1. Nguyên nhân gây chuột rút vào ban đêm
Chuột rút (vọp bẻ) là những cơn co thắt của một hay một nhóm cơ, thường bị nhất là những cơ ở mặt sau cẳng chân. Các cơn co này xảy ra đột ngột, ngoài ý muốn, có thể kéo dài trong vài giây hoặc lâu hơn.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên chuột rút như: Thiếu oxy cung cấp cho cơ, thiếu canxi, kali, do mắc một số bệnh lý mạn tính hoặc do dùng các loại thuốc đặc trị, mệt mỏi cơ bắp...
Các vận động viên có nhiều khả năng bị chuột rút chân sau khi tập luyện. Tập luyện quá sức trong thời gian dài ban ngày, có thể khiến một số người gặp phải tình trạng chuột rút nhiều hơn về đêm.
Việc không hoạt động thể chất thường xuyên khiến các cơ bắp không được co giãn có thể làm tăng nguy cơ bị chuột rút vào ban đêm.
Mặt khác, các cơ ở những người ít tập thể dục có thể ngắn hơn, điều này có thể làm tăng nguy cơ chuột rút hoặc co thắt.
Ngồi hoặc nằm theo một tư thế liên tục trong thời gian dài làm hạn chế lưu lượng máu đến chân, chẳng hạn như đặt một chân lên chân kia hoặc hai chân bắt chéo, có thể dẫn đến chuột rút. Những người lớn tuổi cũng có thể dễ bị chuột rút vào ban đêm.
Do nhu cầu dinh dưỡng tăng lên hoặc thay đổi hormone trong cơ thể khi mang thai, phụ nữ cũng có thể mắc chứng chuột rút chân vào ban đêm.
Ngoài ra, một số bệnh mạn tính khiến một người có nguy cơ bị chuột rút ở chân, chẳng hạn như: Bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn sử dụng rượu, suy thận, suy gan, suy giáp, hẹp ống sống thắt lưng...
Khi chuột rút ở cơ bắp chân thì cần duỗi thẳng chân ra và nhẹ nhàng uốn cong các ngón chân ra phía sau, ép mạnh một tay vào gót chân. Khi đã hết hiện tượng chuột rút nên xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bắp vừa bị co cứng để cho máu hoạt động lưu thông trở lại, tránh xảy ra chuột rút tái diễn.
2. Một số biện pháp phòng ngừa chứng chuột rút vào ban đêm
2.1. Duy trì thói quen tốt
Một số thói quen tốt giúp phòng ngừa chứng chuột rút:
- Uống 1,5 lít nước mỗi ngày; chọn nước khoáng giàu muối khoáng;
- Áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng: Ăn đầy đủ trái cây và rau quả để không bị thiếu kali, magiê hoặc canxi;
- Giảm tiêu thụ thuốc lá, rượu, trà và cà phê…;
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày.
Các vận động viên nên đảm bảo khởi động trước khi tập luyện và giãn cơ sau đó. Phụ nữ mang thai nên tránh sự thiếu hụt chất dinh dưỡng bằng một chế độ ăn uống đa dạng.
2.2. Thực hiện các động tác trước khi ngủ
Trước khi ngủ, có thể thực hiện các động tác này để ngăn ngừa chuột rút vào ban đêm:
- Tắm nước lạnh, nâng vòi nước từ dưới lên trên bắp chân. Kết thúc bằng một tia nước nóng, sẽ giải phóng cơn co thắt;
- Đặt một chiếc gối dưới bắp chân và bàn chân để ngủ. Điều này thúc đẩy lưu thông tĩnh mạch vào ban đêm;
- Nằm đạp chân mỗi tối trước khi đi ngủ.
Một số cách giảm bớt chuột rút
Nếu bị chuột rút về đêm ở bàn chân hoặc xương chày ở cẳng chân, có một số cách giúp giảm bớt như sau:
- Kéo giãn cơ bị đau, để chống lại sự co cơ gây chuột rút;
- Nằm ngửa và kéo chân (chân phải thật thẳng) về phía bạn: Giữ nguyên tư thế trong mười giây;
- Tiếp tục xoa bóp: Bắp chân phải được xoa bóp từ dưới lên trên, để tạo điều kiện cho tĩnh mạch lưu thông. Lý tưởng nhất là lặp lại thao tác này như một biện pháp phòng ngừa, một hoặc hai lần một ngày.
Sử dụng tinh dầu
Tinh dầu cũng có thể làm giảm chuột rút. Các đặc tính thư giãn, làm ấm và chống co thắt của chúng giúp bạn giảm căng thẳng.
Trước khi đi ngủ, nên thực hiện xoa bóp với chế phẩm có chứa một số loại tinh dầu:
Tinh dầu lavandin giúp cơ bắp thư giãn nhờ đặc tính thư giãn; Tinh dầu đinh hương ngăn chặn sự co cơ; Tinh dầu nguyệt quế có tác dụng làm săn chắc giúp các cơ hoạt động tốt trong ngày.
Tuy nhiên, tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại tinh dầu nào.
Dùng trà thảo dược
Có thể giảm chứng chuột rút ban đêm bằng trà thảo dược. Một số loại cây được sử dụng bằng cách hãm trà. Bạn có thể pha một thức uống với: Hồng trà, lạc tiên, hạt dẻ ngựa…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bác sĩ lý giải nguyên nhân và nên làm gì khi bị chuột rút?