Chuyện buồn sau những thước phim

21-08-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời gian vừa qua, việc một số diễn viên tham gia đóng phim tố đơn vị sản xuất “xù” tiền thù lao (cát sê) không còn là chuyện hiếm.

Thời gian vừa qua, việc một số diễn viên tham gia đóng phim tố đơn vị sản xuất “xù” tiền thù lao (cát sê) không còn là chuyện hiếm. Câu chuyện này đang “nóng” trở lại bởi gần đây, ê-kíp phim Like: Thời trang - tình yêu - khăn rằn (đã lên sóng trên kênh SCTV14) đang phải đi đòi tiền thù lao từ nhà sản xuất.

​Huy Khánh và Dương Cẩm Lynh trong phim Thời trang - tình yêu - khăn rằn.

Chuyện thường ngày

Mới đây, thư ký bộ phim Like: Thời trang - tình yêu - khăn rằn cùng một số diễn viên cho báo chí biết Hãng phim Hải Sơn Lâm (đơn vị sản xuất) đến nay chưa trả tiền cho các thành viên tham gia bộ phim này, dù bộ phim đã kết thúc trình chiếu trên kênh SCTV 14. Theo thư ký của bộ phim trên, có 11 người trong đoàn phim như diễn viên, hóa trang, kế toán, trợ lý đạo diễn, phụ quay, chủ nhiệm... chưa được Hãng phim Hải Sơn Lâm trả thù lao với số tiền hơn 200 triệu đồng. Và số người chưa được nhận cát sê từ Hãng phim Hải Sơn Lâm cho biết sẽ “đòi” bằng được số tiền thù lao đó, bởi công sức bỏ ra cho nghệ thuật của họ cần được bù lại một cách xứng đáng.

Trước đây, không ít diễn viên tham gia đóng phim cũng rơi vào tình cảnh bị “quỵt” tiền thù lao. Đáng chú ý nhất đó là trường hợp của diễn viên Thanh Tuấn. Hồi tháng 3 năm nay, diễn viên Thanh Tuấn vào vai Thằng Sáu trong bộ phim Tết có tên Bác Ba Phi kén dâu. Phim này sau đó được phát sóng trên HTV9 trong dịp Tết Ất Mùi. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, đơn vị sản xuất là Kim Long Film chưa trả tiền cát sê như hợp đồng đã ký với Thanh Tuấn. Tới khi nam diễn viên này đến trụ sở Kim Long Film để lấy tiền cát sê, chẳng những bị từ chối, khất lần mà còn bị dọa nạt. Trước tình thế có thể bị người khác ném bình trà, chiếc ghế đẩu vào người, diễn viên Thanh Tuấn đành... ngậm ngùi rút lui.

Trường hợp không bị quỵt tiền thù lao khi tham gia đóng phim thì lại trầy trật trong việc đi đòi, đơn vị sản xuất khất lần người tham gia đóng phim. Tiêu biểu là trường hợp của diễn viên Thân Thúy Hà với phim Vết dầu loang. Khi ký kết hợp đồng, cô đã làm việc trực tiếp với giám đốc sản xuất bộ phim, đồng thời cũng là giám đốc hãng phim Hòa Bình. Trong hợp đồng ghi rõ: “Sau 30 ngày đoàn phim đóng máy, bên công ty Hòa Bình sẽ chi trả hết toàn bộ số tiền mà Thân Thúy Hà đã ký kết khi tham gia bộ phim Vết dầu loang”.

Tuy nhiên, sau khi Vết dầu loang đóng máy khoảng một tháng, nữ diễn viên chỉ nhận được 30% trên tổng giá trị hợp đồng. Khi liên lạc với phía sản xuất, nữ diễn viên luôn nhận được lời “khất nợ” ngày này qua tháng khác. Để rồi một thời gian sau quá quy định trong hợp đồng, đơn vị sản xuất phim đành trả thêm cho cô 20% giá trị hợp đồng...

Đến nay, một số người trong ê-kíp làm phim Like: Thời trang - tình yêu - khăn rằn đang phải đòi tiền thù lao từ phía nhà sản xuất.

Vì đâu nên nỗi?

Thực tế nhà sản xuất phim bấy lâu nay luôn “ấp ủ” lẫn thực hiện hành vi quỵt tiền thù lao của người tham gia đóng phim đã trở thành chuyện thường ngày. Câu chuyện này chưa có hồi kết là bởi, theo diễn viên Thanh Tuấn, một là do nhà sản xuất khó khăn thật sự hoặc...cố tình quỵt tiền. Hiện nay, nhà sản xuất (đa số tư nhân) thường làm phim theo đơn đặt hàng của nhà đài, chủ yếu dưới hình thức xã hội hóa nên phải phụ thuộc vào kinh phí của đài trả theo phương thức nào. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn cả, đó là cách ứng xử kém văn hóa của đơn vị sản xuất phim đối với ê-kíp làm phim, bởi nếu khó khăn, đơn vị sản xuất chia sẻ với ê-kíp một cách đàng hoàng, tử tế, đúng sự thật thì không mấy ai muốn “vạch áo cho người xem lưng”.

Bên cạnh đó, nhiều diễn viên cho biết, hiện nay có quá nhiều hãng phim tư nhân được mở ra và hoạt động theo kiểu chân rết (liên kết với nhiều đơn vị khác). Điều này dẫn đến sự cạnh tranh và tạo ra cuộc chạy đua giữa các hãng phim. Trong cuộc chạy đua ấy khó tránh khỏi các hãng phim làm ăn thiếu tính chuyên nghiệp, chụp giật, không minh bạch. Diễn viên hài Minh Béo chỉ ra thực tế có những hãng phim thiếu vốn, nhân lực trình độ thấp nhưng vẫn “nổ” với mọi người là có mối quan hệ tốt với nhà đài để có thể nhận làm phim. “Điều đó, dễ dẫn tới tình trạng bể show, phá giá, khiến các diễn viên khóc ròng vì không đòi được tiền cát sê” - diễn viên Minh Béo chia sẻ.

Cũng theo nhiều người trong giới, do “chạy show” nên một số diễn viên và hãng phim chỉ hợp đồng miệng với nhau, đến khi phim hoàn thành, diễn viên đi đòi tiền cát sê gặp khó khăn vì không có giấy tờ cam kết, quy luật “lời nói gió bay” xảy ra là điều tất yếu. Thêm nữa, không ít diễn viên vì tính... nghệ sĩ, khi mất quyền lợi thì muốn giữ riêng cho mình, không muốn kiện cáo bởi sợ làm xấu đi hình ảnh cá nhân có thể khiến các hãng phim khách không mời tham gia đóng phim nữa.

Thế nên, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, các diễn viên trước tiên cần phải biết bảo vệ quyền lợi và thành quả lao động chính đáng của mình bằng cách cất tiếng nói trước những đơn vị làm phim chây ì, thiếu minh bạch trong việc chi trả tiền thù lao. Nếu cứ giữ “bản tính nghệ sĩ” thì lẽ đương nhiên, các diễn viên chịu thiệt thòi hơn cả và vô tình tiếp tay cho những đơn vị làm phim thiếu đi cả hai yếu tố: nghệ thuật và tình người!

Hoa Quỳnh

 

 


Ý kiến của bạn