Chuyện chưa biết về Ðặc công Hải quân

01-01-2016 15:38 | Xã hội
google news

SKĐS - Trên con đường ra khu nghỉ Đồ Sơn (Hải Phòng) thường khách chỉ chú ý phía bên trái là bờ biển với những bãi cát, khách sạn, nhà nghỉ dưỡng chứ mấy ai đã dừng chân ngắm khoảng đất “hoang” bên phía tay phải.

Trên con đường ra khu nghỉ Đồ Sơn (Hải Phòng) thường khách chỉ chú ý phía bên trái là bờ biển với những bãi cát, khách sạn, nhà nghỉ dưỡng chứ mấy ai đã dừng chân ngắm khoảng đất “hoang” bên phía tay phải. Vâng, chỉ cách nhau có một con đường mà bên này là nhạc nhã, ăn uống, là những giải trí và cả những ngọt ngào yêu thương của tuổi trẻ còn bên kia con đường, chỗ đất trống hoang hoải dăm mô đất, mấy bụi cỏ, vài cây phi lao ấy là nơi Bộ đội Đặc công Hải quân (ĐCHQ) đang rèn tập vùi mình trong cát bỏng suốt 24 giờ. Một sự so sánh tương phản nhỏ này thôi cũng thấy sự hy sinh của những người lính chiến trong thời bình: chịu đựng gian khổ bên cạnh sự cám dỗ mới thật là sự hy sinh vĩ đại!

Phó Đô đốc, Chính uỷ Quân chủng Hải quân Đinh Gia Thật cùng các chiến sĩ trẻ.

Xin nói ngay, ĐCHQ không phải là Đặc công nước. Đặc công bộ và đặc công nước là đặc công trên bờ chiến đấu trong môi trường cạn và nước là tất nhiên. Còn ĐCHQ chiến đấu trên mặt biển bao la thì không chỉ có bơi lặn dưới nước mà còn biết cả nhảy dù, bám dây từ trực thăng xuống để tiếp cận mục tiêu cả từ dưới nước lẫn từ trên không để đột phá, mở đường cho các đơn vị tiêu diệt bất cứ kẻ thù nào định xâm phạm chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những vinh danh “mình đồng da sắt” với bộ đội ta là sự khâm phục chính xác nhưng với anh em ĐCHQ hình như hơi... vô lý vì thiếu! Bởi, cái khối “mình đồng da sắt” ấy còn là cục ăng ten cực nhạy. Bạn đọc thử tưởng tưởng một mình “thả trôi” 24 giờ trên biển sẽ có cảm giác thế nào? Một mình trong rừng rậm vẫn nhận ra những thân cây khác nhau cho đỡ “nhàm” chứ giữa biển cả chỉ thấy sóng và gió thì sự trống trải mới thật là tận cùng. Trống trải thế, vậy mà vẫn không được lạc dù gió và sóng xô đẩy. 24 giờ trôi trên biển chỉ với chai nước và tuýp thức ăn tổng hợp khiến từng mạch máu người lính ĐCHQ như từng sợi ăng ten để bơi đúng hướng chưa kể những tác nghiệp phối hợp cùng đồng đội cách đó vài hải lý.

Để có được phản xạ nhạy cảm ấy là cả một quá trình rèn luyện công phu. Những Yết Kiêu hôm nay trước khi ra thực địa phải tập trong máy. Lính mới ngồi trong “buồng máy” chịu sức ép tương tự như áp lực nước khi lặn. Cứ 1 “Áp mốt phe” là bằng 10m3 nước đè lên 1cm da thịt. Cứ thế ngày này qua ngày khác, “độ sâu” tăng dần nhưng chịu được sức ép đa tài, ra khỏi buồng máy lại càng tài hơn. Từ “buồng máy” chui ra, chỉ huy hỏi “mắt đâu” mà chỉ được lên... trán tuy sai tí nhưng là người có thể có khả năng luyện tập tiếp. Luyện tới mức dù chịu áp lực thế nào nhưng ra khỏi buồng máy vẫn đi đúng vạch phấn kẻ trên nền lát gạch đá hoa là đạt. Luyện ĐCHQ nào khác luyện phi công chiến đấu.

Tác giả chụp ảnh kỷ niệm với chiến sĩ ĐCHQ.

Hôm chúng tôi đến Lữ đoàn ĐCHQ 126 được chứng kiến buổi tập giấu mình trong cát mới thấy người chiến sĩ ĐCHQ là tổng hợp của các loại “máy móc” trong người. Mùa hè nóng bỏng phải vùi mình trong cát đã là sự chịu đựng quá sức tưởng tượng nhưng lúc bật dậy lại là lúc khó khăn không kém. Vùi mình tức là tự chôn mình và chỉ thở qua ống thở nhô lên mặt đất vài cm suốt ngày suốt buổi là tài nhưng các anh đâu định làm xiếc thể hiện tài năng? Vùi mình là để chờ đợi lệnh tấn công nhưng đất cát xung quanh vùi kín đâu thể nghe rõ lệnh nếu ngược hướng gió hoặc quá xa nơi phát lệnh. Thế cho nên tai các anh ĐCHQ phải cực nhạy có thể nghe xuyên đất. Lính mới tập món này nhiều anh... ngủ quên là cái chắc! Thế cho nên sau mỗi buổi tập, huấn luyện viên cứ phải đếm người, thiếu bao nhiêu thì số đó... đang nằm dưới lòng đất phải tìm cho ra!

