"Thời gian 3 năm không phải là dài nhưng cũng không quá ngắn, đủ để một thầy thuốc có thể làm gì đó cho bà con vùng cao", bác sĩ Nguyễn Tiến Tùng nhớ lại ngày đầu đăng ký tham gia Đề án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác vùng khó khăn của Bộ Y tế.
Dù tháng 5/2020 mới chính thức nhận quyết định lên công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La, tỉnh Sơn La thế nhưng bác sĩ Tùng đã xin lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai lên trước 2 tháng để làm quen. Ban đầu đến cơ sở y tế tuyến huyện còn đầy thiếu thốn, vất vả cùng với tập quán riêng của bà con vùng phên dậu đã khiến bác sĩ sinh năm 1993 ở TP Hà Nội không khỏi bối rối.
"Bà con đến khám bệnh có nhiều người già không biết nói tiếng phổ thông, mình hoang mang lắm. Rồi những lần đi cơ sở khám bệnh mình phải nhờ một điều dưỡng đi cùng để phiên dịch. Bây giờ, nói thì chưa nói được nhiều nhưng nếu bà con miêu tả tình trạng bệnh là mình nghe, hiểu được hết rồi", bác sĩ Tùng cười hiền.
Vừa được bác sĩ Tùng thăm khám và tư vấn sức khỏe, bà Lò Thị Mai (dân tộc thiểu số La Ha) vui vẻ khoe: "Dù là cán bộ luân chuyển về đây công tác nhưng mấy năm nay bà con chúng tôi đã coi bác sĩ Tùng như con cháu trong nhà. Cậu ấy là chỗ dựa vững chắc mỗi khi trái gió, trở trời của bà con chúng tôi".
Hầu hết bệnh nhân ở đây là đồng bào các dân tộc H'Mông, Thái, La Ha, Kháng… nhiều người chưa thông thạo tiếng phổ thông, hoàn cảnh khó khăn, cho nên khi đến bệnh viện họ trông cậy hoàn toàn vào bác sĩ. Hiểu được hoàn cảnh, bệnh tình của người bệnh cho nên mỗi lần thăm khám, bác sĩ Tùng đều căn dặn kỹ càng giờ uống thuốc, giờ tiêm và cách phòng, tránh các bệnh lây nhiễm. Đặc biệt là đợt bùng phát dịch COVID-19, cùng với chữa trị cho bệnh nhân, bác sĩ Tùng thường xuyên đi vào các bản làng để hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh bệnh.
Đến tháng 8/2021, khi TP Hồ Chí Minh bùng phát dịch COVID-19, bác sĩ Tùng đã đăng ký tên trong danh sách 30 cán bộ y tế của tỉnh Sơn La lên đường vào tâm dịch. Khi ấy, bác sĩ Nguyễn Tiến Tùng là cán bộ duy nhất không phải người Sơn La.
"Chúng tôi chịu trách nhiệm cấp cứu và điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân như một đơn vị y tế độc lập, trong đó chỉ có 10 bác sĩ. Áp lực công việc nhưng các y bác sĩ vẫn từng phút, từng giây nỗ lực giữ lại nhịp thở, sự sống cho bệnh nhân. Những lúc đó, điều duy nhất các y, bác sĩ có thể làm là thay phiên nhau nghỉ ngơi để có sức làm tiếp vì chúng tôi biết còn rất nhiều bệnh nhân cần được điều trị. Món quà lớn nhất với chúng tôi là bệnh nhân qua cơn nguy kịch, dần hồi phục và được xuất viện. Có những bệnh nhân đến tận bây giờ vẫn nhắn tin cảm ơn, chúc mừng bác sĩ những ngày lễ, Tết", anh Tùng nhớ lại.
Sáng thứ 2 hàng tuần, khi màn sương mù còn phủ kín những cung đường đèo vắt ngang sườn núi, sau khi sửa soạn đồ và tạm biệt cô con gái nhỏ, bác sĩ Nguyễn Thị Giáng Hương (SN 1975, Trưởng Trạm Y tế xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) lại lên chiếc xe máy, tiếp tục hành trình công tác.
