Hà Nội

Chương trình về đề tài LGBT: Mong manh tốt, xấu

21-12-2018 10:42 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Gần đây, chương trình, gameshow về đề tài LGBT (người chuyển giới, đồng tính, song tính luyến ái) mọc lên như nấm sau mưa ở nước ta.

Sự xuất hiện của những chương trình này giúp cộng đồng LGBT được chia sẻ, tự tin hòa nhập xã hội và sống thật với chính mình. Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi: đề tài LGBT vốn nhạy cảm có nên dùng để làm chương trình giải trí?

Nở rộ chương trình về giới LGBT

Không khó để nhận thấy những gameshow đang dần trở nên nhàm chán với khán giả Việt vì “bình mới rượu cũ” qua các mùa lên sóng truyền hình, điển hình như Giọng hát Việt, Viet nam Next top model, Ơn giời! Cậu đây rồi, Thách thức danh hài, Giọng ải giọng ai... Dường như đã “hết bài”, các nhà sản xuất gameshow đã tìm hướng đi mới bằng cách thực hiện những chương trình về cộng đồng LGBT. Chính vì thế, trên sóng truyền hình và các trang video trực tuyến hiện nay nhan nhản gameshow, talkshow về giới LGBT.

Thời gian vừa qua, nhiều khán giả trẻ đánh giá cao chương trình LoveWins đăng trên trang Youtube của nhóm làm phim Lukas Movie. Tại chương trình này, các nhân vật thuộc cộng đồng LGBT tại Việt Nam không chỉ chia sẻ câu chuyện của chính bản thân họ, mà còn có dịp được gửi gắm và nhắn nhủ những điều mà họ chưa từng dám nói với gia đình mình trước đây, để mọi người có thể an lòng và tin tưởng hơn ở họ. Trong khi đó, chương trình truyền hình thực tế Chinh phục hoàn hảo - The Tiffany Vietnam dành cho những người chuyển giới mới đây đã hoàn thành việc tuyển chọn thí sinh và lên sóng kênh Viva Network từ trung tuần tháng 12/2018.  Chinh phục hoàn hảo hứa hẹn đem đến cho người xem những cô gái xinh đẹp quyết tâm đốt bỏ hình ảnh thời con trai để thể hiện bản thân mình, thể hiện nghị lực mạnh mẽ và gác lại nỗi tự ti, chuyện buồn quá khứ để cất tiếng nói cho cộng đồng LGBT.

Chương trình về đề tài LGBTHình ảnh trong một talkshow về cộng đồng LGBT được khán giả quan tâm thời gian gần đây.

Ngoài ra, chương trình Just love do ca sĩ, Hoa hậu chuyển giới Hương Giang dẫn dắt và thực hiện, phát trên mạng cũng được nhiều người chú ý. Just love sẽ gắn với một chủ đề khác nhau như sự kỳ thị, bạo hành, quá trình khẳng định bản thân, giải tỏa áp lực của gia đình, hiểm họa khi chuyển giới nhằm cung cấp những kiến thức, góc nhìn và tâm sự thầm kín... của cộng đồng LGBT một cách rõ ràng, chân thực nhất. Tương tự, chương trình Come out - Bước ra ánh sáng có tỉ lệ khán giả theo dõi cao kể từ khi phát sóng số đầu tiên vào cuối tháng 9/2018. Tại chương trình này, những câu chuyện về quá trình bộc lộ bản thân của người đồng tính để gia đình, người thân chấp nhận được chia sẻ. Chương trình cũng là nơi để họ chia sẻ về những khoảnh khắc, kỷ niệm đẹp trong tình yêu của mình.

Dù không nghiêng hẳn về giới LGBT, tuy nhiên gameshow hẹn hò nam nữ Người ấy là ai? cũng có thiên hướng về người đồng tính. Những tập lên sóng gần đây, Người ấy là ai? đã xuất hiện 5 chàng trai thuộc “giới tính thứ 3” và mỗi người mang đến câu chuyện khác nhau, trong đó có những câu chuyện khiến người xem rơi nước mắt vì những bi đát, tình cảnh trớ trêu của số phận người đồng tính. Trong khi đó tại gameshow Lô tô show - Gánh hát ngàn hoa cũng có sự xuất hiện của những giọng ca là người chuyển giới nữ, chương trình Anh chàng độc thân - The Bachelor với hai nhân vật nữ là Trúc Như và Minh Thư công khai yêu nhau ngay trên truyền hình...

Làm vì tính nhân văn hay lại “câu” khán giả?

Không thể phủ nhận các gameshow, chương trình về cộng đồng LGBT kể trên đã cho thấy sự bình đẳng giữa con người với con người, giới LGBT đã được xã hội nhìn với ánh mắt, cảm nhận cởi mở hơn. Đáng mừng khi đa số chương trình về đề tài LGBT đều khẳng định cộng đồng LGBT là một phần của xã hội, của cuộc sống, cho thấy sự khác biệt về giới, thân phận chỉ là bề nổi còn cộng đồng LGBT cũng như người bình thường khi có cảm xúc, tình yêu và đam mê...

Tuy nhiên, không ít khán giả cho rằng, các nhà sản xuất chuyển hướng sang cộng đồng LGBT để làm các gameshow, chương trình giải trí để lan tỏa tính nhân văn chỉ một phần, còn lại là để “câu” người xem? Bởi gameshow như ca nhạc, hài kịch gần đây đã bị bão hòa, mất sức hút và đề tài LGBT mới lạ, tạo sự tò mò với người xem nên dễ tạo sức hút. Ca sĩ chuyển giới Lê Duy dù vui mừng khi chứng kiến gameshow về cộng đồng LGBT được mở ra giúp họ sống cởi mở, hòa đồng và tự tin hơn nhưng chị cũng lo khi hình ảnh cộng đồng LGBT xuất hiện trên truyền hình thường bị đào sâu theo khía cạnh gây sự tò mò hoặc khác biệt để “mồi” khán giả. Hoa hậu chuyển giới Hương Giang từng lên tiếng nhắn nhủ cộng đồng LGBT hãy tỉnh táo để đừng là “mồi” cho các nhà sản xuất gameshow và cần tẩy chay những chương trình đem giới LGBT ra chỉ vì lợi nhuận.

Bởi thế, nhiều khán giả cho rằng, dù các gameshow, chương trình về đề tài LGBT gần đây chưa có “sạn” nào đáng tiếc, tuy nhiên công chúng luôn mong muốn trước khi lấy giới LGBT làm đề tài sáng tạo, các nhà sản xuất nên suy nghĩ thật thấu đáo: Có nên tạo ra sản phẩm giải trí bằng cách đánh vào sự khác biệt về giới hoặc làm tổn thương người khác hay không, làm vì cái tâm hay chỉ là một chiêu mới đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ “thường thường bậc trung” của một bộ phận khán giả?!


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn