Nếu bị ốm nằm viện, bạn sẽ thấy đêm dài bất tận và chỉ có một ước ao duy nhất: mong khỏi bệnh, về nhà và ngả lưng trên chiếc giường yên ả của mình. Nhưng có một câu chuyện khá xúc động mà tôi sẽ kể cho bạn nghe sau đây. Câu chuyện có thật tôi từng chứng kiến sau một đêm đưa người nhà đi cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ðó là câu chuyện về một bệnh nhân không muốn khỏi bệnh vì sẽ phải rời bỏ chiếc giường cấp cứu. Với ông, chiếc giường cấp cứu trở thành chiếc giường êm ái, tuyệt vời nhất trong suốt quãng đời nhọc nhằn của mình.
Y tá Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chăm sóc cụ Nguyễn Văn Đức.
Suốt mấy chục năm nay, ông cụ tên Nguyễn Văn Đức không được đặt lưng ngủ trên giường. Ông là người bán báo lang thang ở khắp các bến tàu, bến xe Hà Nội. Nghèo khổ, vô gia cư và cô độc không gia đình. Khoảng thời gian gần đây, ông bị đái tháo đường kéo theo những cơn tăng huyết áp triền miên. Không có mái nhà nương thân, ông trải manh chiếu lề đường “dưỡng bệnh”. Cũng thật tình cờ, run rủi, đời còn nhiều người tốt. Một đêm mưa gió, có người đàn ông lạ mặt qua đường đã động lòng và đưa cụ vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Ước không khỏi bệnh để được nằm giường cấp cứu
Đêm hôm đó, phải chăm sóc người nhà tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tôi bị ám ảnh khi chứng kiến toàn những trường hợp bệnh rất nặng và nguy kịch. Tiếng máy thở, tiếng điện tim, tiếng người bệnh kêu rên và nhiều tiếng thở dài của người nhà khiến ai cũng mang tâm lý lo sợ và muốn rời xa khỏi chốn này.
Ngoài trời đổ mưa tầm tã, cơn mưa mang theo cái lạnh cuối thu se sắt. Tôi không thể chợp mắt nên đi một vòng quanh khu cấp cứu và thấy ngạc nhiên vì khu hành lang (phía gần cầu thang máy) vẫn có giường bệnh. Giường chỉ có một cụ già nằm chơ vơ không thấy người nhà trông nom, dáng người khô đét quay lưng vào phía tường nhìn rất tội nghiệp.
Nhìn quanh chỗ ông cụ nằm, tôi cũng thấy ngạc nhiên bởi giường ngoài hành lang nhưng vẫn có đầy đủ máy thở, máy điện tim, mặt tủ cá nhân thấy có một hộp sữa nhỏ và bịch bỉm cho người cao tuổi. Không có vẻ gì là một người vô gia cư, cô độc. Đứng một lúc, thấy ông cụ ho húng hắng, tôi đến hỏi cụ vài câu. Cụ nặng tai nhưng tỉnh táo và sắc mặt tinh nhanh. Cụ kể, miệng móm mém, răng rụng gần hết: “Tôi là người đi lang thang bán báo dạo ở ga tàu và bến xe suốt mấy chục năm nay. Tôi người Huế, hơn 88 tuổi rồi, không gia đình và con cháu. Mấy hôm trước, tôi bị ốm, trải manh chiếu nằm vỉa hè, một người đi đường thương tình đã đưa tôi vào đây. Tôi ước gì cứ ốm để được nằm đây mãi thế này. Đời tôi, mấy chục năm nay không biết đến cái giường. Toàn gầm cầu, lề đường, bến xe qua đêm”.
Bát cháo thịt ngon nhất cuộc đời
Một lát sau có một tốp nữ điều dưỡng đi ngang giường ông cụ dừng lại và hỏi cụ đã ăn gì chưa, nếu chưa ăn gì thì các chị pha sữa cho cụ uống. Ba nữ điều dưỡng còn khá trẻ, chỉ khoảng hơn 20 tuổi, nhìn biển tên, tôi biết tên các chị là Minh Hương, Huyền và Vân Anh.
Hỏi về trường hợp ông cụ, các chị cho biết: “Cụ bị đái tháo đường biến chứng tăng huyết áp. Giờ, cụ đã khá hơn nhiều, chỉ còn 2 cẳng chân bị nhiễm khuẩn nặng và hoại tử cần phải điều trị. Mấy ngày nay, vào phiên trực đi ngang qua giường, chúng tôi hay hỏi xem cụ có cần gì thì giúp. Cụ đã nằm đây rồi không thể để cụ ở dơ được nên mấy chị em vẫn thay rửa giúp cụ, chăm sóc cụ như ông bà mình ở nhà. Lúc mới vào bệnh viện, cụ có mùi đặc biệt lắm, đứng xa cũng không ai ngửi được, tóc bết, dày cộp cả mảng trước sau”.
Các chị kể, đêm mà ông cụ được đưa vào đây, lúc đó khuya rồi, khoảng 21 giờ. Cụ đang trong tình trạng hôn mê, sốt nhẹ và huyết áp tăng cao. Trong người cụ có khoảng 500.000 đồng (toàn là tiền lẻ). Đêm đó đúng ca trực của BS. Nguyễn Nguyên Huyền - Phó trưởng khoa Khám bệnh, bác sĩ đã bỏ 1 triệu đồng tiền túi đóng cho cụ nhập viện. Biết ông cụ chưa được ăn gì, mấy chị em chúng tôi đi mua cho cụ một bát cháo và xúc cho cụ ăn. Cụ ăn cháo và có nói với chúng tôi một câu: “Cảm ơn các chị, cháo thịt nóng và ngon. Từ trước tới nay, suốt cuộc đời bán báo dạo, tôi chưa bao giờ được ăn một bát cháo ngon như thế này”.
Mấy chị y tá còn cho biết, sau khi biết hoàn cảnh của cụ, BS. Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu nói với khoa bố trí giường cho cụ và mua cho cụ hộp sữa. Trước mắt, phải cấp cứu cho cụ. Cụ đã được đưa đến bệnh viện thì cụ cũng là một người bệnh cần cứu giúp như bao người khác. Không thể từ chối người bệnh được.
Suốt đêm đó, tôi vừa thầm mong cho ông cụ sớm khỏi bệnh nhưng lại cũng mong cho cụ mãi như bây giờ. Bởi nếu khỏi bệnh, cụ sẽ lại phải đi bán báo, ngủ ngoài lề đường và không còn được nằm trên chiếc giường êm ái như những ngày qua.
Một kết thúc có hậu
Thật tuyệt bởi câu chuyện chưa dừng lại. Những mong mỏi của tôi về ông cụ đã được có hồi đáp. Ba ngày sau, tôi quay lại viện và được BS. Nguyễn Trung Cấp cho biết: “Vì cụ là người vô gia cư, không giấy tờ tùy thân, không nơi nương tựa nên chúng tôi không dám cho cụ xuất viện. Chúng tôi cố gắng tìm cho cụ một trung tâm bảo trợ xã hội để cụ sống tiếp những năm tháng tuổi già”.
Vì địa bàn mà ông cụ thường đi bán báo dạo thuộc địa bàn phường Phương Mai nên Viện đã cử anh Hà Anh Minh, nhân viên phòng Kế hoạch - Tổ chức, đến UBND phường Phương Mai để làm việc về trường hợp của cụ. Anh Minh chia sẻ: “Công an phường Phương Mai cho biết, bệnh viện phải chuyển một bộ hồ sơ gồm bệnh án và công văn đề nghị của bệnh viện lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội của thành phố Hà Nội. Lúc đó, cơ quan chức năng sẽ giải quyết trực tiếp và xuống đón bệnh nhân về trung tâm”.
Hoàn tất mọi thủ tục như công an phường Phương Mai đã hướng dẫn, cách đây mấy ngày, ông cụ đã được Trung tâm bảo trợ xã hội đón về. Trước khi xuất viện, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương còn biếu cụ chút kinh phí. Vậy là từ nay, không phải ước luôn bị ốm, ông cụ già cả, cô đơn sẽ vẫn được nằm trên chiếc giường êm ái, chấm dứt những tháng ngày lề đường, gầm cầu khốn khổ.
Câu chuyện khiến tôi thấy ấm lòng và tin rằng quanh mình còn có nhiều người tốt. Những cử chỉ đẹp, đáng trân trọng như vậy nhưng ít được nói đến trên mặt báo. Chỉ thấy nhiều những tin sốc, những chuyện không hay về các y, bác sĩ để rồi bi quan và hoài nghi hơn về lòng tốt thời nay. Gặp BS. Nguyễn Nguyên Huyền - người đã bỏ 1 triệu đồng giúp ông cụ nhập viện, chị cười và nói với tôi: “ Trong quãng thời gian làm cấp cứu, chị đã gặp nhiều trường hợp cơ nhỡ như ông cụ. Nhưng làm những việc giúp người, chẳng muốn kể nhiều. Tự tâm mình biết là đủ...”.
Bài, ảnh: Thanh Loan