GS.TS Tạ Thành Văn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống liên quan đến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nội dung "Chuyển giao các BV thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về TP Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; BV hạng đặc biệt; BV của các trường đại học Y".
Khó hỗ trợ các tỉnh về chuyên môn ở tầm quốc gia
Theo phân tích của GS.TS Tạ Thành Văn ở Việt Nam, các BV chuyên khoa, đầu ngành bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho nhân dân cả nước, còn được Bộ Y tế giao nhiều nhiệm vụ quan trọng: Đào tạo, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế, cập nhật các kỹ thuật hiện đại của thế giới, hỗ trợ các địa phương trong dịch bệnh, thảm hoạ… Các cơ sở y tế này đã phát huy vai trò chủ đạo, tính dẫn dắt về chuyên môn, khoa học công nghệ y tế, chỉ đạo tuyến đối với toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam.
Điển hình, trong thời gian chống dịch COVID-19 hay khi xảy ra các thảm hoạ, thiên tai, Bộ Y tế đã chủ động điều động kịp thời các cơ sở y tế trực thuộc Bộ chi viện cho các địa phương trong cả nước. Hay các trường hợp như vụ cầu treo Chu Va (Lai Châu), các vụ ngộ độc thực phẩm đông người ở Hà Giang, Lai Châu, Quảng Nam… các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế đã thể hiện rõ vai trò tiên phong này.
"Với vai trò quan trọng như vậy, nếu các BV Trung ương trên địa bàn chuyển về TP Hà Nội quản lý, sẽ rất khó cho công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các tỉnh về chuyên môn ở tầm quốc gia. Do đó, sẽ tác động đến hệ thống y tế của toàn quốc"- GS.TS Tạ Thành Văn nói.
Đồng thời, ông cũng bày tỏ thêm: Cho dù Hà Nội có chính sách đầu tư cho các cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội, thì những cơ sở này cũng khó có thể cạnh tranh được với các BV Trung ương đóng trên địa bàn như hiện tại.
Mô hình Bộ Y tế quản lý các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành đã và đang phát huy đặc biệt hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Bày tỏ quan điểm, GS.TS Tạ Thành Văn cho hay, về cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Thủ đô, nhất là những sửa đổi tập trung vào cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và có trọng tâm, trọng điểm.
Tuy nhiên với nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi về việc "Chuyển giao các BV thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về TP Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; BV hạng đặc biệt; BV của các trường đại học Y", hiện đang có một số quan điểm không đồng nhất, do xuất phát từ các góc nhìn khác nhau.
GS.TS Tạ Thành Văn đưa ra một số thực tiễn trên thế giới và đề xuất nên điều chỉnh lại quy định này cho phù hợp và để khách quan:
Thứ nhất, ở hầu hết các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp..., BV trực thuộc các Trường Đại học Y - nơi có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và công tác khám, chữa bệnh - bao giờ cũng là BV hiện đại nhất, to nhất và uy tín nhất.
Do vậy, cần phải đặt các Trường Đại học Y trên địa bàn là ưu tiên số 1, vì các BV thực hành này của các Trường Đại học Y sẽ là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ y tế trình độ cao, ứng dụng và chuyển giao công nghệ y tế mới cho không chỉ Hà Nội, mà cho toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam.
Thứ hai, Bộ Y tế và các bộ khác (Bộ Xây dựng, Bộ Bưu chính viễn thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải) có chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên môn nên ở các nước, không phổ biến việc duy trì các BV trực thuộc các bộ. Trên thế giới thường chỉ phân định hệ thống y tế công lập và ngoài công lập.
"Tuy nhiên, muốn làm như thế giới, cần phải có đánh giá khoa học về mô hình hiện tại, xem có gì hạn chế, cần khắc phục hay cần khuyến khích. Với thực tiễn ở Việt Nam có nhiều khác biệt với các nước về trình độ phát triển, văn hoá, xã hội, nên chúng ta đang thực hiện mô hình Bộ Y tế quản lý các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành và mô hình này đã và đang phát huy đặc biệt hiệu quả công tác CSSK nhân dân"- GS.TS Tạ Thành Văn nói.
GS.TS Tạ Thành Văn cũng cho rằng: Hà Nội cần có các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì TP mặc nhiên được hưởng nguồn nhân lực chất lượng cao nhất của đất nước, thuộc các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có y tế. Hà Nội cần ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao thuộc các BV, Trường đại học Y - Dược trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn.
Điều này đặc biệt quan trọng, bởi riêng Hà Nội mới có sự ưu đãi đặc biệt này. Dù là cơ sở y tế hay trường đại học nào trực thuộc Trung ương, nhưng một khi ở trên địa bàn Hà Nội, thì đối tượng phục vụ trước hết vẫn là người dân Hà Nội.
Hà Nội cần phải ban hành các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của 3 lĩnh vực: cơ sở y tế trực thuộc trung ương/Trường Đại học Y-Dược; cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội và cơ sở y tế tư nhân trong chiến lược chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn thủ đô. Sự phân bố các cơ sở y tế phải gắn liền với quy hoạch mạng lưới đô thị, thành phố vệ tinh và các khu dân cư đông người.