“Đến hẹn lại lên”, mỗi tháng một lần ở chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các cô bé ở tuổi dậy thì lại đến kỳ “đèn đỏ”. Kỳ kinh nguyệt là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành và khả năng sinh sản của chị em. Vì theo chu kỳ, nên mỗi kỳ kinh nguyệt đem lại phiền toái không ít. Vì thế, người ta đặt ra ra nhiều biện pháp để phụ nữ tránh được sự phiền toái này; từ băng vệ sinh, đến tampon, và gần đây là cốc nguyệt san (CNS), hiện đang được nhiều người sử dụng.
Theo các bác sĩ sản khoa, so với băng vệ sinh, CNS là một sản phẩm tiện dụng, có nhiều ưu điểm, nhưng sử dụng CNS như thế nào để không mắc bệnh phụ khoa, đảm bảo an toàn cho sức khỏe sinh sản, lại là vấn đề cần lưu tâm.
CNS là một chiếc cốc nhỏ, đàn hồi, hình phễu làm bằng cao su hoặc silicon, được đưa vào trong âm đạo để “đựng” kinh nguyệt. CNS tiện dụng là không phải thay thường xuyên, không phải lo lắng nếu tràn băng vệ sinh, vấy bẩn quần áo làm phụ nữ mất tự tin.
Phái đẹp hiện nay có nhiều sự lựa chọn an toàn, tiện lợi trong những ngày “đèn đỏ”
CNS dùng được nhiều ngày, giúp bảo vệ môi trường. Bởi băng vệ sinh sử dụng nhiều đến nilon; nếu thải ra môi trường khiến cho việc giải quyết môi trường cũng là một vấn đề. Vì vậy, sử dụng CNS sẽ giảm bớt rác thải ra môi trường.
Tiện dụng nhưng cần thận trọng
Bên cạnh những tính năng ưu trội nói trên, việc sử dụng CNS cũng gây không ít khó khăn đối với người lần đầu sử dụng. Cái khó ở đây không phải là do cốc mà là hướng âm đạo của cơ thể người dùng.
Muốn sử dụng CNS, chị em cần chọn một CNS có kích thước vừa với âm đạo, bởi việc dùng không đúng kích cỡ cốc sẽ khiến bạn gặp rất nhiều phiền phức. Bạn có thể gặp bác sĩ sản khoa để bác sĩ giúp lựa chọn kích cỡ cốc phù hợp. Bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố như: độ dài cổ tử cung, lượng máu kinh nhiều hay ít, độ cứng và độ đàn hồi của cốc, khả năng đựng của cốc, sức mạnh của cơ vùng chậu, để tư vấn một CNS phù hợp. Bác sĩ khuyến nghị, chỉ những người đã có quan hệ tình dục mới nên dùng CNS.
Bạn cũng có thể sẽ bị dị ứng với một số loại nguyên liệu làm ra CNS. Đa số các loại CNS được làm từ những vật liệu không chứa cao su; như vậy, cả những người bị dị ứng với cao su vẫn có thể sử dụng được. Một số người vẫn có khả năng bị dị ứng với silicone hoặc nguyên liệu làm ra CNS.
BS.CKII Diêm Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Sản tự nguyện II, BV Phụ sản Hà Nội khuyên: Khi sử dụng CNS, chị em nên lưu ý chỉ để CNS trong khoảng 6-12 tiếng, tùy thuộc vào lượng kinh nguyệt nhiều hay ít. Nên thay CNS sau 12 tiếng sử dụng. Nếu CNS đầy trước thời gian này, cần thay cốc trước khi kinh nguyệt bị trào ra ngoài. Việc vệ sinh CNS cũng rất quan trọng, chị em cần xem kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất để vệ sinh đúng cách.
Lấy CNS ra ngoài thế nào?
Rửa tay thật sạch
Đặt ngón tay trỏ và ngón tay cái của bạn vào bên trong âm đạo. Kéo thân của cốc nhẹ nhàng cho đến khi bạn cầm được cả thân cốc.
Ấn nhẹ để thoát khí, sau đó kéo cốc xuống để rút cốc ra ngoài.
Một khi cốc đã được rút ra ngoài, hãy đổ hết dịch trong cốc vào toilet.
CNS có thể tái sử dụng. Do vậy, cốc cần được rửa sạch để có thể tiếp tục đưa vào âm đạo trong những lần sau.
CNS phải được rửa sạch ít nhất 2 lần/ngày. Một CNS có thể sử dụng được trong vòng từ 6 tháng – 10 năm, nếu sử dụng đúng cách.
Đưa CNS vào bên trong như thế nào?
Rửa tay thật sạch.
Dùng nước hoặc chất bôi trơn làm ẩm vành CNS.
Bóp nhẹ để miệng CNS bé lại còn khoảng một nửa, cầm cốc bằng một tay sao cho vành cốc lật xuống dưới.
Đưa cốc vào bên trong âm đạo, vành ở dưới. CNS nên nằm sâu khoảng vài cm bên trong cổ tử cung.
Một khi CNS đã ở bên trong âm đạo, hãy quay cốc lại. Khi đó, cốc sẽ mở ra và tạo thành một chiếc túi kín khí, giúp giữ dịch không chảy ra ngoài.
Nếu bạn đưa cốc vào bên trong âm đạo đúng cách, bạn sẽ không cảm thấy chiếc cốc đang ở bên trong. Bạn có thể di chuyển, nhảy, ngồi, đứng và thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày mà cốc không rơi ra.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc đưa cốc vào bên trong, hãy trao đổi với bác sỹ.
Lưu ý không để CNS trong toilet quá lâu. Khi tháo ra nên vệ sinh tay, trước khi dùng CNS cho vào âm đạo.
Vệ sinh đúng cách trong những ngày đèn đỏ tránh viêm nhiễm phụ khoa
Vệ sinh không đúng cách trong kỳ kinh nguyệt có thể dẫn đến viêm nhiễm phụ khoa
Sử dụng CNS, băng vệ sinh hay tampon là điều không thể thiếu trong những ngày “đèn đỏ”. Tuy nhiên, việc vệ sinh vùng kín sạch sẽ trong những ngày “đèn đỏ” vô cùng quan trọng. Chu kỳ kinh nguyệt là chu kỳ rụng trứng, dưới tác động của nội tiết, trứng rụng xuống không được thụ tinh thì kỳ kinh nguyệt xảy ra. Kinh nguyệt không phải chỉ có máu mà là thứ hỗn dịch gồm cả các dịch tiết, niêm mạc trong buồng tử cung. Những thứ hỗn dịch này không có vi khuẩn và bản thân nó không gây viêm nhiễm. Phần phụ chỉ nhiễm khuẩn nếu vệ sinh không đúng vì vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào gây viêm nhiễm.Vì vậy, vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt không đúng sẽ rất nguy hiểm. Sẽ dẫn đến viêm nhiễm phụ khoa; ban đầu có thể là viêm âm hộ, âm đạo, rồi lan đến cổ tử cung, thậm chí lên tới vòi trứng, từ đó ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản sau này.