Mỗi năm tôi đi khám sức khoẻ 2 lần, lần nào cũng chụp Xquang và siêu âm. Việc sử dụng nhiều kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác nhau như chụp Xquang, siêu âm, CT-scanner, MRI, DSA để chẩn đoán bệnh có gây hại cho sức khỏe không?
Hoàng Thị Thuý (Hưng Yên)
Máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh mới hiện nay được cải tiến rất nhiều, nhằm giảm tối thiểu ảnh hưởng của tia cho bệnh nhân nhưng vẫn đảm bảo giá trị chẩn đoán. Tia bức xạ chiếu vào cơ thể sau một thời gian sẽ chuyển hóa và thải ra ngoài qua da, nước tiểu, mồ hôi... Tùy theo liều chiếu cao hay thấp, lâu hay mau mà thời gian thải dài hay ngắn.
Phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) với mức từ trường cho phép trong y học hiện nay không làm thay đổi sinh học của cơ thể nên cũng an toàn. Siêu âm được ứng dụng từ mấy chục năm nay nhưng chưa ghi nhận có ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Chụp mạch máu bằng máy DSA, bệnh nhân phải chịu ảnh hưởng liều tia nhiều hơn, cao hơn do thời gian soi, chụp lâu hơn.
Với Xquang kỹ thuật số hầu như là an toàn, không gây vô sinh, đột biến gen ung thư. Do đó, 1 năm chụp phổi, cột sống... 1 - 2 lần (có chỉ định đúng của bác sĩ) thì không có hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, với máy chụp Xquang thế hệ cũ có thể không tốt lắm cho sức khỏe. Hoặc bệnh nhân ung thư phải xạ trị bằng một số máy xạ trị gia tốc... thì có ảnh hưởng nhất định đến các tế bào, các mô.
BS. Hoàng Văn Giang