Hà Nội

Chuyện chưa kể về ca sinh đôi cách nhau 1 tháng

07-07-2014 01:10 | Thời sự
google news

SKĐS - Chuyện các cặp vợ chồng “vỡ kế hoạch” không còn lạ ở các bản vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chuyện các cặp vợ chồng “vỡ kế hoạch” không còn lạ ở các bản vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng đứa trẻ  sinh ra từ người mẹ mang song thai lại ra đời cách nhau cả... tháng là chuyện hiếm gặp. Đằng sau câu chuyện sinh nở kỳ lạ ấy là cả một câu chuyện vất vả của cán bộ y tế để cháu bé được khỏe mạnh...

Bất ngờ khi có thai

Nhà thuộc hộ nghèo, lại ở bản xa giáp biên với Trung Quốc, nhưng vợ chồng anh chị Thèn Đức Đông và Lù Thị Biên, dân tộc La Chí -  thôn Bản Pắng, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã được nghe tuyên truyền nhiều về chính sách dân số. Vì vậy, ngay sau khi sinh đủ nếp, tẻ, anh chị Đông và Biên quyết tâm đưa nhau đến trạm y tế để đặt vòng sau khi đứa con thứ hai chào đời được 3 tháng. Nhưng không biết do mải làm nương rẫy, mải chăm con, lo toan việc gia đình, hay tại ngại đường xa xuống cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe định kỳ, nên đến khi bụng vợ lùm lùm lên rồi anh Đông, chị Biên mới biết mình đã bị tuột vòng và đã mang thai. Biết là “vỡ kế hoạch”, nhưng bụng vợ đã to, anh chị quyết định “vượt kế hoạch”, giấu giếm cán bộ thôn bản và cán bộ y tế xã để sinh con. Anh Đông bảo: “Dân tộc mình không quen đi phá thai. Làm như thế là phạm tội lớn. Vậy nên vỡ kế hoạch rồi đành phải đẻ chứ mình biết nhà mình nghèo, sinh nhiều con cũng khổ lắm”.

Sản phụ Lù Thị Biên và 2 đứa trẻ sinh đôi trong căn nhà của mình.

Sản phụ Lù Thị Biên và 2 đứa trẻ sinh đôi trong căn nhà của mình.

Trong buổi giao ban tại trạm, nghe nhân viên y tế thôn bản báo cáo: “Nhà anh chị Đông, Biên ở Bản Pắng đã “vỡ kế hoạch” chửa vượt mặt rồi”, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Dung ở Trạm Y tế xã Bản Máy liền vội vã đi xe máy gần 1 giờ đồng hồ băng qua con đường rừng gập ghềnh, khúc khuỷu để đến tận ngôi nhà vách nứa gỗ tạm bợ trên sát mốc biên giới của anh chị Đông, Biên.

Nhìn người phụ nữ dân tộc bụng chửa vượt mặt đang nheo nhóc với một đứa trẻ lên 5 tuổi luấn quấn ở chân, một đứa chưa được 1 tuổi còn đang bế trên tay, nữ hộ sinh Dung cũng đành quệt giọt mồ hôi, nuốt xuôi cơn bực vào lòng để động viên sản phụ: “Sao sắp đến ngày sinh rồi mà chị lại không đi xuống trạm y tế tiêm phòng uốn ván, uống viên sắt và khám thai định kỳ? Mang thai lại không báo cho cán bộ y tế thôn bản và cán bộ xã biết, nhỡ có bất thường gì nguy hiểm đến cả con và mẹ thì sao. Nhìn chị yếu thế này, vừa phải mang thai trong bụng, lại nuôi đứa nhỏ chưa đầy 1 tuổi, vậy nên chị phải cố gắng ăn uống tẩm bổ cho cả mẹ và con được khỏe”.

May mắn là hai đứa trẻ đều khỏe mạnh.

May mắn là hai đứa trẻ đều khỏe mạnh.

Biết là cái bụng đã to, sắp đến ngày sinh, không còn giấu giếm được nữa, chị Biên đành thú thật: “Em đi đặt vòng về chắc tại do làm nương nhiều, rồi chăm con chăm chồng nên chẳng biết vòng nó rơi từ lúc nào. Đến lúc bụng to mới biết. Lúc đó con nó đã lớn... em không dám đi gặp bác sĩ để hủy nó đi. Bản cũng có quy định không sinh con thứ ba nên vợ chồng em phải giấu để đỡ bị phạt”.

Quan sát người phụ nữ và hai đứa trẻ lam lũ trong căn nhà chả có gì đáng giá ngoài mấy bộ quần áo treo trên vách, nữ hộ sinh Dung cũng chỉ biết động viên sản phụ quan tâm tốt đến sức khỏe và nhớ khi sinh thì cần đến trạm y tế hoặc nếu không cũng cần báo cho cán bộ trạm y tế hoặc y tế thôn bản đến nhà giúp chị sinh nở.

29 ngày lại... sinh nở

Thời gian quay nhanh, chưa đầy tháng sau, anh y tế thôn Bản Pắng đã dắt vợ chồng anh chị Đông và Biên xuống trạm y tế gặp nữ hộ sinh Dung. Nhìn bụng chị Biên vẫn lùm lùm sau vạt áo, nữ hộ sinh Dung thấy mừng vì chị Biên đã nghe lời mình đến trạm y tế khám thai. Nhưng chưa kịp hỏi thì anh nhân viên y tế thôn bản đã nói với chị Dung: “Cán bộ à, chị khám cho vợ thằng Đông cái bụng đi. Vợ nó đẻ được 13 ngày rồi mà bụng vẫn còn to thế?”.

Nghe vậy, nữ hộ sinh Dung hơi thất vọng, biết là chị Biên lại tự đẻ ở nhà để mụ vườn đỡ, nhưng sự đã rồi, lại nhìn chị Biên đang khỏe mạnh, nên nữ hộ sinh Dung vẫn vui vẻ giục chị Biên lên bàn khám lại. Sờ, nắn, rồi bằng nghiệp vụ chuyên môn, cộng với hỏi bệnh nhân, nữ hộ sinh Dung viết ngay giấy chuyển viện và bảo anh Đông đưa vợ cùng đứa con mới đẻ ra bệnh viện huyện khám.

Thấy vợ và con đều khỏe, anh Đông dù không muốn đưa vợ ra bệnh viện, nhưng nể sự động viên tận tình của nữ hộ sinh Dung, anh cũng chấp nhận vượt 40km đường đèo từ xã ra bệnh viện huyện để vợ và con được khám kỹ hơn.

Sau khi tiếp nhận, khám, rồi siêu âm, bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực huyện Hoàng Su Phì kết luận: “Sản phụ Lù Thị Biên mang song thai. Trường hợp song thai này khác bọc ối, bánh rau riêng nên dù một thai nhi được sinh ra trước 13 ngày rồi, thai nhi còn lại trong bụng vẫn phát triển bình thường. Đây là trường hợp không chỉ BVĐKKV huyện Hoàng Su Phì, mà ngành sản khoa Việt Nam và trên thế giới cũng hiếm gặp”. Ngay sau đó, các bác sĩ của bệnh viện đã động viên và giữ sản phụ Biên ở lại theo dõi chờ sinh. Nhưng nằm viện chưa được ba hôm, thấy vợ và đứa con vừa sinh vẫn khỏe mạnh, cộng với nỗi lo cho hai đứa con nhỏ ở nhà, anh Đông và chị Biên đã quyết định trốn viện về nhà tự sinh nở theo “phương pháp truyền thống” như những đứa trước.

Nhận được thông báo của bệnh viện là bệnh nhân Biên đã trốn viện về nhà, nữ hộ sinh Dung lại tức tốc lên tận Bản Pắng để động viên và theo dõi sản phụ. Thấy vợ chồng anh chị Đông, Biên vẫn nhất quyết không chịu xuống bệnh viện và trạm y tế để theo dõi chờ sinh, nữ hộ sinh Dung đành giao cho y tế thôn Bản Pắng hàng ngày theo dõi sức khỏe của sản phụ, có gì bất thường thì báo ngay cho cán bộ y tế xã.

Thế rồi, sau đúng 29 ngày sinh đứa trẻ thứ nhất, 24 giờ ngày 3/6/2014, đứa trẻ thứ hai đã chào đời ngay tại căn nhà tre vách nứa giữa Bản Pắng.

Chị Biên bảo: “Đứa đầu là con trai, nặng 2,3kg, sinh vào lúc 12 giờ đêm ngày 4/5/2014. Đứa sau là con gái, nặng 2,5kg, sinh lúc 12 giờ đêm này 3/6/2014. Đứa sau lúc sinh ra còn khỏe hơn đứa trước. Giờ đứa thứ nhất được 2 tháng tuổi, đứa thứ hai cũng được 1 tháng tuổi rồi. Mình cũng đủ sữa nuôi hai con, thấy vui, nhưng cũng thấy lo vì nhà nghèo quá không biết sau này có kiếm đủ gạo và khoai, sắn nuôi chúng không? Nhưng thấy may mắn nhiều hơn vì mình thấy vợ chồng mình làm liều quá, nhỡ cả mẹ và con mà bị làm sao thì nguy hiểm chết mất. Mình mà chết đi thì chồng và hai đứa con lớn ai chăm sóc. Mình thấy cán bộ cũng cần tuyên truyền cho nhiều người dân tộc nghèo khác đừng như mình. Phụ nữ vùng cao ít chữ, lại sống đói nghèo là khổ rồi, giờ cũng phải biết quan tâm đến cái sức khỏe của mình, phải định kỳ đi khám sức khỏe sinh sản, rồi phải biết KHHGĐ đúng cách nữa”.

Nhìn người phụ nữ vừa bước sang tuổi 27 mà như một người đang ở tuổi bốn, năm mươi, nữ hộ sinh Dung không khỏi chạnh lòng xót xa. Cái lo lắng hơn nữa là khi người phụ nữ già nua, lam lũ và yếu ớt này còn đang ôm trên tay hai đứa con đỏ hỏn, hai đứa nhỏ nữa cũng còn đang luấn quấn quanh chân trong cái gia cảnh lần ăn từng bữa.

Từ Bản Pắng quay trở về, vừa đăm đăm ghì tay lái trên con đường mòn dốc núi trơn trượt bé như cái sợi chỉ vắt qua sườn núi lại xa tít tắp, heo hút không một bóng người, nữ hộ sinh Dung đau đáu một nỗi niềm: Ước chi con đường mòn giáp biên này dễ đi hơn, rút ngắn hơn được thời gian để chị đến được với bệnh nhân và bệnh nhân đến với chị nhanh hơn. Và biết đâu đấy vì thế mà cái lòng tin và cái tình cảm mà người dân dành cho chị nhiều hơn, tin vào ngành y tế nhiều hơn, họ sẽ có cơ hội đến gặp chị thường xuyên hơn. Trường hợp sản phụ Lù Thị Biên là trường hợp hi hữu và may mắn, biết đâu đấy còn vô vàn các sản phụ, các chị em phụ nữ và các trẻ em khác ở khắp các bản rẻo cao khó khăn lại không có được cái may mắn này...      

Hiện tượng bội thụ tinh

Cặp song sinh cùng trứng hay còn gọi là cặp song sinh giống nhau được tạo thành từ một trứng thụ tinh với một tinh trùng tạo thành một hợp tử. Hợp tử này sẽ phân chia làm hai phần ngay sau khi thụ tinh để phát triển thành hai cá thể riêng biệt.

BS. Vũ Hùng Vương - Phó Giám đốc BVÐK tỉnh Hà Giang:

Cặp song sinh khác trứng hay còn gọi là cặp song sinh không giống nhau được tạo thành từ hai trứng và hai tinh trùng hoàn toàn riêng biệt.

Cũng có trường hợp, người mẹ đã có thai thụ thai thêm một lần nữa khi một trứng thụ tinh với một tinh trùng khác trong cùng tháng. Ðiều này xảy ra khi người mẹ đã mang thai và rụng trứng một lần nữa. Một thai nhi được hình thành khi trứng thứ hai được thụ tinh bởi tinh trùng khác đến sau. Hiện tượng này gọi là bội thụ tinh khác kỳ. Ðiều đó xảy ra sau một vài tuần sau khi hợp tử đầu tiên đã được hình thành. Từ lý giải khoa học về 3 hiện tượng song sinh đó, có thể giải thích cho lý do của sản phụ Biên là tại sao một trẻ được sinh trước, một trẻ được sinh sau cách nhau cả 1 tháng và cân nặng cũng lớn hơn là một hiện tượng bội thụ tinh khác.

   Bài, ảnh: Kim Huệ

 

 


Ý kiến của bạn