Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế đạt nhiều thành tựu

15-04-2016 08:14 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong 5 năm qua (2011-2015), các Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế đã đạt được khá nhiều thành tựu góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Trong 5 năm qua (2011-2015), các Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế đã đạt được khá nhiều thành tựu góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, duy trì và mở rộng các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, chương trình vẫn còn khá nhiều thách thức khi nguồn vốn bị cắt giảm mạnh. Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, để huy động nguồn vốn hiệu quả, ngành y tế khuyến khích doanh nghiệp tham gia và đóng góp cho công tác phòng, chống dịch bệnh để giảm dần sự bao cấp của Nhà nước trong lĩnh vực y tế thông qua việc triển khai các dịch vụ có thu phí…

Đây là những thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia ngành y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 do Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế tổ chức ngày 13/4 tại Hà Nội.

Tiêm phòng lao cho trẻ tại trạm y tế phường. Ảnh: TM

Thay đổi cơ bản nhận thức của người dân về ý thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe

Tại hội nghị, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho hay: Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Y tế được giao thực hiện 4 Chương trình mục tiêu Quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu Quốc gia y tế; Chương trình mục tiêu Quốc gia An toàn vệ sinh thực phẩm; Chương trình mục tiêu Quốc gia Dân số-Kế hoạch hóa gia đình; Chương trình mục tiêu Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS.

Theo báo cáo được nêu tại hội nghị, hơn 17 nghìn tỷ đồng đã được huy động trên cả nước cho chương trình. Đổi lại, chúng ta có một bức tranh toàn cảnh mới mà ở đó, nhận thức của người dân về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe được nâng lên rất nhiều. Số người tử vong bởi nhiều dịch bệnh nguy hiểm giảm đáng kể. Các nguy cơ dịch bệnh lớn đều được kiểm soát và khống chế… Điều này có được nhờ trong giai đoạn này, 4 chương trình được ngành y tế đồng thời triển khai trên diện rộng. Trong đó, hàng loạt những bệnh mạn tính được quan tâm.

Cụ thể: Dự án phòng chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Ngành y tế đã hoàn thành mục tiêu giảm 18% tỷ lệ mắc/100.000 dân do sốt xuất huyết so với trung bình giai đoạn 2006-2010 (giai đoạn 2006-2010 là 119,06%), duy trì tỷ lệ chết/mắc do sốt xuất huyết xuống dưới 0,09%.

100% (63/63) tỉnh, thành phố đạt 4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong, trên 50% số huyện/thị xã trong cả nước không còn bệnh nhân phong mới trong 5 năm, 90% bệnh nhân phong bị tàn tật được phẫu thuật, phục hồi chức năng và 85% bệnh nhân phong tàn tật được săn sóc tàn tật.

Giai đoạn 2011-2015, hoạt động khám sàng lọc và quản lý bệnh nhân tăng huyết áp được triển khai trên địa bàn 1.179 xã/phường trên toàn quốc. Nhờ đó, hơn 2 triệu người từ 40 tuổi trở lên đã được khám sàng lọc.

Đặc biệt, trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế luôn duy trì được tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt >90%. Trên 90% nữ 15-35 tuổi được tiêm đủ mũi vắc-xin uốn ván và trên 90% trẻ được tiêm mũi 2 vắc-xin sởi; hoàn thành chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-Rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi trên toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay, đạt tỷ lệ 98%.

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về ATVSTP đã đạt được nhiều kết quả. Hệ thống tổ chức quản lý ATTP được hình thành từ TW đến địa phương, hệ thống kiểm nghiệm ATTP đã bước đầu đáp ứng được hoạt động kiểm nghiệm với 1 Viện Kiểm nghiệm VSTPQG, 3 Trung tâm kiểm nghiệm khu vực, 14 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu và phòng kiểm nghiệm thuộc 63 Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh/thành phố. Cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 2,6 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 99,6 tỷ đồng; ngoài ra còn công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm để người dân được biết.

Về Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng dân số được khống chế ở khoảng 1,05%/năm, quy mô dân số năm 2015 là 91,7 triệu người đạt mục tiêu đề ra (<93 triệu người), mô hình gia đình ít con ngày càng được chấp nhận rộng rãi.

Đặc biệt, về Chương trình mục tiêu Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS, trong giai đoạn qua, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng được duy trì dưới 0,3% dân số, trong đó đạt cả 3 tiêu chí: giảm số nhiễm mới, số chuyển sang AIDS và số tử vong vì AIDS.

Một số tồn tại

Tuy nhiên, tại hội nghị này, ông Liên  cũng thẳng thắn chỉ rõ, Chương trình mục tiêu Quốc gia ngành y tế giai đoạn 2011-2015 vẫn còn tồn tại những hạn chế. Nguyên nhân khách quan của những hạn chế này là do giai đoạn 2011-2015 có sự cắt giảm không nhỏ về nguồn ngân sách nhà nước cho các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như cho các hoạt động đầu tư công khác. Nguồn vốn ngoài nước giảm dần do Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình.

Về chủ quan, đôi khi, địa phương còn trông chờ vào nguồn bổ sung có mục tiêu của Trung ương, nên chưa chủ động trong công tác huy động nguồn lực cho hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia”,...

Chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: TM

Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số và Phát triển hệ thống y tế địa phương giai đoạn 2016-2020

Thông tin tại hội nghị cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, ngành y tế đề nghị được triển khai 2 Chương trình mục tiêu là: Chương trình: Y tế - Dân số và Phát triển hệ thống y tế địa phương nhằm giải quyết hàng loạt những vấn đề về phòng chống dịch bệnh cũng như phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch bệnh xảy ra, giảm tiếp số mắc và tử vong do một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các bệnh không lây nhiễm phổ biến, nâng cao kiểm soát an toàn thực phẩm, khống chế và giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS, duy trì mức sinh hợp lý, cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số…

Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số gồm 8 dự án thành phần gồm Dự án Phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến; Dự án Tiêm chủng mở rộng; Dự án Dân số và phát triển; Dự án An toàn thực phẩm; Dự án Phòng, chống HIV/AIDS; Dự án Đảm bảo máu an toàn và phòng chống một số bệnh lý huyết học; Dự án Quân dân y kết hợp và Dự án Quản lý và truyền thông y tế.

Chương trình Phát triển hệ thống y tế địa phương gồm 3 dự án: Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị các BVĐK và chuyên khoa tuyến tỉnh, khu vực, bệnh viện vệ tinh chuyên khoa ung bướu, tim mạch, ngoại-chấn thương, sản, nhi; Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bệnh viện YHCT toàn quốc;  Đầu tư cho một số dự án thuộc đề án phát triển y tế biển đảo.

Một trong những giải pháp để thực hiện thành công 2 chương trình nói trên, theo Bộ Y tế là phải làm sao để động viên được các nguồn lực từ địa phương cũng như quốc tế cùng phối hợp với Trung ương. Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng: Bộ Kế hoạch và đầu tư phải có chỉ đạo bằng văn bản kế hoạch chi ngân sách, trong đó có khoản chi cho y tế như thế nào để các địa phương thực hiện.

Vì vậy, trong giai đoạn tới, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ tiếp tục vận động các nhà tài trợ có kế hoạch đầu tư dài hạn và giảm kinh phí có lộ trình để Việt Nam chuẩn bị các điều kiện tăng các nguồn kinh phí trong nước, giảm dần khoảng trống thiếu hụt kinh phí. Thông qua đó, đảm bảo duy trì và mở rộng các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là các mô hình hiệu quả đã được xây dựng thành công bằng kinh phí tài trợ quốc tế.


Thái Bình
Ý kiến của bạn