Ông Trần Đăng Khoa đã từng bàn rất nhiều về giao thông, tệ nạn giao thông rồi văn hóa giao thông. Nếu tập hợp lại những bài viết, bài nói của ông, có lẽ cũng phải có đến mấy cuốn sách dày. Người dân hàng ngày vẫn đi lại trên mấy tuyến đường này thấy thật sự lo lắng. Còn ông, ông nghĩ sao?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
- Tôi cũng có khác gì người dân đâu. Rất lo. Nhiều chủ trương, chính sách chúng ta đưa ra cứ như chuyện trên giời: Xe của các địa phương không được vào Hà Nội. Đi taxi cứ phải đủ bốn người mới được lăn bánh. Xe biển số chẵn đi ngày chẵn. Xe biển số lẻ đi ngày lẻ. Rồi lại còn đổi giờ làm, giờ học để... giảm ùn tắc giao thông. Mới đây nhất là chuyển thu lệ phí giao thông thành... thu giá. Rồi mất giấy phép lái xe thì phải... thi lại. Rồi cấm xe máy ở hai tuyến đường có đông người đi lại nhất là Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương. Tất cả những chuyện kỳ dị trên tôi đều đã bàn rồi. Có vấn đề bàn đến cả mấy số báo. Nay chỉ điểm qua những chủ trương mới nhất thôi.Trước hết là chuyện mất giấy phép lái xe phải thi lại. Điều này thì người dân cùng các nhà chuyên môn và nhiều trí thức cũng đã lên tiếng. Có người bảo, chả lẽ mất bằng đại học cũng lại phải học lại, thi lại để có bằng ư? Rồi có người còn cay đắng hơn: Nếu mất giấy chứng tử thì cũng phải sống lại rồi chết lại mới được cấp phép chết? Thật kinh hoàng. Riêng tôi, tôi không hiểu sao người ta lại cứ nghĩ ra những cái cách rất kỳ dị để hành dân. Việc thi lại lái xe với người đã lái xe lâu năm đâu có khó gì. Nhưng những thủ tục cần phải làm để thi thì nhiêu khê vô cùng. Ấy là chưa kể lại còn phải bôi trơn. Trong khi vụ việc có thể giải quyết rất đơn giản. Tất cả các giấy tờ được cấp phép đều đã có lưu trữ. Nếu trước đây lưu trữ bằng hồ sơ, sổ sách thì còn phải mất thời gian lục lọi lại. Bây giờ lưu trữ bằng điện tử, chỉ một cái nháy chuột là đã có ngay thông tin của giấy phép cũ, cấp lại thật dễ dàng, chỉ 5 phút với 20 ngàn lệ phí là xong, sao còn phải thi lại mới cấp phép? Khi dân chúng phản đối rầm rầm, ông quan chức “thi lại” mới ngọng nghịu lý giải rằng, ấy là ông đề phòng những người đã có giấy phép lái xe rồi, lại muốn có thêm giấy phép lái xe nữa! Ối chao. Giấy phép lái xe có cho thuê cho mượn được đâu. Một người có đến nghìn giấy phép lái xe cũng chỉ có giá trị bằng một giấy phép. Thế thì người ta cần nhiều giấy phép lái xe để làm gì, mà phải đề phòng rồi đưa ra cái biện pháp xử lý rất kỳ dị, trong khi có rất nhiều việc cấp bách của ngành giao thông cần phải làm thì lại không làm...
Tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh chỉ dài 13km. Giá thành lại đắt hơn nhiều so với xe buýt. Không hề có hiệu quả mà chi phí lại quá đắt. Nếu tính 15.000 đồng/ vé thì phải hơn 1.000 năm mới thu lại được vốn.
- Thế còn cái việc cấm xe máy trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương rồi tiến đến lộ trình cấm hoàn toàn xe máy vào năm 2030?
- Cũng lại là một việc không tưởng. Người đưa ra chuyện cấm đoán này cũng lại là một ông ở trên giời nữa. Khi hỏi lý do hay cơ sở khoa học nào để ông đưa ra quyết định trên mây như vậy thì ông bảo, ông học kinh nghiệm của... Bắc Kinh (!): “Chúng tôi có nghiên cứu ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Trung Quốc, thấy lộ trình của họ là 3-5 năm. Với tình hình Hà Nội, chúng tôi đặt ra lộ trình dài 12-13 năm”. Một người chỉ cần có một tư duy lành mạnh bình thường thôi cũng có thể thấy ngay được rằng, Hà Nội không phải là Bắc Kinh. Tôi đồng ý với ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia về giao thông đô thị. Cứ như lời ông Thủy thì hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông nội đô là đúng, nhưng phương tiện giao thông công cộng phải tốt, hạ tầng phải mở rộng, đường thông, hè thoáng. Thế nhưng, hiện nay Hà Nội vẫn chưa đưa được tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm nào vào khai thác, trong khi đối với thành phố 10 triệu dân thì đây phải là huyết mạch giao thông đô thị. “Hà Nội đưa ra lộ trình đến năm 2030 cấm xe máy hoàn toàn nhưng nếu cấm sẽ có bao nhiêu phần trăm được sử dụng vận tải công cộng? Đến 2030 may ra vận tải công cộng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 20-25%, còn hiện nay mới chỉ 8%. Vậy hơn 70% người dân đi lại bằng gì, chắc chắn người ta vẫn phải đi xe máy, xe cá nhân”. Hà Nội không thể so sánh với Bắc Kinh được. Khi cấm xe máy, vận tải công cộng của Bắc Kinh đã đáp ứng được 60% nhu cầu đi lại của người dân. Chưa kể Bắc Kinh là thành phố có khí hậu lạnh giống các nước châu Âu, ít người đi xe máy nên việc cấm xe máy cũng rất dễ dàng. Còn ở ta lại khác. Ở ta, người dân đi lại chủ yếu bằng xe máy. Nếu cấm xe máy, họ sẽ phải đi bằng ôtô cá nhân. Mua ôtô bây giờ không phải là khó đối với ngay cả người thu nhập hạng trung. Nhưng một cái ôtô chiếm diện tích đi lại bằng 4 cái xe máy. Nếu cấm xe máy, đường sẽ còn tắc hơn nhiều. Cũng có người bảo, cấm xe máy để giảm thiểu tai nạn giao thông. Điều ấy cũng không đúng. Đành rằng, nhiều anh đi xe máy lạng lách rất hỗn loạn, nhưng những vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra hầu hết đều là ôtô chứ đâu phải xe máy. Nhiều ôtô rất sang trọng đã trở thành hung thần đường phố, nghiến chết bao nhiêu người tham gia giao thông, kể cả người dừng chờ đèn đỏ.
- Những việc không khả thi, tại sao người ta vẫn làm?
- Họ nhắm mắt làm vì những mục đích khác. Tại sao người ta lại cấm xe máy thí điểm ở hai tuyến đường, trong đó có Nguyễn Trãi? Vì ở đó có đường sắt trên cao. Nghe nói tuyến đường ấy tháng 4 này sẽ đưa vào sử dụng. Cấm xe máy thì người dân phải đi đường sắt rồi. Nhưng ai sẽ đi trên con đường tệ hại đó? Cùng lắm sẽ chỉ được mấy ngày đầu vì tò mò. Còn sẽ không nhiều người đi đâu. Sở dĩ, tôi dám nói thế vì con đường này không hề tiện lợi. Một phần nó chỉ dài 13km, chạy từ Hà Đông đến Cát Linh. Nếu đi làm, người ta phải gửi xe máy ở đâu để lên tàu? Rồi đến Cát Linh còn phải đi tiếp nữa. Những người già hoặc luống tuổi chẳng ai muốn leo cao. Giá thành lại đắt hơn nhiều so với xe buýt. Công nghệ lại rất cũ kỹ, lạc hậu. Tôi đi đường sắt trên cao ở Singapore cực tiện lợi. Họ làm từ rất lâu rồi mà công nghệ hiện đại hơn chúng nhiều. Tàu hai chiều, chạy qua, chẳng nhìn thấy đường sắt đâu cả. Hóa ra đường chỉ có một thanh ray. Tàu treo trên một thanh ray nhưng chạy với tốc độ rất nhanh. Đường phố không hề bị ảnh hưởng vì con đường sắt ấy. Còn ở ta, quả là một tệ nạn. Không hề có hiệu quả mà chi phí lại quá đắt. Nếu tính 15.000 đồng/vé thì phải hơn 1.000 năm mới thu lại được vốn.
- Vậy theo ông, có nên cấm xe máy không?
- Hoàn toàn có thể cấm được. Nếu chúng ta bảo đảm được việc đi lại cho dân. Ví dụ có tàu điện ngầm chẳng hạn. Nếu có tàu điện ngầm như ở Nga thì không cần cấm, người ta cũng bỏ hết các phương tiện cá nhân để đi tàu điện ngầm. Vì vậy, muốn giải tỏa được ách tắc, chỉ có làm tàu điện ngầm và hệ thống tàu điện ngầm phải hiện đại như ở châu Âu thì mới giải quyết được. Liệu chúng ta có thể làm được hệ thống tàu điện ngầm hiện đại như của Nga không? Hoàn toàn làm được. Chỉ cần thu được tiền thất thoát từ những vụ tham nhũng qua rất nhiều vụ án đã công bố là đã đủ làm được tàu điện ngầm rồi.
- Xin cảm ơn ông!