Hà Nội

Chuyện chủ công bóng chuyền số 1 Việt Nam Từ Thanh Thuận từ lá đơn kêu cứu tới thu nhập “khủng”

19-03-2016 08:26 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tuyển thủ quốc gia có biệt danh “sát thủ trên cao này” vừa trở thành tâm điểm của đời sống bóng chuyền với lá đơn kêu cứu cùng vụ thắng kiện XSKT Vĩnh Long để ra đi tự do, có lót tay tiền tỷ cùng mức lương kỷ lục ở Sanest Khánh Hòa.

Thoát hiểm vì biết… kêu cứu

Qua năm lần bảy lượt xin đi không được XSKT Vĩnh Long giải quyết, cực chẳng đã, chủ công sinh năm 1992 này đã phải viết đơn kêu cứu gửi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cùng công luận. Chính từ đó, một sự thật bi hài đã được phơi bày: Thuận hội đủ mọi yếu tố của một cầu thủ tự do, cả theo Luật Lao động lẫn đặc thù thể thao. Hợp đồng ký kết giữa 2 bên đã kết thúc vào 31/12/2015 mà không có bất cứ điều khoản bổ sung hay ràng buộc nào. Thuận cũng đã thực hiện xong nghĩa vụ tập luyện thi đấu 5 năm cho đội bóng đào tạo nên mình, theo Khoản 2 Điều 6 của bản quy chế chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền áp dụng từ 2011.

Rõ ràng CLB XSKT Vĩnh Long không có bất cứ cơ sở nào để không giải quyết thanh lý hợp đồng với Thanh Thuận và càng không thể đòi hỏi phí đền bù. Đáng ra CLB XSKT Vĩnh Long có trách nhiệm, nghĩa vụ phải thanh lý hợp đồng với Thuận theo đúng quy định sau khi anh không đồng ý gia hạn, nhất là khi Thuận đã thực hiện đầy đủ các thủ tục xin thanh lý. Thế nhưng CLB vẫn cho rằng đây là việc xin đơn phương ra đi và dứt khoát phải đền bù. CLB còn “hét” giá 1,8 tỷ đồng cho sự tự do của Thuận. Nếu không có lá đơn kêu cứu, tình trạng bế tắc của Thanh Thuận còn có thể kéo dài bởi lãnh đạo đội bóng thực sự không hiểu rõ hay cố tình phớt lờ quy chế. Vì biết mình đúng và quyết ra đi nên Thuận cũng chủ động rời CLB trở về nhà tại Tiền Giang.

Chỉ ít ngày sau khi nhận đơn của Thuận cùng đề nghị của XSKT Vĩnh Long, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã đưa ra kết luận: Thuận không còn là đối tượng của quy chế chuyển nhượng cầu thủ. Anh đảm bảo mọi yếu tố của một cầu thủ tự do, được toàn quyền quyết định về việc đi - ở cũng như thương thảo, ký hợp đồng tập luyện, thi đấu cho một đội bóng chuyền khác. Sau kết luận của cơ quan quản lý, XSKT Vĩnh Long vì biết rằng không còn cách nào khác để níu kéo hay làm khó Thuận cũng nhanh chóng giải quyết thanh lý hợp đồng cho chủ công cao 1m94.

Thanh Thuận - một tài năng của làng bóng chuyền Việt Nam.

Ðến thu nhập 30 triệu/tháng

Ngay từ khi Thanh Thuận xin chia tay đội bóng cũ kèm theo những chứng lý đầy đủ của một cầu thủ tự do, hàng loạt CLB đã bước vào một cuộc đua tranh quyết liệt để có được chữ ký của chủ công số 1 với tài năng đang đạt tới độ “chín” nhất. Trong các đội bóng săn đón Thuận, nổi lên 3 “đại gia” hàng đầu Việt Nam cả về thành tích, tiềm lực, kinh phí là ĐKVĐ Maseco TP.HCM, ĐK Á quân Sanest Khánh Hòa và cựu VĐQG Tràng An Ninh Bình.

Với Thanh Thuận, lần đầu tiên một tài năng của làng bóng chuyền Việt đã có thể đường hoàng ra đi, tự lựa chọn đội bóng mới, thậm chí được chủ động thương thảo về mức phí lót tay, lương thưởng. Cuối cùng, qua cân nhắc kỹ lưỡng của bản thân cùng sự tư vấn từ các chuyên gia, Thuận đã chọn Sanest Khánh Hòa - một “bến đỗ” lý tưởng về nhiều mặt. Được biết, anh đã nhận một khoản lót tay lên tới 1,5 tỷ đồng cùng một mức lương “cứng” không dưới 30 triệu đồng/tháng, đều thuộc diện kỷ lục ở môn này. Quan trọng hơn, Thuận sẽ được tập luyện, thi đấu tại một CLB theo mô hình doanh nghiệp, có mức đầu tư, đãi ngộ cao, khát vọng lớn để có thể phát huy cao nhất tài năng đặc biệt của mình cũng như sớm chinh phục với danh hiệu. Tại đây, “sát thủ tầm cao” Thanh Thuận sẽ cùng “oanh tạc cơ” Văn Kiều tạo thành một cặp chủ công dư sức thách thức mọi đối thủ.

Từ trường hợp của Thanh Thuận cũng mang lại bước đột phá cho cả môn bóng chuyền với nhiều bài học đáng giá về tính chuyên nghiệp, đặc biệt với chính các cầu thủ. Các cầu thủ có thể quyết định tương lai sự nghiệp bằng sự hiểu biết các quy định chung, quy định đặc thù được cụ thể hóa trong bản hợp đồng lao động minh bạch mà họ cũng là một chủ thể có đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ thay vì tình trạng phụ thuộc, bị động như lâu nay.


Xuyến Chi
Ý kiến của bạn