Hiến máu để nạp thêm năng lượng
"Tròn 18 tuổi, khi là sinh viên đại học, tôi bắt đầu tham gia hiến máu, sau đó làm tình nguyện viên vận động hiến máu. Đến nay tôi đã có hơn 17 năm đồng hành cùng hoạt động ý nghĩa này", anh Nguyễn Quốc Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, mở đầu câu chuyện với chúng tôi khi kể về quãng thời gian anh lăn lộn với công tác hiến máu tình nguyện (HMTN).
Anh Huy vừa vinh dự là một trong 100 gương mặt hiến máu tiêu biểu được vinh danh tại chương trình Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc 2024 nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6.
17 năm, anh Huy đã có 64 lần tham gia hiến máu. Hai phần ba số này là những lần anh hiến máu toàn phần (42 lần). Nhưng "chiến thuật" hiến máu của anh thay đổi khoảng 5 năm gần đây, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 xảy ra hay dịch sốt xuất huyết bùng phát ở Hà Nội, anh chuyển sang hiến tiểu cầu (22 lần).
"Hiến thành phần máu là tiểu cầu để thời gian hiến nhắc lại nhanh hơn (sau khoảng 2 – 3 tuần, thay vì 12 tuần), nghĩa là có thêm nhiều cơ hội để góp phần cứu sống nhiều người bệnh", anh chia sẻ.
Ban đầu khi nghe tin con trai hiến máu thường xuyên, bố mẹ anh Huy bày tỏ mối lo ngại. Nhưng rồi được giải thích khoa học, gia đình anh lại dành sự ủng hộ tối đa. Đến nay, cả mẹ và em gái anh đều có trên 5 lần hiến máu, riêng vợ anh gần 10 lần hiến máu.
"Mỗi lần hiến máu xong, tôi và những người trong gia đình thấy rất vui và như có thêm nguồn năng lượng mới, có thêm "hormone" hạnh phúc để sống, làm việc và cống hiến nhiều hơn", anh Huy vui vẻ nói.
Anh nhớ lại, hơn 15 năm trước, anh và các tình nguyện viên đến từng bến xe buýt, vào từng khu phố hay cổng các khu công nghiệp để tuyên truyền, vận động hiến máu. Khi ấy, nhận thức của nhiều người về HMTN còn khiêm tốn nên vận động được người hiến máu rất khó.
"Vận động được một người hiến máu, cả nhóm ôm nhau vừa vui vừa cảm động. Sung sướng lắm!", anh bồi hồi nhớ lại.
Hoạt động HMTN cũng trao cho anh cơ hội làm việc tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Trưởng thành trong môi trường ấm áp về tình cảm nhưng chuyên nghiệp trong chuyên môn, anh nói "thật sự hạnh phúc khi được làm cầu nối giữa người hiến và người nhận máu, đó là cầu nối của yêu thương, lòng nhân ái".
Không chỉ tham gia hiến máu nhiều lần, anh Huy còn là một tình nguyện viên có thâm niên trong vận động và tổ chức các sự kiện hiến máu xuyên Việt.
"Được là thư ký của nhiều chương trình, sự kiện hiến máu quy mô toàn quốc như Hành trình Đỏ, Chủ nhật Đỏ, tôi có cơ hội được đến hầu hết các tỉnh, thành phố, được gặp gỡ và lắng nghe nhiều câu chuyện cảm động về hoạt động hiến máu", anh nói. Đó là nguồn động lực để anh phấn đấu hơn trong công việc, góp phần lan tỏa tinh thần nhân văn của hoạt động hiến máu đến với nhiều người dân hơn nữa.
"Cuộc sống luôn cân bằng giữa cho và nhận. Tôi tin vào mối quan hệ nhân – quả, cảm xúc từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Tôi cũng tin những người hiến máu thường xuyên, tích cực làm việc thiện sẽ nhận được nhiều may mắn, niềm vui và hạnh phúc", anh chia sẻ.
"Người hiến máu là người may mắn"
Đồng nghiệp của anh Huy tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là anh Trần Văn Luật, cũng là một trong những người có nhiều năm hiến máu cứu bệnh nhân, được vinh danh tại chương trình Tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc 2024.
Công tác tại cơ sở y tế chuyên khoa đầu ngành về Huyết học – Truyền máu, anh Luật và nhiều cán bộ "Viện Máu" thấu hiểu về vai trò, tầm quan trọng của máu, các chế phẩm máu điều trị cho người bệnh.
Máu đóng vai trò như một mắt xích quan trọng trong điều trị. Thiếu máu, thầy thuốc sẽ không thể cấp cứu người bệnh trong những tình huống khẩn cấp hay triển khai phẫu thuật, ứng dụng kỹ thuật cao. Máu từ người hiến tặng được xem là một trong những "thần dược" không thể thay thế.
Anh Luật có thâm niên hiến máu gần 20 năm với 48 lần hiến máu. Anh nói muốn tuyên truyền, vận động người khác hiến máu, mình phải là người tiên phong, phải xắn tay áo hiến máu. "Cảm nhận được dòng máu ấm nóng của mình đang chảy trong huyết quản của một ai đó thú vị vô cùng, không phải ai cũng có được", anh chia sẻ.
Lần đầu tiên anh Luật hiến máu là năm 2005. Khi ấy, anh nhận được thông tin có người quen ở Yên Bái bị xuất huyết và cần máu để cấp cứu. Không nghĩ nhiều, anh cùng một số người bạn đón xe khách đi hơn 4 tiếng đồng hồ từ Hà Nội lên Yên Bái để tham gia hiến máu. Bệnh nhân được cứu sống nhờ nguồn máu kịp thời rồi hồi phục rất nhanh. Anh Luật cũng "bén duyên" với hoạt động hiến máu từ ngày ấy.
Để rồi từ đó, mỗi khi nhận tin có bệnh nhân của Viện cần máu hay tiểu cầu để điều trị, cấp cứu, nhất là những đợt khan hiếm, anh đều sắp xếp thời gian và sẵn sàng để chia sẻ giọt máu hồng nếu đủ điều kiện. Người đàn ông ấy luôn hi vọng hoạt động hiến máu sẽ được lan toả tới mọi người để không có ai vì thiếu máu mà bị chậm trễ, trì hoãn điều trị.
Vì công tác tại Viện đầu ngành về huyết học – truyền máu nên anh Luật biết rất rõ thời điểm nào hay xảy ra tình trạng khan hiếm máu đó là vào những dịp lễ tết… chính vì vậy anh Luật cũng như nhiều cán bộ khác của Viện luôn sẵn sàng để tham gia hiến máu bất cứ lúc nào.
"Tôi hi vọng hoạt động hiến máu sẽ được lan toả tới mọi người để không một ai đó vì thiếu máu mà chậm trễ trong việc điều trị, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ".
Anh Luật chia sẻ thêm: "Tôi nghĩ người hiến máu là người may mắn vì có cơ hội để trao đi điều tốt đẹp, nhân ái. Tôi cũng tin không ai hiến máu sẽ mong muốn được nhận lại điều gì đó về vật chất hữu hình. Có chăng, điều chúng tôi nhận được là niềm vui, hạnh phúc khi có thể giúp đỡ người đang cần".
Từ năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Hiệp hội Truyền máu quốc tế thống nhất lấy ngày 14/6 (ngày sinh của Giáo sư Karl Landsteiner – người đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO) là Ngày Quốc tế người hiến máu. Sự kiện hàng năm này nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp, cống hiến của hàng triệu người hiến máu tình nguyện.