Đều đặn 2 năm nay, kể từ khi được điều động về công tác tại xã vùng cao, biên giới Mường Và cũng là lúc nữ bác sĩ phải gửi cô con gái 8 tuổi về ở với ông bà ngoại ở huyện Mai Sơn. Mỗi chiều thứ 6, dù trời mưa gió, giá rét, sau khi hoàn thành công việc ở trạm, chị lại một mình vượt gần 150km để về thăm con.
"Nhiều khi nhớ con lắm, thắt cả ruột cả gan lại, nhưng vì công việc, vì nhiệm vụ, bà con họ cần mình, nên mình lại phải đi", chị Hương nói và cho biết, Mường Và là một xã vùng biên với gần 100% người dân tộc thiểu số, đời sống xã hội còn rất nhiều khó khăn…
Trưởng Trạm Y tế xã Mường Và tâm sự, do nhiều đồng bào dân tộc Mông chưa nhận thức được việc tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân nên khi ốm đau vẫn nhờ thầy cúng… Đây là những khó khăn mà đội ngũ cán bộ y tế cũng như bác sĩ Nguyễn Thị Giáng Hương đã phải mất nhiều năm để thay đổi.
"Cán bộ Trạm Y tế xã phải đến nhà đồng bào bị ốm kiểm tra, giải thích, động viên rồi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế khám và điều trị. Khi được điều trị khỏi bệnh, bà con tin rằng đến Trạm Y tế xã là họ sẽ được sống. Từ đó, mỗi khi đau ốm, người dân lại đến Trạm Y tế xã", bác sĩ Hương bộc bạch.
Gắn bó với xã Mường Và đã nhiều năm, bác sĩ Hương thuộc nằm lòng từng dãy núi cao, con suối sâu đến những thôn, bản nghèo nàn. Chị không nhớ nổi đôi chân của mình đã vượt qua bao nhiêu chặng đường gập ghềnh, nhưng vẫn luôn mong có đủ sức khỏe để tiếp tục hành trình chữa bệnh, cứu người. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác chăm sóc, khám chữa bệnh cho cộng đồng, nhiều năm qua, từ lãnh đạo xã, thôn bản cho đến từng người dân đều biết ơn, yêu quý bác sĩ Hương và coi chị như người con ưu tú của bản, làng.
Còn với bác sĩ Tòng Văn Phong, anh luôn cảm thấy may mắn vì được tham gia Dự án "Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn". Đây là cơ hội để anh trở về vùng lòng hồ Quỳnh Nhai chăm sóc sức khỏe cho người dân - Vùng đất anh sinh ra và lớn lên với muôn bàn khó khăn.
Nhiều người hỏi lý do sau khi học xong bác sĩ Chuyên khoa 1 – trường Đại học Y Hà Nội không ở lại Thủ đô công tác, chàng trai sinh năm 1989 tâm sự: "Tôi là người đồng bào, ăn khoai, ăn sắn mà lớn lên. Hơn ai hết, bản thân tôi thấu hiểu rõ những vất vả và hạn chế về việc chăm sóc sức khỏe của người dân vùng cao nơi đây. Mọi sự cố gắng của tôi cũng vì tâm nguyện muốn góp được một phần nhỏ bé cho quê hương, nơi mình đã chôn rau cắt rốn".
Nhớ lại những chuỗi ngày bám bản để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu khiến bác sĩ Phong không khỏi rùng mình. Thời điểm đó đang mở đường, giao thông đi lại khó khăn, phương tiện chủ yếu là vừa đi vừa dắt. Những ngày mưa, đường lầy lội, bùn đất sình lên ngập quá nửa bánh xe, đường trơn trượt, một bên là dốc đứng, đèo cao, một bên là vực sâu hun hút, chẳng may trượt chân là rơi xuống vực thẳm…
Tuy nhiên không vì vậy mà anh nản lòng. Có lẽ với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và cũng là một người dân tộc thiểu số, nên phần nào anh thấu hiểu được tâm lý người dân. Chính vì vậy, anh kiên trì, cố gắng từng ngày để thay đổi những quan niệm xưa cũ, lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống bà con vùng cao...
Kể về những kỷ niệm công tác, anh chia sẻ: "Mấy năm trước, có một bệnh nhân tại xã Mường Giôn, cách trung tâm huyện 30km bị u nang buồng trứng. Một phần do khoảng cách xa, đường đi lại khó khăn nên ngại không đi khám lại tưởng mình béo lên. Đến khi khối u rất to mới đi đến viện khám và được chỉ định mổ cấp cứu. Sau khi mổ lấy ra được khối u nặng 6,1kg.
Rồi đến năm 2021, khi đó thiết bị máy móc mổ nội soi mới được đưa về Quỳnh Nhai, có bệnh nhân tại xã lòng hồ Chiềng Bằng nhập viện cấp cứu trong tình trạng bụng đau dữ dội. Khi ấy tôi ấn điểm túi mật thấy đau và xác định phải thực hiện thủ thuật cắt túi mật.
Với những trường hợp này, trước đây toàn bộ phải chuyển lên tuyến trên để điều trị. Nhưng hiện nay có thể thực hiện ngay tại bệnh viện huyện, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại cho người dân".
Bác sĩ Dương Thị Huệ (SN 1982) - Trưởng Trạm Y tế xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp tỉnh Sơn La thì tâm sự: "Đây giống như quê hương thứ hai và bà con vùng cao là những người thân mà tôi có thể chăm sóc, chia sẻ những lúc ốm đau".
Ngày mới nhận công tác, đường đi ở đây chủ yếu còn là đường đất, nên phải đến mấy tháng, chị mới về nhà một lần. Chưa kể, mỗi tháng, vào ngày chủ nhật, chị vẫn phải đi đến các bản để tiêm chủng cho trẻ.
Xã Nậm Lạnh có 4 bản vùng cao, biên giới, bao gồm Nậm Lạnh, Hua Lạnh, Kéo Vai, Huổi Hịa. Bản xa nhất cách trung tâm xã đến gần 30km và đường đi hoàn toàn bằng đường đất.
"Đặc biệt, ở đây, bà con dân tộc Mông trong tuần chỉ có duy nhất chủ nhật họ ở nhà. Những ngày còn lại từ sáng đến tối muộn, họ đi làm nương. Chính vì thế, cứ trong tuần thì khám, chữa bệnh cho bà con, đến chủ nhật lại hành trình "cõng" vaccine hàng chục cây số đường rừng. Nhiều khi đến tận lán nương mà dân không đồng ý tiêm lại phải xách vaccine quay về. Cũng có lúc mệt quá mình hơi nản, nhưng yêu ngành yêu nghề nên cứ cố gắng thôi", chị Huệ nói.
"Ở trên này so với cuộc sống dưới kia thì vất vả hơn nhiều, nhưng ở đâu thì âu đấy, sống mãi rồi cũng quen. Mỗi lần mang vaccine đến tiêm tại các bản, cán bộ y tế sẽ kết hợp tuyên truyền để người dân hiểu rằng mỗi khi đau ốm, việc đầu tiên là cần đến trạm y tế. Đến nay, nhiều gia đình đã chủ động đưa con xuống trạm y tế xã để tiêm rồi đấy", bác sĩ Huệ kể vội câu chuyện với chúng tôi rồi lại chuẩn bị cho hành trình "cõng" vaccine ngược núi tháng tới.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Sơn La dùng từ "trái ngọt" khi nhắc đến dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác vùng khó khăn. Nhờ sự quan tâm của Bộ Y tế, nhiều bác sĩ các chuyên ngành Ngoại khoa; Chẩn đoán hình ảnh; Hồi sức cấp cứu, Nhi khoa; Nội khoa; Gây mê hồi sức; Nội soi… được dự án lựa chọn cử đi đào tạo và đã trở về các bệnh viện đa khoa tuyến huyện công tác. Nhờ vậy, chất lượng nhân lực y tế tuyến cơ sở từng bước được nâng cao và phát huy hiệu quả.
Với trình độ và sự nhiệt huyết với nghề, những bác sĩ như Nguyễn Thị Giáng Hương, Dương Thị Huệ, Tòng Văn Phong, Nguyễn Tiến Tùng… đã khám, chữa khỏi bệnh cho rất nhiều bà con, đồng bào dân tộc thiểu số. Rất nhiều ca bệnh khó đã được chữa trị ngay tại huyện mà không phải chuyển lên tuyến trên. Không những thế, các bác sĩ còn giúp thay đổi hẳn nhận thức của bà con về tiêm chủng phòng bệnh.