Hà Nội

Chuyện chưa kể giữa “mùa” sốt xuất huyết

02-09-2017 11:37 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp với mức độ khó lường thì người cán bộ phòng dịch và khám, chữa bệnh lại căng mình như dây đàn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Giữa mùa bệnh sốt xuất huyết, người bác sĩ không dám nghĩ đến ốm, không được nghỉ phép đi du lịch, phải gác lại ngày cưới chỉ vì con... muỗi.

Con ốm... cũng đành tạm xa

Sốt xuất huyết bùng phát ở Hà Nội, không chỉ ở trong các bệnh viện, nhân viên y tế “căng” mình điều trị bệnh nhân, chống dịch mà ở dưới tuyến cơ sở, những cán bộ y tế đang ngày đêm lặng lẽ đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà tìm lăng quăng, diệt bọ gậy để không có thêm ca bệnh nào mới mắc trên địa bàn mình phụ trách. Công việc của họ vốn đã rất âm thầm lặng lẽ thì nay lại thêm phần áp lực. Những thông tin trên báo chí đưa về một cán bộ y tế phường ở quận Hoàng Mai đã xin nghỉ vì quá áp lực trong công tác phòng chống dịch, hay nhân viên y tế phường Trung Hòa bị đánh chảy máu mồm trong lúc phun thuốc muỗi phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn… lại càng làm cho nỗi buồn của những người chống dịch thêm nhiều hơn.

Một cán bộ Trạm y tế phường Mễ Trì, Hà Nội đã phải thốt lên, nhiều lúc thấy mệt mỏi lắm. Bạn xem, đang mùa cao điểm, chúng tôi như một cái lò xo, có chuông điện thoại bất kể đêm hay ngày phải lên đường. Nhiều tuần nay, cả trạm không có ngày nghỉ.Cán bộ y tế đưa cá đến tận tay người dân để thả vào bể chứa nước.

Cán bộ y tế đưa cá đến tận tay người dân để thả vào bể chứa nước.

Quả thật, trong những ngày dịch bùng phát, để hẹn gặp được BS. Khuất Văn Sơn - Giám đốc TTYT Thanh Trì là điều khó khăn. BS. Sơn cho biết, trong những ngày này, anh đi liên tục cả ngày nghỉ lẫn đêm hôm hầu như không có thời gian rảnh. Thanh Trì là huyện ngoại thành với diện tích lớn lại tập trung nhiều công trình xây dựng nên dân số cơ học tăng đột biến tại một số xã, thị trấn, di biến động liên tục; một số hộ tái chế, kinh doanh phế liệu, trồng cây cảnh trên sân thượng cao tầng, bể chứa nước lớn là nơi sinh sản bọ gậy gây bệnh sốt xuất huyết.

Còn chị Đỗ Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm y tế quận Cầu Giấy, giọng khản đặc vì phải nói nhiều, chị bảo: Cả cơ quan chúng tôi từ tháng 7/2017 đã phải toả xuống các phường để nắm tình hình. Đến đợt cao điểm thì chỉ còn 1 người thường trực ở cơ quan để tiếp nhận, xử lý thông tin. Từ lãnh đạo đến các phòng chuyên môn phải bám sát đến từng tổ dân phố, theo chân bác bí thư chi bộ để vào từng nhà. Rồi còn truyền thông cho cơ quan, trường học... nên cổ rát, giọng khản không dám đề xuất nghỉ phép.

Nỗi lòng của những người làm công tác dự phòng có lẽ ở đâu cũng vậy, chia sẻ với những khó khăn của các đồng nghiệp ở Hà Nội, thâm niên 20 năm công tác trong hệ y tế dự phòng, ThS.BS. Nguyễn Thị Dung - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm YTDP Quảng Ninh cho biết, ở trung tâm nào có nhiều nam còn đỡ, nếu toàn nữ thì công việc ấy vất vả gấp bội phần. BS. Dung cho biết thêm, có những đồng nghiệp của chị đi cơ sở nhưng con nhỏ phải mang theo cả máy vắt sửa để duy trì nguồn sữa cho con, hay trong những đợt có dịch mà con ốm cũng phải phó thác cho ông bà để đi làm nhiệm vụ. Chống dịch không phải ngồi trong điều hòa mát rượi mà phải xuống cộng đồng, tỉ mỉ đến từng cái xô, chum chứa nước của gia đình. Kể về những khó khăn và cả những “chuyện cười ra nước mắt” trong phòng chống dịch, BS. Dung không quên kể về kỷ niệm của mình. Chị bảo, có lần đi thực địa phòng chống dịch sốt xuất huyết đến một hộ gia đình, người dân cam đoan nhà của mình rất sạch sẽ, luôn được quét dọn mỗi ngày không thể nào có “dịch” được và người dân khá ngạc nhiên, bác sĩ gì mà đi “săm soi” nhìn ngang nhìn dọc từng nhà một chỉ để bắt mấy con bọ gậy. Thế nhưng khi đi vào các hộ gia đình, phát hiện ra ở những chậu cảnh, lọ hoa có nguyên ổ bọ gậy mà người dân không biết vô tình bỏ quên, được giải thích thì mọi người hiểu và rất vui vẻ hợp tác.

Căng mình trong bệnh viện

Hẹn gặp TS. Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bạch viện Bạch Mai vào hơn 10h nhưng phải đến hơn 12h trưa tôi mới “dám” vào làm phiền anh, bởi công việc quay cuồng khiến anh không kịp nghỉ ngơi.Đội phòng chống dịch đi xuống từng nhà dân.

Đội phòng chống dịch đi xuống từng nhà dân.

Đây là hồ sơ của bệnh nhân sốt xuất huyết mới đặt stent mạch vành, kia là hồ sơ sốt xuất huyết của thai phụ 25 tuần tuổi đã sảy thai 2 lần mong mỏi mãi mới giữ được thai, giờ lại bị hội chứng kháng phosphor lipid lại đang phải sử dụng aspirin trong khi thuốc aspirin lại chống chỉ định trong sốt xuất huyết. Rồi đằng xa thêm ca bệnh nhân sốt xuất huyết trên nền bệnh thông liên nhĩ, hở van 3 lá, tăng áp lực động mạch phổi… Cứ như thế, nối tiếp nhau toàn những ca bệnh “nặng”, các bác sĩ vừa phải điều trị bệnh cũ vừa phải theo dõi và điều trị ca mới... Lượng bệnh nhân đông, nhiều ca bệnh nặng khiến cho các bác sĩ chẳng có thời gian để ngơi tay. TS. Cường chia sẻ, có bác sĩ con bị bệnh, mình cũng bị mắc sốt xuất huyết mà cũng “phải khỏe” để đi làm, bởi nếu không làm thì đồng nghiệp lại phải “gánh” thêm cho mình, trong khi các đồng nghiệp khác cũng đã căng mình cả tháng rồi.

Lượng bệnh nhân tăng cao mà nhân lực thì có hạn, nhân viên của khoa chỉ có 20 bác sĩ và 35 điều dưỡng, bình thường thì đã quá tải bởi đây là BV tuyến cuối, những ngày dịch như thế này thì rất căng thẳng, bởi vừa phải khám cho khoảng 200 lượt bệnh nhân mỗi ngày lại theo dõi các bệnh nhân đang điều trị, lo cho các bệnh nhân tái khám. “Chúng tôi cũng xác định làm truyền nhiễm thì luôn có tinh thần sẵn sàng đón nhận khi có dịch xảy ra nhưng sốt xuất huyết đợt này ở Hà Nội phức tạp nên cả khoa luôn phải “căng người”.

Mọi người phải đẩy giờ làm lên trước nửa tiếng và kết thúc sau 1 tiếng, nhiều cán bộ y tế phải đi làm sớm đến đưa đón con cũng phải thuê người, có điều dưỡng sắp đến tháng sinh vẫn làm việc nhiệt tình, mà lòng thì nơm nớp lo sợ bệnh dính đến mình. Tất cả mọi người không được nghỉ phép trong giai đoạn này, kế hoạch đi chơi cũng đành gác lại. Nhìn nhiều cán bộ của mình gầy xọm đi sau những ca trực mà tôi cũng chỉ biết an ủi và động viên tinh thần…

Sốt xuất huyết cũng đang nóng ở BV Giao thông Vận tải - nơi vẫn được xem là bệnh viện “nhàn”, các bác sĩ của bệnh viện này đã có những ngày làm việc quên ăn, quên nghỉ. BSCKII. Vũ Tú Lệ - Trưởng khoa Nội C1 mắt thì nhìn vào bệnh án, tay thì viết, miệng trao đổi nhanh với chúng tôi, chị chia sẻ, con trai cũng mắc sốt xuất huyết nhưng chị buộc để con cho mẹ để đến viện, bữa cơm trưa thường chuyển sang chiều.

Rồi câu chuyện khiến cả khoa vừa thương vừa buồn cười là của BS. Cao Mỹ Hằng, cũng vì dịch sốt xuất huyết công việc ngập đầu khiến cho ngày hẹn gặp mặt của hai gia đình để ấn định ngày cưới của đôi trẻ bị trì hoãn liên tục. BS. Hằng cho hay, rất may là ông xã tương lai cũng là bác sĩ nên thông cảm chứ nếu ai không thông cảm, có lẽ đã chia tay rồi…”.

Dù có thế nào những chiến sĩ áo trắng vẫn âm thầm ngày đêm chăm lo cho sức khỏe của nhân dân, khi không có dịch họ vẫn cần mẫn chăm chút công việc của mình đến bên người bệnh theo dõi từng chai truyền, kiểm tra từng viên thuốc hỏi han bệnh tình, đến khi có dịch họ sẵn sàng phó thác việc gia đình, vợ, con cho người nhà, thậm chí bản thân ốm cũng phải vào viện để đến bên các bệnh nhân cùng họ vượt qua nỗi đau bệnh tật…!


Nguyễn Tuệ
Ý kiến của bạn