Tách và sinh thêm các bộ phận vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu làm lãnh đạo của những người thân thiết, cùng cạ, người ta nghĩ thêm ra chức vụ mới mà không vi phạm quy định là “hàm”.
Các loại “hàm” trưởng phòng, hàm phó trưởng phòng, GĐ Trung tâm này tồn tại quá nhiều trong các cơ quan nhà nước không phải vì người có “hàm” tài giỏi bị vướng “quy định” không lên được mà đơn giản chỉ để được hưởng phụ cấp và như sự an ủi cho khâu “mít tơ oai” khi chưa có oai.
Cán bộ có “hàm” tất nhiên chẳng phải là lính mà cũng chẳng phải là quan không chỉ véo vào ngân sách tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo mà còn chồng chéo chức trách, công việc, gây phiền phức. Trong cơ quan, ông có hàm thường cao niên hơn ông có chức tương đương, thế là cấp dưới ngơ ngác chả biết nghe ai, ông trưởng cũng chẳng dám quyết, làm gì cũng ngó nghiêng, tham khảo ý kiến anh, chú đang có hàm! Đi ra ngoài, xuống cơ sở, cấp dưới phải nghe ông có hàm như nghe cấp trưởng phó nhưng không phải chính thức có tư cách đại diện cơ quan cấp trên thành ra càng rối.
Chuyện “hàm” là biểu hiện của lạm phát lãnh đạo khi mà hiện nay, theo thông tin đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết TW 6 khóa XII diễn ra ngày 29/11/2017 thì cả nước có hơn 81 nghìn lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng, chiếm 21,7% tổng số cán bộ công chức từ TW đến cấp huyện. Cứ 5 cán bộ, công chức có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, không có chuyên viên. Có vụ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có vụ có 19 hàm phó vụ trưởng. Báo chí cũng đã nêu tình trạng loạn cấp phó tràn lan, quan nhiều hơn lính, một đơn vị có đến 2-3 phó nhưng chỉ một nhân viên rất phổ biến.
Rất mừng là trong bối cảnh này, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương vừa ra nghị quyết quy định tạm thời về số lượng lãnh đạo cấp phòng trực thuộc các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ. Một quyết sách tinh giản biên chế mạnh mẽ. Nghị quyết trên còn quy định cấp phòng và tương đương có dưới 10 biên chế có 1 trưởng phòng và 1 phó trưởng phòng, trên 10 biên chế có 1 trưởng phòng và không quá 2 phó phòng. Đây là một bước tinh giản đội ngũ lãnh đạo cấp phòng của các đơn vị thuộc bộ.
Sau khi cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương lại đi một bước tiên phong, cắt “hàm” và dẹp loạn cấp phó. Từ nay sẽ không còn tình trạng nhiều quan hơn lính ở các đơn vị của Bộ này.
Nếu như tất cả các cơ quan của bộ, ngành đến các địa phương trong toàn quốc đều cắt hàm và quy định về số lượng cấp phó như Bộ Công Thương thì giảm gánh nặng ngân sách đáng kể. Ít nhất là giảm được một nửa cấp hàm, cấp phó nêu trên.
Cắt giảm một chuyên viên đã khó, cắt lãnh đạo càng khó hơn, cho nên mới có trường hợp vì cả nể nên Vụ Kinh tế đối ngoại của Bộ Kế hoạch - Đầu tư có hai vụ trưởng, chưa kể có đến 5 vụ phó. Xếp ghế thì dễ nhưng cưa ghế là đụng đến quyền, mất quyền thì mất lợi cho nên không ai chịu bỏ.
Khó nên chuyện biên chế, tổ chức mới lình xình suốt bao năm nay không giải quyết rốt ráo được. Rất cần những cơ quan tiên phong mạnh dạn gạt bỏ những cảm tính, tháo gỡ cái khó khi biết đặt quyền lợi của dân và sự phát triển của đất nước lên trên hết.