Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương này có diện tích tự nhiên hơn 3.800 km2, dân số trên 6.400 hộ với gần 28.000 người (chiếm khoảng 2,96% dân số toàn tỉnh). Trong đó, dân tộc Bru - Vân Kiều có hơn 19.200 nhân khẩu và dân tộc Chứt với hơn 7.000 nhân khẩu, chiếm đa số.
Trong những năm qua, đời sống của đồng bào được cải thiện, bà con biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số là các điển hình tiên tiến trong sản xuất, phát triển kinh tế. Tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm mạnh qua từng năm.
Cùng với đó, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được chú trọng.
Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719
Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719), ngành Văn hóa Quảng Bình đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa công tác "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch".
Một trong những nội dung trọng tâm của dự án là kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang được tích cực triển khai.
Từ tháng 7/2023 đến nay, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình đã tổ chức các đoàn đi thực địa để kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc 100 bản tại 14 xã gồm: Thượng Hóa, Hóa Sơn, Hóa Tiến, Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa); Lâm Hóa, Thanh Hóa (Tuyên Hóa); Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch); Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh); Kim Thủy, Lâm Thủy, Ngân Thủy (Lệ Thủy).
Theo Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình, các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào được kiểm kê, sưu tầm, gồm: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian; các hiện vật lịch sử, văn hóa liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào các DTTS trên địa bàn.
Nghệ nhân Hồ Khăm, trú tại bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, đồng bào Bru-Vân Kiều ở 3 xã miền núi của huyện Lệ Thủy có một kho tàng văn hóa rất đa dạng.
Một số lễ hội đặc trưng như Tết mừng lúa mới, mừng hội sim, lễ phong thần,... Cùng với đó, người Bru-Vân Kiều đã tạo ra nhiều loại nhạc cụ cùng các điệu hát, điệu múa mang giá trị văn hóa rất đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình như: múa mừng lúa mới, múa đám chay, điệu Tả oải (hát giao duyên và hát ru con) hay các nhạc cụ truyền thống như: kèn, sáo, đàn ta lư, cồng, chiêng, trống và các dụng cụ sử dụng lên nương rẫy như: A rừa, A chói...
Với đồng bào Vân Kiều, những giá trị văn hóa đó là "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong cuộc sống, sinh hoạt cộng đồng.
Còn với đồng bào Chứt tại Quảng Bình (dân tộc Chứt ở Quảng Bình có 5 nhóm địa phương, còn gọi là 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A rem, Mã Liềng) đều có chung một số làn điệu dân ca đối đáp, giao duyên, liên quan đến nguồn gốc nông nghiệp. Trong tín ngưỡng, tuy không quá phong phú, nhưng tất cả các nhóm cùng có những nghi lễ thờ cúng tổ tiên, ma đất, ma bếp, lễ vào mùa, lễ lấp lỗ, lễ cúng cơm mới...
Tiếp cận và sưu tầm được nhiều hiện vật, hoạt động văn hóa
Sau quá trình tìm hiểu, tiếp cận và sưu tầm, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình hiện đã có được gần 150 hiện vật, cùng với đó là nhiều thông tin quan trọng về các hoạt động văn hóa, đời sống của bà con đồng bào.
Đối với đồng bào Bru-Vân Kiều, một số lễ hội truyền thống như Đập trống của người Ma Coong, trỉa lúa, mừng cơm mới là 3 lễ hội đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được gìn giữ và phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, còn có một số lễ hội khác, như: Lễ cúng làng, lễ giỗ họ (lễ Đam chay), lễ cúng tổ nghề... và một số món ăn vẫn được bà con chuẩn bị trong các dịp lễ, Tết, cưới hỏi, như: Bánh mè đen (A Yơh), bánh nếp, bánh đòn...; phụ nữ Bru-Vân Kiều vẫn mặc váy, là trang phục truyền thống. Tuy nhiên, ở một số lễ hội chỉ còn tồn tại phần lễ, phần hội không còn.
Còn với người Chứt, có lễ cúng giang sơn là lễ hội lớn nhất tại xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) đang được tổ chức định kỳ. Bên cạnh đó, còn có một số phong tục, tập quán tốt đẹp, như: Tục thờ thần bếp đang được toàn bộ người Sách ở xã Hóa Sơn bảo lưu. Theo đánh giá chung, di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Chứt hiện tồn tại ít trong các bản làng.
Cái khó chung trong quá trình kiểm kê đối với cả người Bru-Vân Kiều và người Chứt là hiện chỉ tồn tại tiếng nói mà không có chữ viết.
Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình sưu tầm, kiểm kê, nhưng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ Bảo tàng, sự hỗ trợ của chính quyền và bà con đồng bào kỳ vọng vào sự khôi phục, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống đang dần thành hiện thực.
Cùng với ngành văn hóa, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng thực hiện nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bảo. Tại xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, chính quyền xã đã cấp kinh phí từ nguồn của Chương trình MTQG 1719 để thành lập, duy trì đội văn nghệ tại các bản Lòm, Dộ - Tà Vờng... Đầu tư xây dựng nhà văn hóa của xã làm nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng cho bà con.
"Chúng tôi hy vọng các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trong tỉnh nói chung, xã Trọng Hóa nói riêng, sẽ từng bước được khôi phục, bảo tồn, hướng tới mục tiêu lâu dài là phát triển du lịch. Làm được điều này sẽ góp phần nâng cao cả đời sống vật chất và tinh thần cho bà con", anh Đinh Tiến Dũng, công chức văn hóa - xã hội xã Trọng Hóa, huyện Minh Hoá cho biết.
Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Bình cho biết, Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719 đã tiếp sức và tạo nhiều điều kiện thuận lợi để ngành văn hóa thực hiện công tác tìm hiểu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Khu tái định cư của bản người Chứt trên đỉnh “Cổng trời” vùng biên viễn.