Chương trình truyền hình bị xâm hại: Chưa có “thuốc đắng” để dã tật

23-11-2018 07:48 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Tốn công sức và tiền bạc để có các bộ phim, gameshow, chương trình giải trí... phục vụ người xem, tuy nhiên nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật này của các nhà đài ở Việt Nam bị đăng, phát trái phép trên các trang mạng. Chương trình truyền hình bị xâm hại trên môi trường số là thực tế đáng lo ngại ở nước ta thời gian qua. Vậy, đâu là giải pháp để ngăn chặn, xóa sổ vấn nạn này?

Thực trạng nhức nhối, hệ lụy khó lường

Không thể phủ nhận, kỷ nguyên số và internet đã và đang tạo cơ hội thuận lợi cho con người trong việc tiếp cận với các tác phẩm nghệ thuật, các bản ghi âm ghi hình, các chương trình biểu diễn, các chương trình phát sóng một cách dễ dàng. Tuy nhiên từ đây, vấn nạn vi phạm bản quyền trên môi trường số xuất hiện tại Việt Nam trở nên báo động, đặc biệt trong lĩnh vực truyền hình. Một trong những nguyên nhân chính là do xu hướng xem các chương trình trên mạng internet của người Việt gia tăng nhanh chóng, nhất là lĩnh vực thể thao, phim ảnh và giải trí.

Mới đây, ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ (Đài Truyền hình Việt Nam - VTV) cho biết, nhiều chương trình VTV phải chi kinh phí lớn mua bản quyền hoặc chương trình giải trí đặc sắc bị sao chép, phát tán tràn lan trên internet, thậm chí in băng đĩa bán trên thị trường... Mới nhất là bộ phim truyền hình Quỳnh búp bê, mỗi tập vừa phát sóng trên kênh VTV3 thì chỉ ít phút sau, tập phim này đã xuất hiện tràn ngập trên các trang web lậu. Trước đó, phim Tuổi thanh xuân, Cảnh sát hình sự, Zippo, Mù tạt và Em; Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng... cũng bị hàng trăm tài khoản mạng xã hội facebook, tài khoản kênh youtube và các trang web phim lậu phát tán trái phép. Đặc biệt, nhiều gameshow ăn khách của VTV như The Voice, Gặp nhau cuối năm, Tìm kiếm tài năng Việt Nam, Nhân tố bí ẩn, Đồ Rê Mí... cũng bị xâm hại bản quyền nghiêm trọng trên môi trường số khiến nhà đài lẫn các nghệ sĩ, công chúng rất bức xúc.

Chương trình truyền hình bị xâm hại: Chưa có “thuốc đắng” để dã tậtPhim Quỳnh búp bê thuộc sở hữu của VTV nhưng từng bị nhiều trang web lậu, tài khoản mạng xã hội đăng, phát trái phép.

Tương tự VTV,  Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long (THVL) cũng là nạn nhân của tình trạng xâm phạm bản quyền các chương trình truyền hình ở nước ta. Những gameshow giải trí của THVL từng bị phát, đăng tải trái phép trên internet phải kể đến Solo cùng Bolero, Cười xuyên Việt, Làng hài mở hội, Tiếu lâm tứ trụ, Tình Bolero, Ca sĩ giấu mặt, Tuyệt đỉnh song ca, Cùng nhau tỏa sáng... Theo ông Lê Quang Nguyên, Giám đốc THVL, rất nhiều các đơn vị khác đã sử dụng trái phép các chương trình của THVL để cung cấp lên mạng xã hội hay các trang phim trực tuyến nhằm thu lợi từ quảng cáo và Đài THVL đã đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thông tin - truyền thông vào cuộc xử lý.

Trên thực tế, việc xâm hại bản quyền truyền hình trên môi trường số tạo ra nhiều hậu quả nhãn tiền. Trước hết, các nhà đài hoặc đơn vị sản xuất phim, chương trình giải trí bị mất nguồn thu, phân tán thị phần khán giả; các nghệ sĩ cảm thấy bị xúc phạm. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Truyền hình trả tiền khu vực châu Á Thái Bình Dương, các website vi phạm bản quyền tại Việt Nam có 61% quảng cáo các nhãn hàng tên tuổi nhưng 39% còn lại quảng cáo những hàng hóa, dịch vụ không hợp pháp hoặc các nội dung sex, dụng cụ tình dục, game đánh bạc... Đặc biệt, rất nhiều clip vi phạm bản quyền lồng ghép nội dung xấu, bịa đặt và xuyên tạc xuất hiện trên các trang web giải trí. Nếu khán giả trẻ truy cập vào xem sẽ khó mà biết được thật - giả, thậm chí dễ bị mời gọi, dụ dỗ tương tác với những đối tượng xấu dẫn đến hậu quả khó lường.

Giải pháp nào?

Vi phạm bản quyền các chương trình, phim truyền hình trên môi trường số vốn là “căn bệnh” mà cơ quan hữu quan, chuyên gia từ lâu chưa tìm được “thuốc” để trị tận gốc. Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) để giải quyết được vấn đề này cần phải có sự chung tay vào cuộc của cả xã hội và phải có những giải pháp đồng bộ để hạn chế vi phạm, từ hoàn thiện thể chế, pháp luật, đến sự vào cuộc của truyền thông... đảm bảo hệ thống thực thi pháp luật ở mức độ cao, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, của xã hội.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để hạn chế vấn nạn vi phạm bản quyền truyền hình, các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường kiểm tra, xử phạt các trang mạng, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trên internet có hành vi vi phạm và mức xử phạt cần đủ sức răn đe. Cùng với đó, các nhà cung cấp dịch vụ đường truyền cần có chế tài nghiêm khắc, từ chối cung cấp dịch vụ đối với những trang mạng vi phạm bản quyền truyền hình làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và thiệt hại kinh tế của nhà đài cũng như các nhà sản xuất nắm giữ bản quyền.

Ngoài ra, đại diện Cục Bản quyền tác giả cho biết, trong lộ trình đề xuất sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, đơn vị này sẽ đề xuất dự thảo sửa đổi theo hướng xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập, phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng giống như một số quốc gia khác, đề xuất xây dựng Luật Bản quyền tác giả riêng. Theo ông Bùi Nguyên Hùng, ngoài các biện pháp trên, chúng ta cũng cần đầu tư vào hệ thống trang thiết bị, máy móc và phần mềm phát hiện vi phạm bởi thực tế vi phạm bản quyền truyền hình xảy ra hàng ngày, hàng giờ khiến các chủ thể giữ bản quyền không kịp thời phát hiện và đưa ra cách xử lý kịp thời.


Sơn Tùng
Ý kiến của bạn