*** Lễ viếng Nhạc sĩ Thanh Tùng được tổ chức vào hồi 8-10:30 ngày thứ Ba, 22 tháng 3 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội
Sáng nay, 16 tháng Ba, Hà Nội mưa lạnh và ẩm ướt. Trong phòng truyền thống của Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam (58 Kim Mã, Hà Nội), tôi ngồi đối diện với NSND Trần Bình- giám đốc Nhà hát- theo lời hẹn. Anh đang ngồi trước một tờ lịch to, trầm ngâm. Hóa ra là tờ lịch của ngày hôm qua- ngày người bạn thân thiết của anh – nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời. Tôi nhìn tay anh đưa nhanh nét bút: 5h45’ Nhạc sĩ Thanh Tùng ra đi … bèn vội vàng chớp vài tấm hình. Anh quay qua tôi, giọng trầm xuống: 100 ngày anh Tùng, Nhà hát anh sẽ làm một chương trình kỷ niệm tại Nhà Hát Lớn. Để đến 1 năm sau thì lâu quá.
Tôi hiểu đó là một cử chỉ cụ thể mà NSND Trần Bình có thể làm được trong lúc này để tưởng nhớ người bạn quá đỗi gắn bó với anh trong cả âm nhạc và đời sống, vài chục năm nay.
Những kỷ niệm song hành cùng âm nhạc
Biết nhau từ những năm 70, khi nhạc sĩ Thanh Tùng tốt nghiệp Khoa Lý- Sáng- Chỉ (Lý luận- Sáng tác- Chỉ huy) ĐH Âm nhạc quốc gia Bình Nhưỡng trở về nước, tham gia Ban Văn nghệ Đài tiếng nói VN nhưng hai người đàn ông này thực sự gắn kết từ 1990, khi nhạc sĩ Thanh Tùng gần như chuyển ra Hà Nội ở sau khi vợ qua đời.
Tháng 5/1997, Chương trình Lối cũ ta về diễn một đêm miễn phí cho 7000 sinh viên tại Nhà triển lãm Giảng Võ Hà Nội, sau đó diễn tại Nhà hát Lớn cũng rất thành công. Hà Nội yêu nhạc Thanh Tùng, bấy giờ tôi đã viết một bài báo với tựa đề như vậy. Tôi ngồi lẫn giữa một biển người, ồn ã, nghe lòng mình bâng khuâng, tan ra theo những Giọt nắng bên thềm, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Lời tỏ tình mùa xuân, Giọt sương trên mí mắt, Vĩnh biệt mùa hè… Lúc ấy tôi cũng đã biết rằng, đằng sau thành công đó, có cả mối thâm tình của nhạc sĩ với người đạo diễn tất cả những đêm nhạc - Trần Bình
Mùa thu 1998, Lối cũ ta về có một hành trình xuyên Việt. 17 ngày mà diễn 15 buổi, một kỷ lục! Cho đến nay, chưa có nhạc sĩ nào tổ chức được một chuyến lưu diễn ở quy mô như vậy. Tham gia có các ca sĩ :Thanh Lam, Hồng Nhung, Bằng Kiều, Thu Phương, Phương Thanh, nhóm Con gái và các diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc VN. Mặc dù không thật khỏe nhưng nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn “3 cùng” với đoàn trên chiếc xe ca ngất ngưởng trong suốt hành trình đó. Nhạc sĩ luôn ngồi ở chiếc ghế thứ ba sau ghế lái. Huế- Đà Nẵng- Bình Định - Phan Thiết, đi tới đâu chương trình cũng đón nhận được tình cảm hồ hởi, yêu thương của khán giả. Đáng nhớ nhất là khi đoàn đến Phan Thiết. 5 ngàn vé của sân vận động Phan Thiết đã bán hết sạch trước đêm diễn. NSND Trần Bình nhớ lại : 8 giờ tối mở màn, 5 giờ tôi và anh Tùng rủ nhau qua cầu đi uống cà phê. Đang … phê thì nghe có tiếng lao xao : Nước về ! Về sau chúng tôi mới biết đã gặp trận lụt khủng khiếp năm đó. Nhưng lúc đó thì chỉ biết chạy thật nhanh về khách sạn, nơi đoàn lưu trú trong mưa bão. Đêm đó cả đoàn tá túc trên tầng 2 khách sạn. Và đó là một đêm trắng. Sáng hôm sau bão tan, tôi và anh Tùng đi ra sân vận động. Trước mắt chúng tôi là một bãi chiến trường tan hoang, bẩn thỉu. Nhưng chúng tôi quyết định : Vẫn diễn. Thế là hối hả hong dây điện, quần áo, chuẩn bị âm thanh ánh sáng… Đêm đó, có khoảng 6 ngàn người đến sân vận động. Một đêm âm nhạc vỡ òa trong cả niềm hạnh phúc của cả biển người vừa trải qua thiên tai khốc liệt. Nhiều người còn nhớ hình ảnh ca sĩ Phương Thanh “sung” quá, không kiềm nổi cảm xúc đã tung chai nước lên trên không.
Nhạc Thanh Tùng không lạc hậu, cho dù đã sáng tác từ cả vài chục năm trước. Đó là một thứ âm nhạc trẻ trung, trong bi kịch vẫn sáng lên những hy vọng. Và đó là một lối nhạc sang trọng, luôn mốt – như chính con người nhạc sĩ- NSND Trần Bình nhận xét. Năm nào Trần Bình cũng làm một “cái gì đó” về Thanh Tùng, nếu không phải chương trình riêng thì cũng kết hợp với nhạc Trịnh Công Sơn, Văn Cao.
Người vợ thân yêu trong thăm thẳm nỗi nhớ
Với các đêm nhạc của mình, nhạc sĩ Thanh Tùng luôn yên tâm với sự hậu thuẫn của người bạn thân thiết Trần Bình. Đạo diễn chỉ có yêu cầu duy nhất : Mỗi chương trình đều phải có ít nhất một bài hát mới. Vậy nên mới có Một mình cho Liveshow Lối cũ ta về (1997), Chuyện cổ Nghi Tàm & Hoa cúc vàng cho LiveShow Một mình (2008). Kỳ lạ thay, đó đều là những ca khúc dành cho một bóng hình duy nhất. Thanh Tùng đã làm sôi động trẻ trung không khí âm nhạc Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước. Âm nhạc của ông đã biến những nỗi đau trong đời thành những bài ca. Nhưng hoài cảm khôn nguôi trong những ca khúc của ông chính là hình ảnh người vợ hiền bạc mệnh. Chị Minh - vợ nhạc sĩ – là con gái Hà Nội gốc, một nữ doanh nhân thành công và ngưỡng mộ chồng vô điều kiện. Hai người đã có 18 năm mặn nồng. Nhưng người đàn bà giỏi giang ấy đã ra đi mãi mãi ở tuổi 40, để lại khoảng trống thăm thẳm trong lòng người chồng nhạc sĩ.
