Chuyện bây giờ mới kể

26-12-2014 7:00 AM | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Mới đây, Nhà xuất bản Trẻ TP. Hồ Chí Minh vừa ấn hành cuốn Cuộc đối đầu không cân sức của Trung tướng Phan Thu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng...

Mới đây, Nhà xuất bản Trẻ TP. Hồ Chí Minh vừa ấn hành cuốn Cuộc đối đầu không cân sức của Trung tướng Phan Thu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Đội trưởng Đội nhiễu đầu tiên thuộc Quân chủng Phòng không - không quân QĐNDVN... Đây là một cuốn bút ký với nhiều chi tiết bất ngờ, thú vị...

Bìa cuốn "Cuộc đối đầu không cân sức".

Bìa cuốn "Cuộc đối đầu không cân sức".

Trung tướng Phan Thu năm nay 83 tuổi, còn khỏe mạnh, minh mẫn, sách do ông tự viết dựa vào trí nhớ cùng các tư liệu ghi chép ngày đó ông còn lưu giữ đầy đủ, cẩn thận. Nội dung gồm 12 chương, mỗi chương có những đề mục nhỏ kể nhiều sự kiện mà tác giả là người trong cuộc, kèm theo ảnh, sơ đồ, bảng biểu minh họa cụ thể. Ông gọi cuốn sách là “bút ký” mà không gọi hồi ký hay ký sự lịch sử và lý do để cuốn sách ra đời là vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Mỹ phát động chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam (5/8/1964 - 5/8/2014). Để “cẩn thận” về công bố tư liệu, sự kiện, ông đã đề nghị Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-không quân đọc trước bản thảo và viết lời giới thiệu.

42 năm trôi qua kể từ trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm đánh B52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội, đã có rất nhiều bài viết, hồi ký của các tướng lĩnh từng trực tiếp tham gia trận đánh lịch sử kể lại cội nguồn của chiến công sáng chói ngày đó. Song do nhiều nguyên nhân, nhất là việc trong thời gian khá dài cần giữ “bí mật quân sự” mà đến tận hôm nay vẫn chưa nói hết, nói đầy đủ vì sao trong cuộc đối đầu không cân sức này quân dân ta lại là người chiến thắng?

Điều hệ trọng nhất trong cuộc chiến tranh điện tử là phá nhiễu địch và nhận diện được “con át chủ bài” cùng các “lâu la” hộ vệ xung quanh trên màn hình ra-đa, mà chủ yếu là ra-đa tên lửa SAM-2. Cách kể chuyện khá dí dỏm, sinh động với các đề mục: Gậy ông đập lưng ông; “Anh chàng cổ lỗ sĩ” vạch mặt B52; Châu chấu đá lòi ruột voi…, tác giả đã cho người đọc rộng rãi hiểu sự việc dù đó là một chuyên môn khá xa lạ, phức tạp cùng các “bí mật quân sự” để dẫn đến chiến thắng.

Trong cuốn bút ký cũng có nhiều chi tiết lần đầu tiên được công bố. Chẳng hạn, vào cuối năm 1967, tổ Nhiễu được thành lập do Thượng úy Phan Thu làm tổ trưởng, khi vào Quân khu 4 trinh sát nhiễu, nhận được điện từ Bộ Tư lệnh là đặt đài quan sát tại Cà Ròn (Quảng Bình), tìm trên bản đồ không thấy địa danh này, lại nhầm tưởng đó là mũi Ròn cũng thuộc Quảng Bình. Chính sự nhầm ấy lại dẫn đến việc từ vị trí mới nhận diện rõ hơn nơi xuất phát nhiễu của địch. Hay một chuyện thú vị khác. Ngay sau khi trận Điện Biên Phủ trên không kết thúc, tác giả cùng cán bộ Cục Tình báo quân đội đến khai thác cung giặc lái bị bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), khi hỏi viên trung tá phụ trách trinh sát điện tử trong tổ lái B52, có bắt được sóng 3cm từ loại ra-đa ở mặt đất  không thì hắn nói là có, nhưng không quan tâm vì đó là loại ra-đa của pháo cao xạ không thể với tới độ cao bay của B52 được…     

Phạm Quang Đẩu

 

 

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH