Mỗi ca chăm sóc bệnh nhân sau ghép phổi gồm 20 y bác sĩ, điều dưỡng; 15 phút cập nhật tình hình bệnh nhân 1 lần
TS.BS Nguyễn Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, BV Phổi Trung ương, Trưởng nhóm điều phối phẫu thuật ghép phổi nhớ lại những ngày đầu sau ca đại phẫu ghép 2 phổi cho cô gái 21 tuổi quê ở Bắc Kạn, ca phẫu thuật thì khó, nhưng thách thức hậu phẫu lại rất nặng nề.
Mỗi ca trực chăm sóc bệnh nhân sau ghép phổi có tới 20 y bác sĩ, điều dưỡng. Dù nằm trong phòng áp lực dương phòng nhiễm khuẩn, được theo dõi liên tục 24/24 nhưng cứ 15 phút các nhóm phải cập nhật, báo cáo tình trạng bệnh nhân một lần. Hàng ngày, các y bác sĩ luôn phải tập trung cao độ, báo cáo theo phút, họp liên tục để cập nhật tình hình điều trị cho người bệnh.
Theo các bác sĩ, trong vòng 3 ngày đầu sau ghép phổi nếu ca phẫu thuật không tốt sẽ khiến hậu phẫu gặp khó khăn. Nhưng đến nay, đã sang ngày thứ 7, bệnh nhân đang hồi phục từng ngày, bắt đầu tập phục hồi chức năng hô hấp.
Trở lại thời điểm 1 tuần trước, ngay khi nhận được thông tin có nguồn phổi hiến tặng từ Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương đã kích hoạt khẩn cấp Chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh phù hợp nhất để được ghép tạng ngay trong đêm.
Trong 3 bệnh nhân được gọi lên bệnh viện thời điểm đó, các y bác sĩ, chuyên gia ghép phổi đã hội chẩn xuyên đêm, cân nhắc từ kích thước phổi của người cho và người nhận có tương đồng, nhóm máu và rất nhiều các chỉ số khác. Thậm chí các chuyên gia phải gọi điện thoại video sang Mỹ vào lúc 2h sáng để lấy thêm ý kiến của giáo sư chuyên về ghép phổi của Mỹ.
Bệnh nhân được lựa chọn với các chỉ số phù hợp cao nhất là một nữ sinh viên ngành IT của một trường đại học ở Thái Nguyên. Từ tháng 10/2023, cô phải bỏ học giữa chừng vì sức khỏe quá yếu, không thể tới lớp, liên tục phải thở oxy tại nhà, luôn cần người hỗ trợ cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
TS.BS Nguyễn Bích Ngọc cho biết, bệnh nhân mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ từ năm 2020. Đây là một bệnh hiếm gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Bệnh lý này tạo các kén khí trong phổi, lan toả và làm mất chức năng phổi. Tình trạng người bệnh rất nặng, khả năng tử vong trong vòng 3-6 tháng nếu không được ghép phổi.
Năm 2020, bệnh nhân còn bị biến chứng của LAM và phải phẫu thuật xử lý tràn khí màng phổi 2 lần, cắt bán phần thận trái. Đến tháng 8/2023, bệnh nhân được đưa vào danh sách chờ ghép phổi. Theo đánh giá của bác sĩ, bệnh nhân tiên lượng sống rất xấu, nguy cơ tử vong cao. Mỗi khi đi bộ, mức oxy trong máu của bệnh nhân chỉ còn 82% (so với người bình thường là 95% trở lên) nên bệnh nhân lúc nào cũng khó thở. Thậm chí, bác sĩ không thể đo được chức năng phổi do bệnh nhân không có khả năng thở.
Ca phẫu thuật ghép phổi kéo dài 12 giờ đồng hồ, nhưng chỉ 14 tiếng sau ca đại phẫu bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản
Ngay khi các bác sĩ tại đầu BV 108 mở ngực phẫu thuật lấy tạng, lúc này tại BV Phổi trung ương, người bệnh cũng bắt đầu được mở ngực gỡ dính với mục tiêu cắt bỏ phổi bị tổn thương để chờ ghép phổi mới. Cuộc đại phẫu kéo dài 12 giờ đồng hồ đúng ngày 30 Tết, từ 10h sáng đến 22h tối. Các bác sĩ đã mổ ghép phổi trái sau đó ghép phổi phải với sự hỗ trợ của ECMO trung tâm.
PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ vui rằng, GS.TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội - thành viên trong kíp phẫu thuật- là người có sức khoẻ phi thường bởi trong suốt 12 giờ phẫu thuật, giáo sư chỉ ra ngoài ăn đúng 3 quả táo.
TS.BS Nguyễn Bích Ngọc chia sẻ: "Việc chăm sóc sau ghép phổi là một áp lực rất lớn đối với các team (nhóm) nội khoa. Bệnh nhân ra khỏi phòng mổ vào 22h đêm 30 Tết nhưng đến sáng hôm sau -14 tiếng sau ca phẫu thuật, sau khi đánh giá người bệnh, các bác sĩ đã quyết định rút ống nội khí quản cho bệnh nhân. Đây là một thời khắc vô cùng xúc động. Bởi rút ống nội khí quản tức là bệnh nhân đã tự thở được. Phổi mới đã tương thích và hoạt động tốt trên người bệnh."
Ngày thứ 2 sau mổ, nhóm phục hồi chức năng đã động viên bệnh nhân ngồi dậy, uống nước và bắt đầu tập ăn. Trước đó, các bác sĩ đã kiểm tra khả năng nuốt của bệnh nhân và cho bệnh nhân tập ăn, tập nuốt thức ăn.
Để phổi nở ra, chức năng phổi hoạt động trở lại, các bác sĩ cho biết, người bệnh cần vận động, đi lại sớm. Ở ngày thứ 3 sau ca đại phẫu, bệnh nhân đã có thể tập đi trong 5 phút với sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Lúc này bệnh nhân đã ăn những bữa ăn thực sự đầu tiên.
Đến ngày thứ 5 sau mổ, bệnh nhân đã đi lại tốt hơn, phổi nở tốt, các bác sĩ đánh giá liều ức chế miễn dịch đạt được như kỳ vọng. Tình trạng nhiễm khuẩn được kiểm soát hoàn toàn.
"Một cuộc đời mới đã mở ra đối với bệnh nhân, em đã có cuộc đời mới với 2 lá phổi mới. Khả năng bệnh nhân được quay trở lại trường học đã gần hơn.", TS.BS Nguyễn Bích Ngọc xúc động nói.
"Dù chưa được ôm con vào lòng nhưng tôi biết con gái tôi đang được các y bác sĩ thay nhau chăm sóc tận tình hàng ngày, hàng giờ"
Chia sẻ với phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống, mẹ của bệnh nhân tên là P.T.T (Bắc Kạn) là giáo viên tiểu học cho biết: Dù chưa được ôm con vào lòng nhưng tôi biết con gái tôi đang được các y bác sĩ thay nhau chăm sóc tận tình hàng ngày, hàng giờ. Kể từ khi cháu phẫu thuật ghép phổi, tôi mới chỉ được đứng nhìn cháu từ xa. Câu đầu tiên con gái nói là "Con nhớ mẹ". Tôi chỉ động viên cháu là: "Con cố gắng lên, cả nhà yêu thương con, con sắp được chữa khỏi bệnh rồi."
Bà T. xúc động kể: "Mỗi ngày đi làm về tôi phải gọi ngay con chỉ để nghe một tiếng trả lời của con là tôi biết con tôi vẫn còn". Mới đây, vào ngày 31/1/2024, khi đang ở trường, con gái đã gọi cho bà T. rất nhiều cuộc điện thoại. Khi chạy về đến nhà, con gái bảo bà là rất mệt và không thể thở được. Định gọi xe taxi đưa con đi viện, nhưng sức khỏe của con không chịu nổi. "Thời điểm đó tôi tưởng đã mất con rồi, vì lúc đó con bảo không thở được nữa. Mấy mẹ con chỉ còn biết ôm nhau khóc" , bà T rưng rưng kể.
Nhớ lại buổi chiều 29 Tết vừa rồi, bà T cho biết, lúc đó bà đang dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết thì nhận được điện thoại của bác sĩ BV Phổi TƯ. Bác sĩ bảo đưa cháu xuống bệnh viện xét nghiệm để ghép phổi. Bà T. vô cùng vui sướng. Bà cho biết: "Nghe tin được ghép phổi, cháu vô cùng phấn khởi. Cháu còn dậy tết tóc gọn gàng và ra khỏi giường đứng trước cửa chờ xe cấp cứu đến. Đây là điều tôi chưa từng nhìn thấy ở cháu mấy ngày vừa qua."
Nhân dịp đầu xuân mới, bà T. đã gửi lời tri ân tới gia đình và bản thân người đã hiến phổi; cảm ơn các y bác sĩ - những người đã không quản ngại mọi khó khăn, vất vả, đúng ngày Giao thừa năm mới, đã tiến hành ca phẫu thuật ghép phổi cho con gái của mình.
Mùa xuân mới đã sang, người mẹ ấy đã tìm lại được hy vọng về một cuộc đời mới cho con gái của mình, đúng như bà T khẳng định: "Các bác sĩ đã tái sinh ra con lần thứ hai"...
TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, ca ghép phổi thực hiện chiều 30 Tết này là ca ghép phổi thứ hai của bệnh viện Phổi Trung ương. Ca phẫu thuật đã được thực hiện chặt chẽ, bài bản theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế từ Trung tâm ghép phổi UCSF – là 1 trong 9 Trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Mỹ. Ca ghép thành công là dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương cùng với sự phối hợp hiệp đồng của các y bác sĩ, giáo sư đến từ nhiều bệnh viện đầu ngành.
Xem thêm video Mẹ bệnh nhân cảm ơn người hiến tạng và các y bác sĩ đã nỗ lực cứu sống con gái của mình:
Mẹ bệnh nhân phát biểu cảm ơn người hiến tạng cùng các y bác sĩ đã phẫu thuật cho con gái của mình.