Những phút trải lòng của Tăng Minh Hiền cô gái 28 tuổi ở Hà Nội đã gây xúc động với người nghe tại buổi lễ truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho bà Nguyễn Thị Hồng Hải (mẹ của Hiền) và anh Đào Đức Lợi – hai người đã hiến tạng để cứu giúp nhiều sự sống.
Hiến tạng để giúp cho những người cần giúp
Hiền kể lại, khi được báo mẹ đang cấp cứu trong Bệnh viện đại học Y tình hình không ổn, em chạy vào rồi túc trực bên mẹ 2 ngày đêm, trong đầu luôn hi vọng một phép màu là mẹ sẽ tỉnh dậy, nhưng khi bác sĩ kết luận mẹ em không thể qua khỏi, gia đình chuẩn bị sẵn tâm lý, em hoang mang vô cùng. Tối đó ở viện về, em được người chú nói đến chuyện hiến tạng của mẹ, trước đó em có nghe mẹ nói mong muốn được hiến tạng khi qua đời nhưng lúc đó em không có tâm trí để nghĩ về chuyện đó. Sau khi chú bảo em đã suy nghĩ rất nhiều rồi cuối cùng quyết định đăng ký hiến tạng với bệnh viện. Gia đình em chỉ còn 2 chị em, một cô em gái vừa thi đại học xong, bố em cũng mất trước đó vì ung thư. Em chưa bao giờ tưởng tượng được lúc này em lại gánh vác việc lớn như vậy. Em đã cố gắng gượng không cho phép mình yếu đuối để lo cho em gái.
Hiền cũng cho biết thêm, để được sự đồng thuận về hiến tạng của mẹ, cô đã phải thuyết phục các cô dì chú bác bên ngoại vì bên ngoại vẫn nặng quan niệm. Em mất khoảng 1 ngày thuyết phục và sau đó mọi người đã đồng ý cũng như tin tưởng vào quyết định của mình có thể giúp ích được cho mẹ và cho những người khác.
Sau khi hiến tạng cho người thân xong, người ở lại thường phải nghe lời ra tiếng vào nhưng Hiền không quan tâm lắm, cô và gia đình vẫn giữ vững lập trường bởi cô tin rằng đó là việc làm tốt cho mẹ cũng như giúp cho những người bệnh rất nhiều.
'Khi các bác sĩ lấy tạng xong em được vào gặp mẹ em cảm thấy rất tự hào về mẹ', Hiền chia sẻ.
Cũng giống như Hiền, ông Đào Đức Thắng là bố đẻ của anh Đào Đức Lợi cũng nén đau thương vượt qua rào cản hiến tạng con trai mình cho y học. Ông Thắng chia sẻ, tôi nuôi con 30 năm, cháu chưa giúp gì được cho đời, cháu đã ra đi sớm quá vì thế tôi quyết hiến tặng cơ thể con cho y học để cứu giúp những người bệnh khác chính là một cách giúp con góp phần nào đó cống hiến cho xã hội.
'Cũng có lời bàn ra tán vào, người ta nói tôi bán nội tạng của con, nhưng tôi vẫn kiên định, hiến tất cả cơ thể để giúp đỡ được cho người nào thì giúp đỡ. Bây giờ tôi cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái hơn vì một phần cơ thể của cháu vẫn còn sống trong cuộc đời này', ông Lợi bày tỏ.
Cần tạo mạng lưới liên hệ rộng khắp giữa các trung tâm y tế
GS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc TTĐP Ghép tạng quốc gia cho biết, trường hợp của bà Nguyễn Thị Hồng Hải và ông Đào Đức Lợi đến từ hai nơi khác nhau và hai người cũng từ giã cõi đời theo cách khác nhau, tuy nhiên họ lại có chung một tình yêu vô bờ muốn người thân của mình tiếp tục làm việc thiện. Trước khi từ giã cõi đời họ đã cứu được hàng chục người - những người này đang cận kề cái chết nếu không có tạng được hiến. Dù họ đã từ giã cõi đời nhưng một phần cơ thể của họ vẫn sống trong nhiều người.
GS Đồng Văn Hệ cũng cho biết, đây là 2 ca hiến ghép rất đặc biệt, trường hợp của bà Trần Thị Hồng Hải là trường hợp đầu tiên Trung tâm điều phối ghép tạng thực hiện hồi sức tại BVĐH Y Hà Nội, bệnh viện chưa từng thực hiện ca hiến và ghép tạng. Còn trường hợp của anh Đào Đức Lợi thì BVĐK tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp và giúp đỡ rất nhiệt tình trong công tác hồi sức và vận chuyển bệnh nhân ra BV Việt Đức... Tất cả những điều đó thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa các trung tâm y tế khu vực miền bắc. Điều này cho thấy vấn đề là cần phải tạo mạng lưới rộng khắp không chỉ ở miền bắc mà ở các trung tâm y tế của cả nước để cứu được nhiều người hơn nữa.
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho biết, 95% các ca ghép tạng Việt Nam có nguồn từ người cho sống chỉ 5% là của người chết não đây là điều đi ngược với thông lệ, ngược thế giới. Có rất nhiều nguyên nhân của tình trạng này, tuy nhiên một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là sự phối hợp giữa các bệnh viện có khả năng ghép và các bệnh viện khác không có chức năng ghép trong cả nước. BV Đại học Y Hà Nội sẽ làm mọi cách để không có giới hạn trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng như thực hiện hỗ trợ chương trình hiến tạng của người cho chết não nói riêng.
Cũng theo PGS. Hiếu, trường hợp của chị Nguyễn Thị Hồng Hải bệnh nhân của BV Đại học Y Hà Nội và của anh Đào Đức Lợi đã giúp nhiều người có cơ hội được hồi sinh sự sống. Đó là những đóng góp không gì có thể bù đắp được.
Cũng tại buổi lễ truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân, GS. TS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội đã xúc động và gửi lời cảm ơn chân thành đến nghĩa cử của người nhà đã hiến tạng người thân cho y học. Họ đã vượt lên phong tục truyền thống để cống hiến một phần cơ thể của người thân mình cho cộng đồng, cứu tính mạng người khác. GS. Văn cũng mong muốn rằng những nghĩa cử tinh thần cao đẹp này sẽ lan tỏa rộng rãi trong nhân viên y tế cũng như trong cộng đồng.