Chương trình Vietnam’s Next Top Model 2015: “Đuối” vì lạm dụng chiêu trò?

25-10-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Chương trình Vietnam’s Next Top Model (VNTM) năm 2015 khép lại bằng một đêm chung kết nhạt nhòa vào đêm 11/10 vừa qua.

Chương trình Vietnam’s Next Top Model (VNTM) năm 2015 khép lại bằng một đêm chung kết nhạt nhòa vào đêm 11/10 vừa qua. VNTM năm nay bị đánh giá là “đuối” nhất trong 6 mùa lên sóng tại Việt Nam. Chất lượng thí sinh giảm là điều dễ nhận thấy nhưng sự lạm dụng quá nhiều chiêu trò để hút khách mới chính là nguyên nhân khiến khán giả mất niềm tin vào chương trình.

Khai thác “chuyện riêng” thí sinh và thử thách gây sốc

Chung kết VNTM 2015 bị đánh giá là một đêm nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn. Việc để cả 4 thí sinh trình diễn phần thi photoshoot khiến các thí sinh không thể hiện được cá tính của mình dù thử thách là phải tạo dáng trên những chiếc vòng treo lơ lửng trên không trung. Từng phần thi diễn ra nhanh chóng, vội vàng khiến khán giả cảm thấy hụt hẫng. Hương Ly, chân dài nhỏ tuổi nhất cuộc thi đăng quang gây nhiều bất ngờ nhưng xem ra, đó lại là cái kết có hậu khép lại những tranh cãi về cuộc thi năm nay. Không nổi bật về chiều cao hay cá tính so với ba gương mặt còn lại trong top 4 là Hồng Xuân, Nguyễn Hợp, Thành An nhưng Hương Ly sở hữu gương mặt xinh xắn và không vướng vào những lùm xùm trong cuộc thi. Sự lên ngôi của Hương Ly xem ra là “hợp tình, hợp lý” và an toàn hơn cả.

Chương trình Vietnam’s Next Top Model 2015: “Đuối” vì lạm dụng chiêu trò?

Hương Ly đăng quang VNTM 2015, khép lại một mùa giải nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn.

Nhìn lại chặng đường mà VNTM 2015 đi qua có thể thấy rằng, ấn tượng bao trùm cuộc thi chính là “chuyện riêng” của thí sinh, chiêu trò mà nhà sản xuất đưa ra để gây sức hút cho chương trình. Ngay từ khi chương trình chưa lên sóng, cái tên Hồng Xuân đã gây chú ý vì chiều cao “khủng” và nhan sắc được cho là phù hợp với “chuẩn” người mẫu: cao, độc, lạ. Câu chuyện càng trở nên “nóng” hơn khi Siêu mẫu Hà Anh cho biết, Hồng Xuân từng tham gia vòng tuyển chọn cuộc thi Elite’s Model Look nhưng không qua được vòng casting vì các giám khảo đều nhận thấy cô không có tố chất để trở thành người mẫu chuyên nghiệp. Siêu mẫu Hà Anh cũng bày tỏ hoài nghi rằng, việc Ban Giám khảo VNTM đặc cách cho Hồng Xuân đi thẳng vào vòng trong chỉ là một chiêu PR cho chương trình để tạo sức hút.

Không chỉ có Hồng Xuân, Thành An cũng là thí sinh gây chú ý về đời tư của mình. Chàng trai đến từ Lâm Đồng đã từng tham gia VNTM 2013 nhưng không thành công. Đến với chương trình năm nay, Thành An đã tiết lộ một bí mật “động trời” mình là người đồng tính và cũng là nạn nhân của nạn bạo lực học đường. Không phải là thí sinh nam nổi bật về diện mạo lẫn hình thể nhưng Thành An luôn được ưu ái và tiến khá xa trong cuộc thi năm nay. Nhiều người cho rằng, sở dĩ Thành An được ưu ái như vậy là do anh có “tiểu sử” đặc biệt và đây chính là “mồi ngon” để lôi kéo khán giả.

