"A lô Mai Linh hả, chiều mai 27/2 tớ tổ chức sinh nhật mời cậu đến dự cho vui, buổi tối chúng mình đi xem phim nhé - ư hừm... chúc mừng sinh nhật cậu, nhưng tớ xin lỗi không tham dự được vì bận chút việc - việc gì vậy cho tớ biết được không- thì... mai là ngày 27/2 mà - nhưng là ngày gì? - như cậu đã biết, mẹ tớ là bác sĩ mà - thì làm sao - thì... 27/2 là Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày truyền thống của ngành y tế cậu không biết à - ừ thì tớ cũng có nghe láng máng, vậy mẹ cậu được nghỉ ở nhà hả - không mẹ tớ vẫn đi làm bình thường - vậy thì có gì đặc biệt đâu, ngày đi làm, tối về mẹ cậu bật tivi lên có thấy nhắc đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam là được rồi - không được đâu, năm ngoái cũng đến ngày này tớ thấy mẹ có vẻ không vui và suy tư nhiều, à mà hình như cậu cũng làm hồ sơ năm tới thi vào trường y đúng không - trước thì có, nhưng bây giờ tớ đổi ý rồi - sao vậy? - thì... điểm đầu vào cao, học khó, làm việc vất vả nhiều rủi ro, nhạy cảm... thôi thì chọn nghề nào là quyền của cậu, thôi nhé chúc cậu sinh nhật vui vẻ”.
Một ca cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Trần Minh
Tôi tình cờ nghe được nội dung cuộc điện thoại của cô con gái với bạn cùng học và cảm thấy thiếu tự tin không biết sẽ giải thích cho các con như thế nào về các hoạt động kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam và sẽ tổ chức như thế nào tại gia đình để giáo dục các con về nghề trị bệnh cứu người. Ngày nay lớp trẻ có thể hiểu rằng nghề y cũng như bao ngành nghề khác chỉ đơn thuần là cung cấp các dịch vụ y tế, đối tượng của ngành là những người sử dụng dịch vụ, là khách hàng, hai bên có quan hệ mua bán sòng phẳng. Cán bộ y tế phục vụ người bệnh là đương nhiên, là trách nhiệm của những người làm công ăn lương, nếu không làm hài lòng các khách hàng, các “thượng đế” sẵn sàng phản ứng thậm chí là hành hung thầy thuốc. Mối quan hệ Thầy thuốc - Người bệnh ngày càng trở nên thương mại hóa, thế hệ trẻ ngày càng quay lưng lại với ngành y - một nghề mà từ trước đến nay vẫn được coi là cao quý. Vậy thì kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam là việc của những người đồng nghiệp trong ngành y, của từng cơ sở y tế, tự động viên nhau cố gắng hoàn thành trách nhiệm.
Vẫn biết rằng nghề nghiệp nào mà chẳng có những đặc thù riêng, chỉ cần thiếu trách nhiệm một chút là có thể gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Thế nhưng, đối với ngành y là sinh mạng của một con người thậm chí là sức khỏe, sinh mạng của cả một cộng đồng.
Có lẽ, vì vậy mà từ trước tới nay cán bộ y tế vẫn được gọi là “thầy thuốc”. Nếu nhìn ra các nước trong khu vực hay trên thế giới ta có thể tự hào nhận thấy nền y học Việt Nam không thua kém bất cứ một quốc gia nào có cùng điều kiện và để có được điều đó phải kể đến những cống hiến, hy sinh thầm lặng của nhiều thế hệ thầy thuốc. Nhưng những truyền thống đó có được giữ vững và phát huy được hay không nếu chúng ta không tôn vinh, những thế hệ đi trước, những tấm gương “thầy thuốc như mẹ hiền”. Sự nghiệp y tế là của toàn dân. Sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể của các tổ chức xã hội, của các cấp chính quyền, sự chia sẻ, hợp tác của người bệnh luôn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành y tế đi lên trên con đường hội nhập và phát triển.
Vẫn biết rằng còn có những trường hợp quan hệ giữa cán bộ y tế và người bệnh chưa thực sự hiểu và thông cảm lẫn nhau dẫn đến những thắc mắc, giảm lòng tin của người bệnh, thậm chí một vài cơ sở y tế mắc phải sai phạm là những vấp váp trong quá trình phát triển đi lên của ngành y tế cần được khắc phục. Trong khó khăn vất vả người thầy thuốc, tôi luôn mong muốn nhận được sự động viên chia sẻ của cộng đồng xã hội và điều đó cũng góp phần để giáo dục thế hệ trẻ yêu ngành, yêu nghề biết hy sinh cống hiến cho sự nghiệp y tế.