Chụp cắt lớp cộng hưởng từ: Hy vọng mới trong cuộc chiến chống ung thư

10-10-2015 08:00 | Y học 360

SKĐS - Các nhà khoa học cho biết, từ trước đến nay máy chụp cắt lớp bằng cộng hưởng từ (MRI) thường được sử dụng để phát hiện ung thư...

Các nhà khoa học cho biết, từ trước đến nay máy chụp cắt lớp bằng cộng hưởng từ (MRI) thường được sử dụng để phát hiện ung thư, thì giờ đây nó có thể được sử dụng để điều trị khối ung thư hiệu quả.

Hy vọng cuộc cách mạng trong điều trị ung thư

Một nhóm các nhà khoa học Anh tại Đại học Sheffield áp dụng năng lượng từ trường của máy chụp cắt lớp MRI để kiểm soát sự hoạt động của một liệu pháp điều trị ung thư bằng thuốc tiêm được thiết kế đặc biệt. Thử nghiệm ở chuột cho thấy phương pháp mới này có hiệu quả nhưng cần nghiên cứu thêm trong nhiều năm nữa trước khi nó có thể sử dụng ở người bệnh. Hy vọng đây sẽ là cuộc cách mạng trong điều trị bệnh ung thư, nhất là các trường hợp không thể phẫu thuật được, như khối u ở não, ở cột sống hoặc trường hợp bệnh ung thư đã di căn khắp cơ thể.

Chụp cắt lớp cộng hưởng từ: Hy vọng mới trong cuộc chiến chống ung thư

Chụp cắt lớp bằng cộng hưởng từ giúp điều trị ung thư.

“Thuốc” tìm và diệt tế bào ung thư

Lợi ích của phương pháp MRI là nó có thể bào mòn các tế bào ung thư nhưng lại rất ít tổn thương đến các mô lành xung quanh. Các nhà khoa học đã thử nghiệm phương pháp này ở những con chuột bị ung thư tuyến tiền liệt đã di căn đến phổi. TS. Nick Peel, nhà nghiên cứu ung thư của Anh cho biết, họ đã sử dụng một loại thuốc ung thư đặc biệt, đó là các tế bào bạch cầu của con người đã được chỉnh sửa chứa một virut giết chết tế bào ung thư để điều trị cho những con chuột bị bệnh. Trước khi tiêm thuốc điều trị, họ cho “nhiễm từ tính” thuốc bằng cách tải nó với các hạt sắt cực nhỏ. Khi tiêm vào những con chuột, các nhà nghiên cứu đã sử dụng nam châm mạnh trong máy quét MRI để kiểm soát chặt chẽ sự di chuyển của thuốc.

Chụp cắt lớp cộng hưởng từ: Hy vọng mới trong cuộc chiến chống ung thư

Tương lai máy chụp cắt lớp cộng hưởng từ sẽ giúp điều trị ung thư.

TS. Munitta Muthana nói với bản tin đài BBC: “...Chúng tôi cần nhiều nghiên cứu hơn, nhưng hy vọng là chúng tôi sẽ có thể bắt đầu thử nghiệm phương pháp này ở người bệnh... và nếu có thể làm giảm thời gian cần thiết để một bệnh nhân ở dưới máy chụp cắt lớp. Liệu pháp này mất khoảng từ 30 phút tới 1 giờ ở chuột. Một lợi thế của việc sử dụng MRI là bạn cũng có thể theo dõi ở những nơi mà thuốc sẽ đến, nó có thể thực sự hữu ích”.

TS. Nick Peel, nhân viên thông tin khoa học cao cấp tại Viện Nghiên cứu ung thư Anh cho biết: “Sử dụng virut để tiêu diệt các tế bào ung thư là một trong nhiều cách mà các nhà nghiên cứu đang sử dụng các hệ thống miễn dịch nhằm tấn công ung thư nhưng đưa được virut chính xác vào mục tiêu là một thách thức thật sự. Nghiên cứu này ở chuột cho thấy rằng việc sử dụng một từ trường từ các máy chụp cắt lớp MRI có thể giúp thúc đẩy virut hướng về phía các khối ung thư bằng cách sử dụng các hạt nano kim loại. Đó là một ý tưởng hấp dẫn, nhưng còn cần nghiên cứu để xem liệu phương pháp này có thể hiệu quả ở người hay không, đặc biệt là đối với các khối u nằm sâu trong cơ thể...”.

(Theo bbcnews.com)

ThS. Bùi Ánh Nguyệt

 


Ý kiến của bạn