Những phần thi mà Ban Tổ chức đưa ra để thử thách thí sinh bị đánh giá là mang tính chiêu trò nhiều hơn việc đào tạo, huấn luyện thí sinh trên con đường đi lên chuyên nghiệp. Tâm điểm của những tranh cãi trên mạng xã hội phải kể đến phần thử thách chụp ảnh với... khỉ trong tập 5 của chương trình. Không ít người cho rằng, chưa có bộ ảnh thời trang nào lại gây cười và xấu xí như vậy. Trong bộ trang phục màu sắc, các thí sinh phải đội lên đầu mâm ngũ quả bằng nhựa và chụp ảnh với bầy khỉ. Những chú khỉ tinh nghịch đã dứt tóc, trèo lên người khiến các thí sinh hoảng sợ và “cho ra đời” những bức ảnh vô cùng tệ hại. Sau khi lên sóng, những bức hình chụp với khỉ đã “tạo cảm hứng” cho cư dân mạng “chế” ảnh hài hước. Tương tự như vậy, trong tập 6 của chương trình, phần thử thách chụp ảnh với chủ đề “Uống trà chiều” cũng gây nhiều tranh cãi. Trong thử thách này, các thí sinh phải trèo từ giàn giáo cao xuống một chiếc xích đu uống trà mà phía dưới đó là bể bơi. Phần lớn các thí sinh chưa kịp đưa ly trà lên miệng thì đã té nhào xuống nước. Ngoài ra, VNTM 2015 còn nhiều thử thách “quái” khác như lặn sâu 4m, treo mình trên vách núi nhân tạo để tạo dáng chụp hình...

Không ít người trong nghề đã bày tỏ sự khó hiểu về các thử thách và những bức ảnh thiếu tính thời trang của mùa giải năm nay. Trước nhiều thông tin trái chiều từ dư luận, Tùng Leo, đại diện đơn vị sản xuất chương trình đã chia sẻ đại ý rằng, khen chê là câu chuyện muôn thuở của giới truyền thông, nhằm tạo dư luận nhiều chiều, làm tăng thêm sự chú ý của khán giả vào chương trình. Truyền hình thực tế nếu không có những cung bậc cảm xúc khác nhau, không có những mâu thuẫn và đấu tranh, không có tiếng cười, tiếng khóc, liệu khán giả có quan tâm đến chương trình? Rõ ràng, sử dụng chiêu trò “độc”, “quái” là chủ ý của nhà sản xuất và phải chăng, gây tranh cãi mới là hiệu ứng của một chương trình truyền hình thực tế đúng nghĩa?

Đừng nên đi chệch hướng

Theo dõi chương trình từ những mùa đầu lên sóng, tôi cho rằng, VNTM là một chương trình có format hấp dẫn, góp phần mang đến những góc nhìn chân thực về nghề người mẫu, là cầu nối quan trọng để người mẫu Việt, thời trang Việt kết nối với những kinh đô thời trang hàng đầu thế giới. Đóng góp tích cực của chương trình là không thể phủ nhận, tuy nhiên, càng về sau VNTM dường như càng đi chệch hướng, sử dụng quá nhiều chiêu trò để thu hút khán giả. Đây là điều đáng tiếc cho một chương trình bước đầu tạo được chỗ đứng trong lòng công chúng như VNTM.

Trong “cơn bão” truyền hình thực tế như hiện nay, việc cạnh tranh giữa các chương trình để được xếp sóng giờ vàng, thu hút quảng cáo ngày càng khốc liệt. Chính vì vậy, việc sử dụng chiêu trò để gây sự chú ý của khán giá là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là lựa chọn chiêu trò như thế nào, “liều lượng” ra sao cần phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Khai thác quá sâu đời tư thí sinh, những vấn đề nhạy cảm như giới tính, mâu thuẫn giữa các thí sinh, sử dụng chiêu trò gây sốc để đẩy cảm xúc khán giả là việc không nên làm. Với một chương trình tìm kiếm người mẫu như VNTM, quan trọng nhất vẫn là chất lượng thí sinh chứ không phải chiêu trò.

Tôi cho rằng, VNTM nên có những thay đổi nhằm nâng cao chất lượng thí sinh, hướng đến việc lựa chọn, đào tạo thí sinh theo chuẩn của thế giới. Chương trình huấn luyện, đào tạo thí sinh cần có định hướng, thiết thực, gần gũi với công việc của một người mẫu trong thực tế. Với tình trạng khan hiếm thí sinh trong khi nở rộ các cuộc thi tìm kiếm tài năng, nên chăng, VNTM nên tổ chức 2 năm/lần thay vì 1 năm/lần như hiện nay để tránh tình trạng “cạn kiệt” nhân tố mới cũng như để Ban Tổ chức có thời gian nghiên cứu, xây dựng chương trình hấp dẫn. Thay vì “hút” khán giả bằng chiêu trò, chương trình nên khai thác mạnh mẽ mạng xã hội, tăng tính tương tác của khán giả như phiên bản gốc American’s Next Top Model hiện đang áp dụng. Theo đó, trong các phần thi, bức ảnh của thí sinh sẽ được đưa lên mạng xã hội để khán giả đánh giá, bình chọn. Sự bình chọn của khán giả sẽ được quy đổi ra thang điểm cụ thể, cộng với điểm số của Ban Giám khảo để tính thành tích chung cuộc. Thiết nghĩ, đây cũng là cách làm hay để thu hút khán giả với chương trình, với các thí sinh tham gia cuộc thi.

  Tường Phạm

 


Ý kiến của bạn