Bao đêm tôi đã một mình nhớ em/ Đêm nay tôi lại một mình (Một mình); Ngày xưa có một ngôi làng/ Bên bờ Hồ Tây/ Tên là Nghi Tàm/ Ngày nắng thơm mùi ổi găng/ Chiều hôm gió nồng nàn hoàng lan/ Mũ rơm thời sơ tán/ Xuân Đỉnh rồi Xuân La/ Nhật Tân ngày gom súng/ Vẫn đỏ rực màu hoa/ Mũ rơm thời sơ tán/ Em về về ngoại ô (Chuyện cổ Nghi Tàm). Đó chính là con đường tình yêu trong hồi ức của nhạc sĩ : Con đường ấy, ngôi làng ấy gắn với tôi nhiều kỷ niệm, khi tôi và vợ tôi bắt đầu yêu nhau. Tôi mới đi học ở nước ngoài về. Tôi nhớ cô ấy đội mũ rơm, hai đứa đi bên nhau trên con đê dài hun hút thơm lừng ổi găng. Tôi trèo lên cây hái quả và cô ấy đứng dưới gốc, dùng mũ rơm hứng lấy…
Trong một cuộc trò chuyện khác, nhạc sĩ tâm sự: Tôi luôn ghi nhớ lời trăng trối của vợ tôi trước khi mất, rằng phải nuôi các con khôn lớn, cho con học hành đến nơi đến chốn. Cái nghĩa của từ “đến nơi đến chốn” trong tiếng Việt nó sâu sắc lắm. Biết đến khi nào cho đến nơi đến chốn. Cái từ đó nó tiêu diệt ý chí phải có một ai bên cạnh tôi ghê gớm. Tôi chờ đợi các con trưởng thành. Chờ cho đến khi đó, thì “hoa cúc đã tàn rồi”. Và đây là Hoa cúc vàng - ca khúc công bố cuối cùng của nhạc sĩ Thanh Tùng : Đêm qua tôi nằm mơ, tôi mơ thấy em về, khi anh tuổi đôi mươi, em mười tám. Trong tim em ngập nắng, mang theo đoá cúc vàng, em tặng mùa thu sang, mùa thu bỗng hóa thiên đường…
NSND Trần Bình nhớ lại , lúc tập ca khúc Hoa cúc vàng cho những đêm LiveShow Một mình (2008), bên cánh gà các nghệ sĩ không ai cầm được nước mắt. Nhạc sĩ Thanh Tùng đã yếu nhiều. 2008 là lần cuối cùng mà ông có thể đứng được trên sân khấu.
Bài hát Lối cũ ta về. Tác giả: NS Thanh Tùng
Người đàn ông thuộc trường phái : Rước đèn
NSND Trần Bình giải thích thuật ngữ mà anh vừa tung ra: Rước đèn nghĩa là chỉ mang tiếng chứ chả có “miếng”. Người ta thường hình dung và đồn đoán về những bóng giai nhân quanh nhạc sĩ Thanh Tùng. Điều đó quá dễ hiểu với một người đàn ông tài hoa, hào hoa và giàu có. Nhạc sĩ kinh doanh thành công ở thế hệ ông không có ai. Các thế hệ sau hiện cũng chưa có ai. Thập kỷ 90, vũ trường Metal (thuê địa điểm của Rạp chiếu phim Cửa Nam) - sản phẩm kinh doanh chung của hai ông – là một địa chỉ quen của thanh niên thủ đô. Rồi dự án kinh doanh một loại nước khoáng tinh khiết… Bấy giờ nhạc sĩ đã được gọi là Nhà kinh doanh hạng nặng. Hình ảnh ông luôn gắn liền với những tính từ như lịch lãm, sang trọng, trẻ trung. Một tay chơi “khét lẹt”, sưu tập xe cổ, rượu lạ … Đàn bà không bủa vây ông mới là lạ. Nhưng thực tế ông không có một bóng hồng cụ thể nào. 10 năm đầu ra Hà Nội sau khi vợ mất, nhà của ông chính là khách sạn Alpo góc phố Nguyễn Thái Học. Người mà nhạc sĩ không thể thiếu hàng ngày trong cả 10 năm đó chính là … ông tẩm quất già ở góc phố Cửa Nam. Về sau ông sống cùng các con trong ngôi nhà ở đằng sau khách sạn La Thành.
Vài tháng trước khi mất, ông vẫn cùng bạn thân “tụ” ở những quán nhỏ ưa thích. Khi thì là bánh mì Nguyên Sinh (phố Đội Cấn), Tekmek (Giảng Võ) hay một quán nhỏ sát nhà. Ông ngồi trên xe lăn, giữa bạn bè, tuy nói được rất ít nhưng tinh thần vẫn sáng rõ, đôi mắt vẫn tinh nhanh.
Trang báo Tiền Phong in bài viết của nhà báo Võ Hồng Thu về chương trình Lối cũ ta về (1997).