông đã phải đi ở đợ, lớn lên thì phải đi làm tá điền cho một địa chủ làng bên để lấy ba đấu lúa mỗi tháng mang về nuôi em. Mỗi lần bà Hà gặp ông Diện đều thấy ông tất bật từ việc đi ở, đến việc gia đình, việc đồng áng đến chăm các em. Cái đói, cái nghèo cộng với lam lũ sớm nên khiến ông nhỏ thó, nhưng trắng trẻo và nhanh nhẹn như “con chuột nhắt”. Khổ cực là vậy nhưng lúc nào ông cũng vui vẻ, hoạt bát. Lớn lên, ông hăng hái tham gia các phong trào, dần dần trở thành chỉ huy dân quân ở địa phương.

Bà Hà (trái) và bà Mai kể về chuyện tình của anh hùng Tô Vĩnh Diện

 

Trong làng có cô Tích dáng người hơi thấp nhưng trắng trẻo yêu thầm nhớ trộm ông. Ông cũng cảm mến cô bởi nết chịu thương chịu khó. Những lần ông theo đoàn biểu tình chạy bộ hàng chục km, hay đi xem đoàn văn công biểu diễn hai người thường trao đổi ánh mắt yêu thương cho nhau. Bà Tích thường hay đem chuyện ra tâm sự với bà Hà. Chuyện tình cảm của họ cứ thế theo năm tháng mà lớn dần lên, ngày một mãnh liệt và da diết. Vậy nhưng, cũng từ đây hai người luôn phải buồn bã, đau khổ. Mặc dù rất yêu nhau nhưng gia đình cô Tích không đồng ý bởi vì gia cảnh cả hai bên đều quá nghèo khổ. 

Gia đình cô Tích có ý gả cô cho một con nhà khá giả để gạt nợ, vậy nên ra sức ngăn cấm. Hễ bắt gặp hai người đi với nhau, hoặc chỉ cần biết cô nhớ nhung ông Diện liền bị đánh đòn. Nhưng, càng ngăn cấm hai người càng yêu nhau thắm thiết hơn, càng yêu nhau nhiều hơn thì họ lại càng đau khổ, dằn vặt. Buồn vì đau khổ, bế tắc, cô Tích thường hay khóc tâm sự với một trong hai bà.

Mặc dù cảm thông với chuyện tình cảm của hai người nhưng không ai dám can thiệt. Cuối cùng cô Tích cũng bị ép lấy người mà không yêu. Người con trai kia, mặc dù gia đình khá giả nhưng chân, tay đều bị dị tật. Sau đó, bà Mai sau đó cũng lấy anh trai cô Tích nên thường hay chứng kiến những lần cô Tích khóc sưng mắt. Nhiều lần, bà bỏ nhà chồng chạy về làng vì còn thương nhớ ông Diện nhưng đều bị bố mẹ đẻ đánh đuổi.

Khẩu pháo 37mm mà anh hùng Tô Vĩnh Diện đã hy sinh khi cứu pháo.

Về phần ông Diện, sau khi bà Tích lấy chồng ông buồn bã, suy sụp đến 3,4 năm trời. Năm 1950, tại Thanh Hóa nổi ra một vụ bạo loạn, ông bị những người nổi loạn bắt giữ và định xử tử. Ngay sau khi được giải cứu ông gia nhập bộ đội tại Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367, Đại đội 827. Ông được chỉ định trung đội phó Trung đội 2 trực tiếp sử dụng khẩu pháo cao xạ 37 mm.

Tháng 12 năm 1953, sau một thời gian sang Trung Quốc huấn luyện tại Trung Quốc ông cùng đơn vị về nước ngay lập tức hành quân lên Điện Biên Phủ. Ngày 1 tháng 2 năm 1954, đơn vị ông trên đường kéo pháo ra, đến một con dốc cao và hẹp ở gần Bản Chuối thuộc huyện Điện Biên. Ông cùng một pháo thủ phụ trách điều khiển càng pháo để chỉnh hướng cho một đơn vị bộ đội kéo dây tời giữ pháo, ngoài ra còn có 2 chiến sĩ phụ trách chèn bán pháo. Bất ngờ quân Pháp bắn pháo từ Mường Thanh lên. Đơn vị kéo giữ pháo nằm rạp xuống, đồng thời dây tời bị đứt. Lực giữ pháo yếu đi và khẩu pháo lăn qua chèn. Pháo thủ Lê Văn Chi lái càng phía ngoài bị càng pháo bị hất xuống vực và pháo trôi dần về phía vực sâu. Ông lập tức bỏ càng pháo phía trong, chuyển sang càng pháo phía ngoài, cố gắng đẩy hướng càng pháo đâm vào vách núi. Tuy cản được pháo lăn xuống vực, nhưng ông cũng bị bánh xe của khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đè lên người trọng thương. Giây cuối cùng khi được đồng đội đưa ra để đi cấp cứu, ông vẫn còn hỏi “Pháo có việc gì không” trước khi hy sinh.

Hiện bức ảnh thờ trên bàn thờ anh hùng Tô Vĩnh Diện được phác họa dựa trên bức ảnh cũ đầy kỷ niệm của bà Tích- người da diết yêu ông gần 5 năm

Cụ Tô Thị Ngoạn, em gái của ông Tô Vĩnh Diện kể lại, ngày đó đang trong giai đoạn khốc liệt chiến tranh nên ít thư từ. Mãi đến đầu năm 1955 mới có người trong đơn vị về báo tin ông đã hy sinh trong chiến trường. Nhận được tin báo cả làng kéo nhau đến nhà ông, ai cũng khóc thương. Lúc tìm lục đồ đạc của ông để tìm ảnh làm lễ truy điệu, nhưng không tìm được tấm hình nào. Chợt nhớ ra cô Tích, người da diết yêu ông gần 5 năm trước khi ông nhập ngũ, có thể giữ ảnh của ông. Mọi người chạy sang nhà chồng cô để tìm xin lại tấm hình mới hay cô Tích ốm ngất vì hay tin ông Diện hy sinh. Hiện bức ảnh thờ trên bàn thờ anh hùng Tô Vĩnh Diện được phác họa dựa trên bức ảnh cũ đầy kỷ niệm đó.

Thanh Thảo

 


Ý kiến của bạn