Hà Nội

Chương trình Phòng, chống lao ở Việt Nam: Thách thức cũ và mới

24-03-2013 08:15 | Tin nóng y tế
google news

Với sự quan tâm của Quốc hội và Chính phủ, Dự án Phòng, chống lao (DAPCL) được đặt ở vị trí ưu tiên và thuộc các dự án của Chương trình mục tiêu y tế Quốc gia. Với nền tảng vững chắc của mạng lưới phòng chống lao được xây dựng và củng cố từ nhiều năm, trên cơ sở kế hoạch trung hạn đã được xây dựng, DAPCL có khả năng đạt được mục tiêu thiên niên kỷ 2015.

Với sự quan tâm của Quốc hội và Chính phủ, Dự án Phòng, chống lao (DAPCL) được đặt ở vị trí ưu tiên và thuộc các dự án của Chương trình mục tiêu y tế Quốc gia.  Với nền tảng vững chắc của mạng lưới phòng chống lao được xây dựng và củng cố từ nhiều năm, trên cơ sở kế hoạch trung hạn đã được xây dựng, DAPCL có khả năng đạt được mục tiêu thiên niên kỷ 2015. Tuy nhiên, DAPCL còn phải đối diện với nhiều thách thức mới.

Gánh nặng bệnh lao và những nỗ lực hiệu quả

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 12 trong 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2012).

Tháng 1/2013, DAPCL đã phối hợp cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiến hành hội thảo phân tích tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam, kết quả phân tích cho thấy những dấu hiệu khả quan trong xu hướng dịch tễ, phần nào phản ánh được hiệu quả phòng chống lao và tác động DA tới tình hình bệnh lao trên toàn quốc. Nhìn lại quá trình phấn đấu nỗ lực của DAPCL Việt Nam trong giai đoạn 2000-2015, có thể thấy, DAPCL đã có những định hướng đúng đắn trong đường lối, chiến lược phòng chống lao, kết quả hoạt động trong giai đoạn đã thể hiện rõ những nỗ lực hết mình của chương trình. Số liệu phát hiện bệnh lao các thể tăng dần và tương đối ổn định ở mức cao trong giai đoạn 2000-2006, sau đó giảm khoảng 1,7% hàng năm từ sau năm 2006 theo xu hướng dịch tễ. Nỗ lực hoạt động của DAPCL đã góp phần làm giảm tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam, với các số liệu ước tính về xu hướng giảm khoảng 4,6%/ năm tỷ lệ hiện mắc lao, có thể thấy mục tiêu thiên niên kỷ “Năm 2015 tỷ lệ hiện mắc lao giảm 50% so với năm 2000” hoàn toàn có thể đạt được nếu DAPCL nhận được sự quan tâm đầu tư thỏa đáng.

Chương trình Phòng, chống lao ở Việt Nam: Thách thức cũ và mới 1
Bệnh nhân lao được bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương khám kiểm tra sức khỏe sau khi điều trị khỏi bệnh, trở lại cộng đồng.     Ảnh: PT

Về hệ thống DAPCL bao gồm 4 tuyến: Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã. Càng xuống tuyến cơ sở (tuyến huyện và xã) mạng lưới chống lao càng lồng ghép vào hệ thống y tế chung và các Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất để người dân có điều kiện tiếp cận với dịch vụ phòng chống bệnh lao có chất lượng cao. Tại các tuyến sẽ có sự phối hợp lồng ghép với hệ thống y tế tư, y tế công, các đối tác, tổ chức xã hội cùng tham gia phòng, chống bệnh lao.

Mặc dù Việt Nam là một trong 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhưng đã đạt được các mục tiêu của WHO về triển khai DOTS thành công. Từ năm 1997, Việt Nam đã đạt chỉ tiêu của WHO về tỷ lệ phát hiện bệnh trên 70%, tỷ lệ điều trị khỏi trên 85% và duy trì tỷ lệ này ở mức phát hiện ước tính đạt 84% và điều trị thành công đạt 93% trong nhiều năm, đạt mức độ bao phủ 100% vào năm 2000. Việt Nam đã xây dựng và cam kết thực hiện chiến lược xóa đói giảm nghèo với mục tiêu giảm tổn thất cho nhóm đối tượng này và công tác chống lao đã được đặt vào vị trí ưu tiên trong lộ trình phát triển.

Còn nhiều khó khăn và thách thức mới

Khó khăn về nguồn nhân lực:  tuy đã đạt được các mục tiêu của WHO nhưng trước mắt, DAPCL còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm diễn biến phức tạp của tình hình dịch tễ bệnh lao với ảnh hưởng mang tính đồng hành của đại dịch HIV/AIDS, bệnh lao kháng đa thuốc (MDR-TB), những khó khăn về nguồn nhân lực trong mạng lưới chống lao, hệ thống y tế và đặc biệt là khả năng duy trì nguồn tài chính bền vững cho công tác chống lao trong những năm tiếp theo, khi Việt Nam đã là nước thu nhập trung bình, nguồn kinh phí viện trợ quốc tế ngày càng giảm đi.

Việc triển khai các hoạt động chống lao đặc biệt tại tuyến tỉnh và huyện gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ, hầu hết cán bộ tại tuyến y tế cơ sở (huyện, xã) phải làm việc kiêm nhiệm. Tình trạng thiếu hụt cán bộ cả về số lượng và chất lượng xảy ra đặc biệt phổ biến tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc luân chuyển, thay đổi cán bộ cũng đang là vấn đề cấp bách tại các địa phương, hiện tượng cán bộ xin chuyển vị trí công tác sau khi được đào tạo xảy ra tương đối phổ biến nên nhiều cán bộ mới, chưa có kinh nghiệm, thậm chí chưa được đào tạo chuyên khoa phải nhận trách nhiệm thực hiện các hoạt động DAPCL. Lương cán bộ thấp do vậy một số bác sĩ còn làm tư ngoài giờ nên thiếu tập trung vào nhiệm vụ quản lý DA. 

Sau Nghị định 171, 172, mô hình tổ chức y tế tuyến huyện có nhiều xáo trộn, gây ảnh hưởng tới nguồn nhân lực DAPCL, nhiều cán bộ chuyển sang bệnh viện huyện, không làm việc trong hệ thống y tế dự phòng nữa dẫn đến tổ lao huyện thiếu nhân lực phải tuyển nhiều cán bộ mới, thiếu kinh nghiệm về làm việc. Tuyến huyện là tuyến cơ bản trong công tác phát hiện và điều trị của DAPCL, việc xáo trộn trong hệ thống tổ chức và nhân lực đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả phòng chống lao.

Khó khăn về dịch tễ lao có diễn biến phức tạp: tỷ lệ phát hiện bệnh lao theo ước tính của WHO hiện tại mới đạt 56%, như vậy còn trên 40% số bệnh nhân lao chưa phát hiện là nguồn lây bệnh tiếp tục tồn tại trong cộng đồng. Đặc biệt tại các khu vực đặc biệt, khép kín như trại giam bệnh có thể lây lan nhanh chóng dẫn đến tỷ lệ mắc lao trong các trại giam cao hơn rất nhiều so với cộng đồng chung và tỷ lệ kháng đa thuốc cao gần gấp 2 lần. Mặc dù DAPCL đã tích cực triển khai mở rộng hoạt động chống lao trong các trại giam, tuy nhiên, việc kết nối các dịch vụ chăm sóc và điều trị giữa trong và ngoài trại nhằm đảm bảo bệnh nhân tiếp tục được điều trị sau khi ra trại vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đạt kết quả như mong đợi.

Khả năng cung cấp dịch vụ chẩn đoán và điều trị lao kháng thuốc hiện này còn hạn chế, dự kiến tới năm 2015 khoảng 50% số tỉnh sẽ được triển khai hoạt động quản lý bệnh lao kháng đa thuốc, do vậy chưa thể giảm ngay nguồn lây truyền bệnh lao kháng thuốc trong cộng đồng. Việc thiếu kinh phí mua thuốc chống lao dẫn đến hết thuốc năm 2014 cũng sẽ tác động mạnh tới hiệu quả kiểm soát tình hình dịch tễ bệnh lao và lao kháng thuốc.

Lao/HIV và lao ở trẻ em cũng là một thách thức lớn phần vì chẩn đoán khó, kỹ thuật chẩn đoán hiện tại chỉ tập trung tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương, nên việc phát hiện bệnh còn nhiều hạn chế, phần vì tiếp cận điều trị kháng virut còn hạn chế vì vậy tỷ lệ này đang có chiều hướng gia tăng đòi hỏi có đầu tư các kỹ thuật mới để giải quyết tốt hơn.

DAPCL

WHO đưa ra chủ đề phòng chống lao năm 2013: “Hãy phòng chống lao trong suốt cả cuộc đời tôi”

Trong Báo cáo Kiểm soát bệnh lao toàn cầu năm 2012, WHO thông báo hiện có khoảng 1/3 dân số thế giới đã nhiễm lao. Bệnh lao là nguyễn nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,2 - 1,5 triệu người tử vong mỗi năm. Tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và xảy ra ở hầu hết các quốc gia. Ước tính năm 2011 trên toàn thế giới có: 12 triệu người hiện mắc lao, 8,8 triệu người mới mắc lao, 13% số mắc lao có đồng nhiễm HIV, 1,45 triệu tử vong do lao, trong đó 0,35 triệu người tử vong có đồng nhiễm HIV, 65.000 người mắc lao đa kháng thuốc, 9,7 triệu trẻ mồ côi do cha mẹ chết vì lao.


 



Ý kiến của bạn