Con ngõ dài gần 1 km chỉ có hai, ba ngôi nhà được xây mới kiên cố, còn đâu là những ngôi nhà cũ kỹ, lợp mái tôn, bên trong được cải tạo biến tấu thành những phòng trọ nhỏ dành cho bệnh nhân ung thư.
Hơn 12 giờ trưa dưới cái nắng của những ngày đầu hè, qua gần chục ngôi nhà, chúng tôi mới gặp được một người đàn ông đang ngồi ở cửa. Trông vẻ bên ngoài cứ nghĩ anh là chủ nhà, nhưng hỏi ra mới biết anh cũng là một bệnh nhân ung thư, người Bắc Kạn. Khi hỏi tên tuổi, địa chỉ anh chỉ cười... Anh bảo trong phòng nóng quá, ra đây ngồi cho thoáng.
Hỏi để xe ở đây có an toàn không, anh trả lời "con ngõ này toàn người bệnh, ai nỡ đi lấy trộm của người sắp chết", quả thật tại một số khu trọ ở đây, rất nhiều xe máy để bên ngoài mà không hề có người trông coi.
Theo lời giới thiệu của anh, chúng tôi đi sâu vào bên trong, căn nhà ẩm thấp, hai bên tường đã bong tróc từng mảng, mốc meo. Nhà có 2 tầng mái lợp bằng tôn, tổng diện tích có được gần 40 m2 mà được cải tạo có đến gần chục phòng trọ, mỗi phòng chỉ 4-5m2, được ngăn cách bằng các tấm nhựa, không gian bí bách, mùi ẩm thấp xộc lên.
Vào bệnh viện người giàu cũng thành người nghèo
Tại một căn phòng nhỏ dưới tầng một, chúng tôi gặp vợ chồng bác Đoàn Hồng Thái, 68 tuổi, đang nằm nghỉ. Căn phòng nhỏ chỉ hơn 5 m2 với giá thuê 2,4 triệu mỗi tháng chỉ đủ đặt một chiếc giường đơn và một cái bàn nhỏ chất đầy những vật dụng sinh hoạt cũng như các loại thuốc.
Qua câu chuyện được biết, hai bác người quê Thái Bình đã lên đây chữa bệnh từ Tết chưa về quê lần nào.
Hai bác cho biết, trước Tết, thấy ông ăn uống khó nuốt, sụt cân nhiều, trong Tết tình trạng càng nặng hơn, ông cứ ăn vào là nôn ra. Lo lắng hai ông bà gọi các con về đưa đi khám. Gia đình có 3 người con nhưng tất cả đều sinh sống và làm việc trong Nam, tết năm nay không ai về quê.
Sau khi lên đây thăm khám, bác sĩ thông báo ông bị ung thư thực quản phải nhập viện ngay. Sau khoảng nửa tháng nằm viện điều trị, gia đình bàn bạc xin đưa ông ra điều trị ngoại trú để bà tiện chăm sóc, chứ ở mãi trong viện xung quanh chỉ toàn là bệnh tật sợ tinh thần ông càng suy sụp. Và cũng để các con vào Nam tiếp tục công việc để còn lo cho bố....
Hai ông bà đều là nông dân, không có lương, các con cũng chỉ làm công việc tự do kinh tế cũng không dư dả là bao. Để tiết kiệm chi phí và cũng đảm bảo an toàn, ông bà sắm thêm một nồi cơm điện và một nồi hầm để tự nấu ăn.
Hàng ngày bà chỉ mua đồ bồi bổ cho ông, còn bà khỏe mạnh ăn gì cũng được, hôm thì xin cơm từ thiện, không thì cắm ít cơm với nấu bát canh thế là xong.
"Mọi thứ ở đây đắt đỏ lắm. Khoai tây ở nhà trồng được đi cho mà ra đây mua 3.000 một củ, chả nhẽ thứ gì cũng mang ra ở quê ra" bà Hoa - vợ bác Thái phân trần.
