Nói đến làng tranh sơn mài Hạ Thái, thuộc xã Duyên Thái, Thanh Trì, Hà Nội là người ta hình dung ra một màu son và vàng quỳ mỏng như tơ lụa dát trên những đóa sen gỗ, hay tượng Phật bày trên bàn thờ. Một làng nghề sơn son thếp vàng gìn giữ tới hơn 200 năm và phát triển quả là một kỳ tích trước nền kinh tế thị trường khắc nghiệt hiện nay. Ðứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, không ít doanh nghiệp trong làng đã bị choáng váng và có nhiều nguy cơ chết lịm, nhưng lại có những công ty vẫn gắng gượng trỗi dậy, quyết giữ lấy cái nghề của làng và chờ cơ hội bứt phá.
Một thuở làng tranh
Nghe tiếng nghệ nhân Đỗ Văn Thuân từ hơn mười năm nay, ông có tài phân tích những vấn đề nổi cộm và gay go nhất trước những khó khăn của làng nghề và đều có cách tháo gỡ một cách nhanh chóng. Chính vì khả năng xoay chuyển linh hoạt, Công ty Mỹ Thái do ông làm Giám đốc và các xí nghiệp của 5 người con ông, hiện vẫn có những hợp đồng đặt hàng.
Khi tôi tới nơi, đúng lúc ông đang bận đi kiểm tra lại kiện hàng chuẩn bị xuất đi Mỹ. Ông cho người mời tôi xuống thẳng phân xưởng và tranh thủ xem những mặt hàng mới đang được tiếp thị. Ở đó đã có hai người khách nước ngoài đang xem hàng. Trong lúc chờ ông, tôi dạo quanh gian trưng bày hàng của công ty. Ngay lập tức, tôi bị thu hút vào một bức tranh sơn mài, nổi bật trong hai màu xanh trắng. Đó là những bông hoa rau muống phơn phớt tím, còn rớt những hạt nước trong veo xuống mặt hồ. Những bông hoa ấy đã níu giữ hồn tôi, với nét chân quê tưởng như đã bị quên lãng trong nhịp sống hiện đại. Một cảm xúc của sự quay về. Những bông hoa dịu dàng kín đáo đã làm lòng người thanh thản. Tôi đứng như chôn chân trước những bông hoa rau muống. Đúng lúc đó nghệ nhân Thuân đi tới. Ông cười và nói chuyện với tôi về bức tranh sơn mài này.
Biết bao ký ức tràn về. Đó là những ngày ông còn bé, mải mê theo chân những người thợ làng học nghề, nhưng phải mất tới mấy năm chỉ pha trà, châm điếu cho những người thợ cả và không hề được một đồng tiền công của hợp tác xã. Ngày mỗi ngày, cậu bé Thuân chỉ nhìn thợ làm, ai sai gì làm nấy. Nhưng bằng sự cảm quan và ghi nhớ từng việc nhỏ như cách căng vải màn làm vóc, hay cách ngồi để mài sơn thế nào cho đỡ mỏi, cho đến việc lớn như pha sơn hay cách vẽ mang chất thủy mặc bay bổng, gợi cảm rồi cách phơi tranh ra sao, vào thời điểm nào... Thế rồi, cậu bé Thuân âm thầm tập vẽ trong những đêm trăng và chìm đắm với những giấc mơ về chim muông hoa lá. Rồi có lần tình cờ vẽ trên mẫu tranh thử việc, Thuân đã làm các thầy nghề ngạc nhiên qua những hình vẽ không những đẹp và còn có tình nữa. Thế là từ đó Thuân được nhấc lên thành thợ vẽ, vừa học vừa làm và bắt đầu nhận đồng lương đầu tiên. Bức tranh Hoa rau muống ra đời trong những năm tháng đầy khao khát.
Mấy năm sau, Thuân được cử đi học vẽ tại Trường công nghệ tỉnh Hà Tây trong một năm, trở thành Quản đốc của xưởng vẽ và hai phân xưởng kỹ thuật sơn với hàng trăm thợ. Mọi công việc lúc đó phát triển như diều gặp gió. Hàng làm không kịp đáp ứng cho khách. Nhất là những đơn hàng của nước ngoài đã làm nhịp độ sản xuất của hợp tác xã càng thêm sôi động. Quản đốc Đỗ Văn Thuân lúc đó như một người chèo lái con tàu Hạ Thái cứ băng băng thẳng tiến. Nhưng rồi, thịnh đấy mà suy đấy, thời kỳ khủng hoảng kinh tế Đông Âu từ 1984 - 1990 đã làm hợp tác xã tan rã. Ông Thuân khi đó cũng như bao người thợ khác đều phải quay về làm ruộng...
Ông Thuân bỗng lặng đi khi nhắc lại thời khắc cam go đó, rồi khoát tay chỉ cho tôi nhìn những kiện hàng sẽ xuất đi ngày mai, ý nói ông đã vượt qua cái đận khốn đốn ấy như thế nào. Vậy mà đã 20 năm trôi qua, làng nghề phục hồi, ông lập doanh nghiệp, rồi còn giúp cho 5 người con, mỗi người làm chủ một công ty riêng.
Câu chuyện phiêu dạt mãi, rồi lại trở về bên bức tranh Hoa rau muống quê mùa. Ông ước dựng nghiệp cho dòng tranh sơn mài đúng với nghĩa là sản phẩm của làng Hạ Thái, chứ không chỉ làm hàng theo những hợp đồng kinh tế. Ông nhìn bức tranh Hoa rau muống mà nhớ, mà mong một ngày mỗi bức tranh đều có gắn hai chữ Hạ Thái. Ông kể, một thời rất nhiều họa sĩ đã về làng nghiên cứu kỹ thuật sơn mài để ứng dụng vào tạo dựng những hình tượng trong tranh với vẻ đẹp kỳ ảo của hình loại này.
Nghệ nhân Đỗ Văn Thuân kiểm tra hàng. |
Sống động một dòng tranh sơn mài Việt Nam
Hình như bao ao ước về sự phát triển nghề của làng, ông Thuân dồn cảm xúc cho những bức tranh đồng quê. Ông say sưa nói về bức tranh sơn mài Dọc mùng, vẽ năm 1939 của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, người đã từng theo học nghề sơn mài qua nghệ nhân Đình Văn Thành, một người con của làng Hạ Thái. Như một sự tình cờ, bức Hoa rau muống của nghệ nhân Đỗ Văn Thuân đã được vẽ 20 năm sau đó, như một sự gửi gắm tình cảm thương yêu quê hương, cái rau cái bèo gắn bó với những mảnh đời người nông dân chân lấm tay bùn.
Cùng danh họa Nguyễn Gia Trí, còn nhiều họa sĩ khác cũng tìm đến tranh sơn mài như một sự khám phá mới lạ. Đó là Tát nước đồng chiêm của Trần Văn Cẩn, hay Nhớ một chiều Tây Bắc của Phan Kế An, hoặc Nhà tranh gốc mít, tác giả Nguyễn Văn Tỵ và đặc biệt không ai có thể quên bức Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của danh họa Nguyễn Sáng...
Riêng danh họa Nguyễn Gia Trí còn có một số tranh vẽ về đề tài Hà Nội rất độc đáo. Mỗi hình tượng mà ông dựng lên trong tác phẩm đều lung linh và chuyển động trong sắc vờn, cùng ánh sáng huyền ảo của kỹ thuật sơn mài, đến độ trong veo. Đó là những tác phẩm Thiếu nữ bên Hồ Gươm, Thiếu nữ bên hồ Sen, Thiếu nữ với mùa xuân, Ai mua rươi ra mua. Có thể nói Nguyễn Gia Trí, một người con của Hà Nội là người khai phá và là con chim đầu đàn dòng tranh sơn mài Việt Nam. Sau này còn có những họa sĩ tài danh khác cũng theo đuổi niềm say mê sáng tạo nghệ thuật qua dòng tranh này như Phùng Dzy Thuần, Nguyễn Kim Đồng, Hoàng Đình Tài, Phạm Chính Trung, Thành Chương...
