Chuyện các "ông Tây" nhặt rác: Hành động nhỏ, bài học lớn

20-05-2016 15:47 | Xã hội
google news

SKĐS - Chuyện các “ông Tây” dọn rác, móc cống góp phần nhỏ làm sạch môi trường ở phường Yên Hoà, Hà Nội bỗng trở nên “rộn ràng” mấy ngày qua.

Chuyện các “ông Tây” dọn rác, móc cống góp phần nhỏ làm sạch môi trường ở phường Yên Hoà, Hà Nội bỗng trở nên “rộn ràng” mấy ngày qua. Cũng phải thôi, vì bấy lâu nay người dân vốn chỉ biết có việc… vứt rác, mấy ai quan tâm việc nhặt rác, móc cống công cộng ngoài những bà đồng nát và nhân viên công ty môi trường đô thị. Bằng chứng là người ta vẫn vứt rác bừa bãi khắp nơi, nhất là những nơi có biển cấm, chả khác gì “gợi ý” chỗ này ném rác khá… hợp lý. Nhưng cũng vì vậy mà chuyện một nhóm tình nguyện nhặt rác, vốn không mấy xa lạ với người nước ngoài lại trở thành đề tài nóng...

Hẳn cũng có một số người trong chúng ta đã từng có ý tự nguyện dọn vệ sinh, nhưng lại lo lắng về sức nhỏ bé của mình, lo lắng cái “công cốc” nếu như sau đó lại có người ném rác. Với người nước ngoài, họ lại tư duy khác hẳn, hãy cứ mạnh dạn làm cái việc mà mình cho là đúng, để qua đó thu hút, tạo sự khích lệ cho người khác để làm nên sức mạnh tập thể. Nếu ai cũng chỉ đứng trước bãi rác và nghĩ ngợi miên man thì bãi rác vẫn hoàn… bãi rác mà thôi.

Hành động đẹp của “ông Tây” khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Trộm nghĩ, cũng thật may mắn là nhóm tình nguyện do người nước ngoài khởi xướng nên đã thu hút sự chú ý và tạo sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng. Việc làm của nhóm tình nguyện vì môi trường cũng đáng suy ngẫm cho mỗi người dân và cả cho người quản lý ở mỗi địa phương. Thứ nhất phải có tầm nhìn sâu rộng, cần thực sự có tâm chân thành để nhìn ra những tồn tại quanh mình. Mỗi hành động cao đẹp của công dân hoặc của bất kỳ ai cũng đều phải được trân trọng và ghi nhận, biểu dương kịp thời. Nếu hành động như vậy được chính quyền phường Yên Hòa lập tức cảm kích, biểu dương thì tin chắc công dân phường sẽ có cái nhìn và ý thức khác hẳn về bảo vệ, giữ gìn môi trường.

Đây không chỉ là một hành động đẹp của người nước ngoài đối với môi trường tại Thủ đô mà còn là hành động khiến mỗi công dân và chính quyền sở tại phải suy nghĩ. Tại sao người nước ngoài có thể hành động vì môi trường tại Việt Nam cách cụ thể như vậy nhưng chính quyền sở tại và người dân lại cảm thấy khó khăn đến thế? Đó là điều mà trước tiên mỗi người dân và những nhà hoạch định chính sách, những nhà quản lý cần nghiêm túc điều chỉnh hành vi của mình.

Mới thấy, vấn đề chính là nằm ở ý thức, sự tự giác và tự nguyện gìn giữ tài sản công cộng, môi trường chung ấy đang ngày một hao mòn dần dù đã rất mỏng manh. Cần lắm những việc làm như nhóm tình nguyện xanh này và cần hơn nữa là “sự ngượng ngùng” dù nhỏ trong mỗi thành viên trong cộng đồng.


Huy Tuệ
Ý kiến của bạn