ĐCHQ ta là thế. Còn bao chuyện kỳ lạ hơn nhưng vì sự nhạy cảm và bí mật của nghiệp vụ nên không thể kể ra chắc bạn đọc thông cảm.

Những tưởng những chiến binh kình ngư trên biển cả ấy anh nào anh nấy phải cao to và “hầm hố” lắm theo từ của thời @ bây giờ nhưng hình như ngược lại. Họ là những anh và cả các chị hiền khô, chỉ thấy nụ cười thật duyên dáng trên khóe miệng. Hình như tài nghệ càng cao thì sự lộ ra tài nghệ càng kín, bản lĩnh càng vững vàng thì nụ cười càng tươi rói trên môi dù trước bất cứ thử thách nào.

Vì, đấy là Đặc công Việt Nam, đặc công của một đạo quân không bao giờ định lấn át bắt nạt lân bang ngoài chuyện phòng thủ gìn giữ đất nước và chủ quyền quốc gia. Bởi, một dân tộc chuộng hòa bình thì quân đội thiên về phòng thủ. Chả thế mà ngay đến cả Quân chủng Hải quân hôm nay vào ngày mới thành lập cũng chỉ là “Cục Phòng vệ bờ biển”. Nhưng “cây muốn lặng, gió chẳng đừng”, khi khát khao hòa bình bị chiếm đoạt, khi những gót giày xâm lược giẫm lên mảnh đất thiêng liêng của cha ông từ ngàn đời để lại thì khát khao ấy trở thành vũ khí với ý chí tiến công “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn ta phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”. Thế là mãi đến ngày 13 tháng 4 năm 1966, Đoàn Huấn luyện trinh sát ĐCHQ 126, tiền thân của Lữ đoàn ĐCHQ 126 hôm nay mới ra đời mang tất cả ý chí tiến công đó để Công chứ không chỉ Thủ. Có thể coi đây như cột mốc chuyển từ hòa bình sang chiến tranh với chiến lược chủ động tiến công kẻ thù của quân đội ta. Và cũng ít có đơn vị nào chỉ sau 3 năm thành lập đã trở thành đơn vị Anh hùng và ngay 2 năm sau , năm 1971 lại tiếp tục lần thứ hai nhận phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng với những chiến công ở yết hầu cuộc chiến tại Đông Hà, Quảng Trị. Rất nhiều Anh hùng xuất hiện mà trong đó những tên tuổi như Mai Năng (sau này là Thiếu tướng Tư lệnh Đặc công), Nguyễn Văn Tình (sau này là Trung tướng Chính ủy Quân chủng Hải quân) đã khiến kẻ thù nghe thấy tên đã khiếp đảm kinh hoàng. Và rồi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, cũng chính những người lính ĐCHQ này trên những con tàu của Lữ đoàn 125 ra Trường Sa với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa” lại đạp sóng ra khơi, mở đột phá khẩu cùng các đơn vị trong Quân chủng  giữ lấy di sản ông cha để lại đang trong tay Quân đội Sài Gòn trước những âm mưu của nước ngoài định đục nước béo cò toan chiếm đóng. Đặc công là bất ngờ nhưng để đi đến chiến thắng là phải cụ thể mắt thấy, tay sờ và đảo xa đã từ lâu nằm trong trái tim các anh nên cuộc tiến công đổ bộ thần tốc lên Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn... còn là trận đánh vì chủ quyền để có một Trường Sa hôm nay cho đảo xa và đất mẹ ngày mỗi ngày xích lại gần hơn. Thắng trong môi trường chiến đấu mới và lạ vì đơn giản trong trái tim những người lính ĐCHQ đã sẵn cả dòng máu truyền thống của những Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Khánh Dư...  của con cháu Lạc Hồng và âm vang hào khí Bạch Đằng.

Tập luyện trên thao trường.

Ngoài Tết này, ngày 13/4/2016, ĐCHQ kỷ niệm tròn 50 tuổi. Nửa thế kỷ nhưng ĐCHQ mãi rừng rực sức trẻ như mùa xuân không có tuổi. Hôm ngồi ở “Tổng hành dinh” ĐCHQ đóng tại một huyện ở Hải Phòng, tôi bỗng trào nước mắt. Ngoài kia, người ta bàn nhau Tết này nghỉ những 9 ngày phải lên kế hoạch đi chơi đâu, xa hay gần, trong hay ngoài nước? Còn ở “Tổng hành dinh” ĐCHQ, Đại tá Sơn - Lữ trưởng 126 chụm đầu cùng Chính ủy Mạnh, Phó chính ủy Nghĩa và các Lữ phó Hùng, Cảnh, Hải lại bàn chuyện đội, mũi đặc công nào ra đảo nào, nhà giàn DK1 nào, tổ chức cho anh em cán bộ chiến sĩ đón Tết ra sao? Báo chí đăng chuyện tàu xe tăng cường cho những cuộc đoàn tụ ngày xuân còn các anh có những chuyến đi xa vì sự bình yên và chủ quyền dân tộc như Lê Quý Đôn đã nói “khi vô sự phải tính như đang lâm sự để lúc hữu sự được tâm an như vô sự!”

Hoa, rượu ngày xuân cùng những lời chúc tụng mong nhau hạnh phúc còn các anh chị - những cán bộ chiến sĩ ĐCHQ - cứ lặng thầm rèn luyện, lặng thầm đến nhưng nơi cần thiết phải chăng là lời chúc tụng hay nhất, ý nghĩa nhất dành cho nhân dân mình, đất nước mình...


Lê Quý Hiền
Ý kiến của bạn