Chụp cắt lớp võng mạc (OCT) là một phương pháp mới, hiệu quả trong việc chẩn đoán xác định bệnh lý võng mạc và gai thị. Bệnh viện mắt Trung ương đã ứng dụng kỹ thuật này cho hàng nghìn bệnh nhân, giúp họ tránh được nguy cơ mù lòa do các bệnh lý này gây ra.
Tầm quan trọng của võng mạc
Võng mạc bình thường (trái) và võng mạc ở trẻ đẻ non. |
Tính vượt trội của phương pháp chụp cắt lớp võng mạc
Chụp cắt lớp võng mạc ra đời không những khắc phục được một số nhược điểm của phương pháp khám lâm sàng hay siêu âm mà còn giúp các bác sĩ nhãn khoa chẩn đoán sớm, chính xác và theo dõi diễn biến bệnh trong suốt quá trình điều trị để có biện pháp điều trị thích hợp. BS. Hoàng Cương - Bệnh viện mắt Trung ương cho biết: chụp cắt lớp võng mạc có thể coi như một hình thức chụp CT scanner nhưng tỉ mỉ hơn, chính xác hơn, có thể nói là ở mức vi thể. Độ phân giải của OCT đạt mức 10 micron trong khi siêu âm B chỉ là 150 micron cho phép đánh giá sự thay đổi rất nhỏ trong các lớp cấu trúc võng mạc và gai thị. OCT sử dụng nguyên lý ánh sáng trong chẩn đoán, không đau, không chảy máu nên có thể thực hiện nhiều lần trên một bệnh nhân, phương pháp này không tiếp xúc trực tiếp với mắt nên không gây bất kỳ biến chứng nào cũng như sự khó chịu cho người bệnh. Trong quá trình định hướng điều trị, theo dõi và tiên lượng bệnh, chụp cắt lớp võng mạc cũng có vai trò quan trọng. OCT cho phép phân tích, đo đạc, dựng bản đồ, lưu trữ ảnh và số liệu, dữ liệu... của các lần thăm khám trước đó và có chương trình so sánh kết quả giữa các lần thăm khám nhằm đánh giá tiến triển của bệnh.
OCT được ứng dụng trong trường hợp nào?
Bệnh lý võng mạc có thể gặp ở cả nam và nữ, trong bất kỳ độ tuổi nào. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây các biến chứng nặng nề cho mắt, nguy hiểm nhất là gây mù lòa. Đối với trẻ sinh non nhẹ cân (thai dưới 34 tuần tuổi, trẻ sơ sinh dưới 2.000g) có nguy cơ mắc bệnh lý võng mạc rất cao, nếu được khám sàng lọc với thiết bị OCT sau khi sinh từ 3-4 tuần khi mắt của trẻ chưa có biểu hiện gì đặc biệt sẽ tránh cho trẻ bị mù vĩnh viễn. Biến chứng võng mạc của người bệnh đái tháo đường cũng sẽ được kiểm soát và theo dõi chi tiết trong quá trình điều trị nhờ hệ thống lưu trữ thông tin của máy chụp OCT. Ngoài ra, OCT còn giúp bác sĩ quan sát được những thay đổi rất nhỏ về hình thái học cũng như những dấu hiệu bệnh lý tại các mô mắt. Chẳng hạn, đối với bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, OCT có thể cho thấy được dịch tích tụ giữa lớp thần kinh cảm thụ và lớp biểu mô sắc tố của võng mạc, đo được kích thước của khối dịch. Ngoài ra, còn có thể xác định vị trí của điểm dò qua vị trí tổn hại hoặc bong lớp biểu mô sắc tố. Trong bệnh lỗ hoàng điểm, OCT xác định có lỗ hoàng điểm, đo được kích thước của lỗ hoàng điểm, có thể thấy được co kéo dịch kính võng mạc gây ra lỗ hoàng điểm và chiều dày võng mạc vùng xung quanh lỗ hoàng điểm...
Ứng dụng của OCT trong chẩn đoán và theo dõi các bệnh gai thị đặc biệt là đánh giá mức độ tổn thương gai thị trong bệnh lý glôcôm: nhiều nghiên cứu cho thấy tổn thương sớm nhất trong bệnh glôcôm là tổn thương lớp sợi thần kinh quanh gai thị, nó còn xuất hiện sớm hơn so với sự tổn hại thị trường. Trước đây, bác sĩ nhãn khoa không biết được mức độ tổn thương của lớp sợi thần kinh này ngay cả sau khi bệnh glôcôm được điều trị nhưng hiện nay, nhờ hệ thống OCT có thể đánh giá được mức độ tổn thương này nên rất có giá trị trong việc chẩn đoán sớm bệnh. OCT còn được sử dụng nhằm đánh giá mức độ teo lõm gai thị, đánh giá viền thần kinh gai thị ... Tuy nhiên, có một số trường hợp không thể làm OCT được như: phù giác mạc, đục thể thuỷ tinh, xuất huyết dịch kính...
Ứng dụng phương pháp OCT trong chẩn đoán sớm các bệnh lý về võng mạc và gai thị là một bước đột phá trong nhãn khoa. Hiện nay, kỹ thuật này đã được ứng dụng tại Việt Nam và được coi như một cứu cánh giúp bệnh nhân mắt tránh nguy cơ mù lòa.
Lê Thu Lương