Hiện nay, không ít họa sĩ trẻ cũng thử sức mình với sơn mài, với những khát khao tỏa sáng trong sắc độ lung linh và sâu thẳm của nó. Mới đây, triển lãm tranh Sơn ta của những họa sĩ trẻ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật, vào tuần đầu tháng 7/2013 đã nói lên điều đó. Đặc biệt, nữ họa sĩ duy nhất trong nhóm là Đặng Phương Thảo đã thể hiện tài năng của mình qua hình tượng của cây cọ, hoa chuối và con thuyền, tạo nên một ấn tượng dịu dàng đằm thắm, đậm chất sơn mài. Chị có quan niệm, tranh sơn mài có sức ám ảnh kỳ lạ, là miền đất sáng tạo vô cùng phong phú và bất tận cho bất kể họa sĩ nào. Nhất là những họa sĩ trẻ, khi đã làm quen với sơn mài thì khó mà dứt ra được vì sự vô cùng của nó. Vậy tương lai của dòng tranh sơn mài hẳn đã được xác định? Kể từ những năm 1930 đến nay, bắt đầu là danh họa Nguyễn Gia Trí trở về làng Hạ Thái, đến ước mơ của nghệ nhân Đỗ Văn Thuân, liệu thị trường tranh có hồ hởi chấp nhận chất liệu sơn ta mang thương hiệu Việt Nam?
Thị trường tranh “Sơn ta” ư? Khó!
Tôi giật mình khi nghe chính nghệ nhân Đỗ Văn Thuân nói ra những lời này. Ước mơ là niềm khao khát trong ông, nhưng nói về kinh tế hay sự thực dụng, quả là có vấn đề của dòng tranh sơn mài theo phương thức hành nghề truyền thống. Nghĩa là ông nói, để hoàn thành một bức tranh sơn mài mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, hiện một nền công nghệ sơn mới và đặc biệt sơn Nhật đang tấn công dữ dội vào thị trường, làm lung lay những hoài bão sáng tạo của nhiều họa sĩ khi muốn theo đuổi dòng tranh này. Nói đến tranh sơn ta là nói đến sự kiên nhẫn và sự bất ngờ do kỹ thuật mài tạo nên. Nó lạ và cao sang, nhưng khó hòa nhập thị trường.
Ông Thuân nhấn mạnh, theo phương pháp mài hàng chục lớp sơn của các cụ xưa, thì phải mất vài tháng mới có thể hoàn thành một bức tranh khổ 80 x 80 (cm), nên giá thành rất cao, khó bán. Hơn nữa, tranh sơn ta lại luôn luôn bị biến dạng chất liệu trong môi trường điều hòa khô lạnh. Chính vì điều này, thị trường người tiêu dùng, nhất là khách hàng phương Tây đòi hỏi, công ty ông đã phải áp dụng công nghệ mới, với sự ứng dụng sơn Nhật. Hàng vẫn bóng đẹp, chóng khô, công mài ít và không biến dạng ở mọi thời tiết. Tranh sơn mài rởm tràn ngập khắp nơi là vì thế. Thị trường mà. Miếng cơm manh áo thật khó cưỡng với những cái gọi là “nhanh - nhiều - tốt - rẻ”. Còn nghệ thuật ư? Vẫn là niềm hy vọng. Biết sao được...
Vậy đó, nghệ nhân Đỗ Văn Thuân ngoái lại bức tranh Hoa rau muống của một thời vàng son sơn ta mà ước mong, sao cho đến một ngày con cháu chỉ vẽ tranh sơn mài thực thụ, mang thương hiệu Hạ Thái làng mình. Liệu ngày đó có còn xa...?
Bài và ảnh: Anh Duy