"Cả tháng nay bà mới mua hết có 50.000 đồng tiền thịt, mà chán quá cũng chẳng muốn ăn. Nhưng nấu ăn thế này cũng tiết kiệm lắm, chứ 2 ông bà mà ăn quán có tiết kiệm lắm cũng phải "ngót nghét" 200.000 mỗi ngày, vừa đắt đỏ lại không đảm bảo vệ sinh. Mới hơn 1 tháng ở đây bà đã tiêu gần 20 chục triệu. May mà ông cựu chiến binh được miễn 100% viện phí chứ không còn tốn kém nữa. Vào bệnh viện người giàu cũng thành nghèo, có tốn kém mấy cũng phải mua", bà Hoa nói.
Sắp nghỉ lễ 30/4 hỏi ông bà có về nghỉ lễ, bà lắc đầu, mắt rưng rưng: "Nhớ nhà, nhớ cháu lắm nhưng sức khỏe ông thế này về sao được".
Rồi bà kể, ông bà chăm sóc 2 cháu nhỏ của người con cả từ lúc 3 tuổi. Đứa lớn vào đại học đã vào Nam với bố mẹ, còn đứa nhỏ đang học lớp 11. Ra đây chăm ông để cháu ở nhà một mình bà cũng không yên tâm nhưng cũng chẳng biết làm thế nào. Ngày nào cũng phải gọi điện về xem cháu ăn uống, ngủ nghỉ thế nào. Hy vọng sắp tới hết đợt xạ trị được về nhà ít hôm cho thoáng, chứ cứ ở mãi thế này cũng không ổn.
"Buồn lắm cháu ạ. Nhiều đêm nghĩ trào nước mắt không thể ngờ mình lại rơi vào hoàn cảnh như thế này. Hai ông bà ăn ở hiền lành, cả đời chẳng điều tiếng gì qua lại với ai mà sao căn bệnh quái ác này rơi trúng gia đình", bác Thái đang nằm nghỉ ngơi giọng thều thào.
Không chỉ lo lắng về căn bệnh của chồng, bà Hoa còn lo lắng sắp tới thời tiết bắt đầu nóng bức hơn, không biết ông bà có trụ được không, trong khi thuê phòng rộng rãi, sạch đẹp hơn thì không có tiền. Cứ ở mãi trong không gian sinh hoạt chật hẹp thế này thì sức khỏe khó lòng mà hồi phục có khi còn suy sụp hơn.
Mọi thứ phụ thuộc vào số mệnh...
Trên căn phòng cuối dãy ở tầng 2, bác Đoàn Văn Thính, 65 tuổi, người Hải Phòng đang nằm xem điện thoại. Cũng tầm tuổi với bác Thái nhưng trông bác có vẻ khỏe mạnh và tươi tắn hơn. Thấy chúng tôi bác niềm nở tiếp chuyện.
"Bị bệnh là vô cùng khó khăn nhưng tất cả phải cố gắng vì bây giờ bệnh tật không chừa một ai. Sau thời gian khủng hoảng ban đầu thì bác dần chấp nhận. Cả gia đình cố gắng tìm phương pháp chữa trị tốt nhất trong điều kiện kinh tế, bệnh đến đâu thì chữa đến đó, còn nhờ vào số mạng của mình, gặp thầy, gặp thuốc nữa..." - bác Thính nói.
Rồi bác kể, bác phát hiện bệnh từ tháng 9 năm trước, trong một lần đi tiêm phòng COVID-19, huyết áp lên cao quá, bác đi khám và phát hiện ra bệnh. May mắn cho bác là u chưa di căn nhưng lại nằm ở vị trí quái ác trung thất, muốn phẫu thuật được phải truyền hóa chất để u nhỏ lại. Tuy nhiên sau khi truyền 3 mũi hóa chất gần 100 triệu nhưng bác không hợp thuốc, nên đành phải chuyển sang xạ trị.
"Khi mới phát hiện cô rất sốc, cả đời vất vả đến bây giờ mới được nghỉ ngơi an nhàn bên các cháu thì mắc bệnh như thế này, nghĩ cũng buồn, tủi thân nhưng rồi cũng phải tự động viên mình. Cố gắng lấy lại tinh thần, chăm sóc chú thật tốt để chú có đủ sức chiến đấu với bệnh tật.
Thời gian đầu vô cùng khó khăn. Suy nghĩ nhiều về bệnh tật của chú, rồi phải sinh sống trong không gian chật hẹp này... cô liên tục bị đau đầu nhưng rồi dần dần cố gắng thích nghi, suy nghĩ tích cực hơn, mọi thứ bây giờ đã ổn định hơn" - cô Nguyễn Thị Lý, vợ bác Thính chia sẻ.
Vào viện chứng kiến những đứa bé chỉ mấy tháng tuổi còn kiên cường chiến đấu thì huống gì mình ngần nấy tuổi rồi không kiên cường. Rồi bác kể, 'nhiều hoàn cảnh thương tâm lắm. Hôm trước lúc đi chụp xạ hình xương bác gặp 2 đứa bé người dân tộc, hỏi mới biết bố mẹ bé không biết tiếng phổ thông nên nhờ người cháu họ đi chăm con. Hai đứa nhỏ đến viện lơ ngơ chẳng biết gì, ai hỏi gì trả lời đó rất thật thà, thương quá bác cho ít tiền nhưng đứa bé không nhận. Bác phải dặn dò 'bác cho em, em muốn ăn gì thì mua giúp rồi nó mới nhận".
Cũng cách đây mấy tháng, gia đình bác có đứa cháu mới 22 tuổi, vừa đi nghĩa vụ về, tương lai đang sán lạn thế mà… Nó phát hiện cổ ngày càng to, nuốt khó, đi khám thì ung thư đã di căn khắp nơi không thể cứu chữa, những ngày cuối đời bệnh tật hành hạ, tuy đau đớn nhưng vẫn âm thầm chịu đựng, không một lời kêu thán để người mẹ yên tâm.
"Những đứa bé còn kiên cường như vậy huống gì mình là một ông già, mọi hỉ nộ ái ố cuộc đời đều trải qua vậy hà cớ gì mình phải đau buồn, gây thêm phiền não cho người thân" - bác Thính nói.
Chứng kiến những hoàn cảnh này mới thấy mình còn sướng hơn rất nhiều người. Bởi vậy mỗi ngày trôi qua bác đều suy nghĩ tích cực, lạc quan hơn, làm nhiều việc thiện hơn trong điều kiện cho phép để tích thêm phúc đức cho con cháu. Còn mệnh mình đã cố gắng hết sức, đến đâu được hay đến đó".
Nói vậy, nhưng cuối câu chuyện giọng bác trầm buồn, "những người cùng vào đợt điều trị với bác đã khỏi, nhưng bác vẫn chưa thấy tiến triển gì".
Bên ngoài mạnh mẽ là như vậy nhưng sâu thẳm trong lòng bác vẫn luôn chất chứa nỗi buồn, nỗi lo về bệnh tật. Chẳng qua sự mạnh mẽ bên ngoài là để che lấp sự mềm yếu bên trong và để những người thân cảm thấy yên tâm hơn.
Gian nan hành trình tìm bệnh
Khi ra về, chúng tôi bắt gặp chị Nguyễn Thị Thu (41 tuổi, người Nam Định) đang đứng ngoài ban công. Lại gần thăm hỏi, chị cho biết đang nghĩ đến ca bệnh sáng nay, em bé mới 8 tháng tuổi, u nằm sâu trong não không thể làm gì được, bệnh viện trả về. Con còn quá non nớt, là mẹ của 3 đứa con cứ nghĩ đến là nước mắt chị không ngừng rơi. Rồi nghĩ đến các con…
"Rồi đây khi chị không còn nữa các con sẽ ra sao?. Chị bị u phổi đã di căn lên não, xương... cơ hội sống gần như...", giọng chị nhát ngừng.
Sau một hồi ổn định cảm xúc, chị kể về quãng thời gian tìm bệnh gian nan của mình. Khoảng tháng 2 năm ngoái, cứ thấy đau nhức nhiều từ hông xuống, chị đi khám tại một phòng khám tư rồi vào viện địa phương đều được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm. Sau đó là chuỗi ngày chữa thoát vị.
Uống thuốc Tây không đỡ chị lại đi châm cứu, rồi mua thuốc Nam đắp nhưng cứ đỡ một thời gian thì cơn đau lại hành hạ. Lo lắng anh chị lại khăn gói lên Hà Nội thăm khám, nhưng cũng được chẩn đoán viêm phổi và thoát vị địa đệm rồi cho thuốc về uống.
Tuy nhiên đến khoảng cuối năm, những cơn ho nhiều hơn, lại vướng dịch dã nên kế hoạch thăm khám hoãn lại. Dự định ra đầu năm đi khám thì chị lại nhiễm COVID-19, sau đó là ho càng dự dội hơn. Chị lại đi khám phổi và vẫn là chẩn đoán viêm phổi rồi lại uống thuốc thêm một tháng nhưng tình trạng vẫn không đỡ, rồi lại đi khám, người kỹ thuật viên sau khi xem phim chụp phổi của chị khuyên lên Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Anh chị lại dắt díu nhau lên BV Nội tiết Trung ương để khám, sau khi xem phim chụp phổi từ năm trước, các bác sĩ yêu cầu chị phải nhập viện ngay. Sau đó là tin dữ đến với gia đình… K phổi di căn lên não, di căn xuống xương, di căn lên thực quản…
Vị trí trí u của chị ở trung thất rất khó cắt bỏ, không xạ được, chỉ truyền hóa chất. Nhập viện từ 23/3 đến nay, mới truyền hóa chất được 14 ngày tóc đã rụng gần hết, nói rồi chị đưa tay vuốt lên mái tóc chỉ còn vài sợi lơ thơ.
Chị cho biết vừa trải qua ca mổ não cách đây ít ngày chi phí hết 40 triệu nhưng có BHYT thanh toán nên chỉ phải đóng 18 triệu. "Hơn một tháng nằm viện đã tiêu tốn hơn 40 triệu. Hai vợ chồng làm công nhân, nhà lại 3 đứa con nhỏ, thêm bố mẹ già đã ngoài 80, bao năm làm lụng vất vả có ít đồng tiết kiệm, bệnh tật thế này coi như là hết…" - giọng chị trầm buồn.
"Suốt thời gian qua nội tâm chị đấu tranh dữ dội. Không biết cứ kéo dài thế này, liệu có tiền để chữa không? Chữa trị tốn kém thế này rồi sẽ sống được bao lâu, lại mang nợ cho gia đình? Nhưng không chạy chữa chắc chắn thời gian sống sẽ ngắn hơn, nhưng mình còn muốn ở với các con thêm nhiều thời gian nữa…". Câu chuyện nhát ngừng bởi cơn xúc động của chị. Nghe những lời tâm sự của chị chúng tôi cũng không cầm được nước mắt… quá đau xót.
Qua cơn xúc động, chị tiếp tục kể, bệnh này không có bảo hiểm thì chịu chết. Nhiều gia đình bán hết gia sản, vay mượn để chạy chữa cho con nhưng cũng không được. Nhiều đứa trẻ tay còn cắm dịch truyền vẫn nô đùa hồn nhiên, mình nhìn còn xót xa huống gì bố mẹ chúng.
Khi mới vào viện, nằm ở khoa thần kinh 7 ngày, nhưng có 5 người trả về, trong đó có 2 trẻ em một đứa 8 tháng, một đứa 6 tuổi, u nằm sâu trong não không mổ được như ca bệnh sáng nay. "Thôi thì mình đã bốn mấy, như vậy cũng may mắn hơn nhiều người", chị tặc lưỡi.
Rời khỏ khu nhà trọ, trong lòng chúng tôi vẫn ngổn ngang suy nghĩ, không biết sắp tới cuộc sống của những người bệnh nơi đây sẽ thế nào, liệu họ có đủ sức khỏe, đủ kiên cường và đủ tài chính để theo đuổi hết liệu trình điều trị. Hy vọng sắp tới điều kỳ diệu xảy ra, sẽ có một khu ký túc xá dành cho người bệnh ung thư được mọc lên nơi đây, giúp những người bệnh nghèo khổ lam lũ có một không gian rộng rãi thoáng đãng hơn cho quãng ngày chiến đấu với bệnh tật đầy đau đớn.