Việt Nam là một trong những quốc gia có nghề gốm xuất hiện khá sớm. Theo các tài liệu cổ, gốm đã xuất hiện ở Việt Nam một vạn năm trước đây. Sản phẩm gốm của Việt Nam từ lâu đã là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao và còn là một mặt hàng lưu niệm không thể thiếu đối với nhiều du khách gần xa. Nhưng đó chỉ là “bề nổi” của gốm xứ Việt...
Từ lịch sử ngàn năm
Thành Thăng Long xưa vốn là một mảnh đất có nền văn hóa lâu đời. Một trong số những làng nghề thủ công mỹ nghệ lâu đời còn duy trì và phát triển được đến nay là làng gốm Bát Tràng. Trước kia, các sản phẩm của Bát Tràng được sử dụng để tiến vua trong xã hội phong kiến. Để tạo nên một sản phẩm gốm Bát Tràng thì những người thợ nơi đây phải rất tỉ mỉ từ khâu lựa chọn nguyên liệu, công thức pha trộn đất cho đến thời gian và nhiệt độ nung gốm đều theo một tiêu chuẩn nhất định mà người Bát Tràng đặt ra từ nhiều năm nay. Đặc biệt hơn, toàn bộ họa tiết trên các sản phẩm đều được làm nên từ chính bàn tay của những người thợ Bát Tràng.
Gốm Việt vốn tinh tế và được gìn giữ, kế thừa qua nhiều thế kỷ.
Một thương hiệu nổi tiếng không kém Bát Tràng chính là gốm Chu Đậu. Lịch sử của nghề làm gốm Chu Đậu được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ XIII - XIV, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV - XVI. Sau hơn 500 năm thất truyền, giờ đây, thương hiệu gốm Chu Đậu lại lẫy lừng trong và ngoài nước bởi những giá trị đỉnh cao về chất liệu và nghệ thuật. Trong thời buổi mà có vô vàn những sản phẩm cùng loại trên thị trường luôn sẵn sàng cạnh tranh nhau thì gốm Chu Đậu vẫn sừng sững, ngày càng vươn cao trong “rừng” hàng hóa, sản phẩm đó.
Gốm Chu Đậu làm hoàn toàn bằng thủ công, được tạo nên trực tiếp bởi bàn tay của những nghệ nhân. Trên mỗi sản phẩm, các hình vẽ chỉ độc một màu: màu lam hoặc màu nâu; được những người thợ giỏi vẽ thủ công thể hiện bằng tất cả nỗi niềm, tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của họ trong đó. Khi sản phẩm gốm Chu Đậu ra lò, gốm có màu men hơi vàng ngà ngà của trấu và có độ sâu; đặc biệt có những vết rạn vệt xoắn, hình đồng tiền cổ, khác hẳn với những vết rạn thông thường như rạn chân chim, hạt ngô, hạt đá; khi gõ vào những chiếc bình, phát ra tiếng kêu bong bong.
Và cuộc cạnh tranh khốc liệt thời đại mới
Trong nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gốm sứ luôn đứng đầu. Tuy nhiên, gốm đang đứng trước thách thức lớn. Đối với những doanh nghiệp làm hàng gốm sứ xuất khẩu, ngoài sự biến động của giá nhiên liệu thường xuyên tăng cao thì sự cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh ngày càng trở nên quyết liệt... Có thể nói, gốm sứ Việt Nam đang phải đối mặt với cạnh tranh toàn cầu.
Gốm sứ của ta tuy xuất sang nhiều quốc gia nhưng tổng giá trị chưa lớn, trong khi đó còn đang cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm đến từ Trung Quốc, Mexico, Thái Lan, Ấn Độ...
Thế lực mạnh cạnh tranh của gốm nước ngoài là giá rẻ. Với giá rẻ, gốm sứ Trung Quốc đã chi phối các kênh phân phối tại các nước phát triển. Một điển hình là gốm sứ dành cho các khách sạn ở Mỹ trước đây được xem là "lãnh địa" của các hãng gốm sứ EU nhưng chỉ trong 10 năm trở lại đây, các sản phẩm chi phí thấp của Trung Quốc đã thống trị thị trường này, góp phần làm phá sản ngành gốm sứ mỹ nghệ ở nhiều quốc gia không chỉ ở EU mà cả ở Mỹ. Bên cạnh đó, điểm yếu cần khắc phục là hầu hết các doanh nghiệp gốm sứ Việt có quy mô vừa và nhỏ chưa nắm bắt kịp thời các nhu cầu của thị trường, chưa quan tâm đến các dịch vụ hỗ trợ, định vị sản phẩm, xây dựng thương hiệu trên thương trường quốc tế để tăng năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Suy cho cùng, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì ưu thế của Việt Nam là có các làng gốm sứ nổi tiếng, sản phẩm khác biệt, kỹ thuật chế tác tinh xảo mà máy móc không thể thay thế được. Vì vậy, phát triển ngành gốm sứ bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự khác biệt về tính quý hiếm, mang bản sắc văn hoá bản địa và làm hài lòng khách hàng là nguyên tắc sống còn hiện nay của gốm sứ, nhất là gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam.