Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 tạo 'cú hích" phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bình Định

23-09-2023 14:32 | Xã hội
google news

SKĐS - Việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 chính là 'cú hích' quan trọng giúp cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào DTTS và nhân dân tỉnh Bình Định nói chung và huyện An Lão nói riêng.

Hiện toàn tỉnh Bình Định có 39 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống trên địa bàn, tập trung ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Cát. 

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) tỉnh Bình Định được phân bổ hơn 138 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định có 1 huyện nghèo (huyện An Lão), 22 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và 7 thôn DTTS đặc biệt khó khăn ở 5 xã không thuộc vùng DTTS và miền núi.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719 với nhiệm vụ ưu tiên giải quyết những vấn đề sinh kế cấp thiết cho đồng bào DTTS, dù còn một số vướng mắc về mặt cơ chế chính sách, tuy nhiên tỉnh Bình Định đã nỗ lực lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để phát huy giá trị mà Chương trình mục tiêu quốc gia mang lại. UBND tỉnh đã quyết định phân bổ hơn 248 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG 1719 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023.

An Lão thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo cho đồng bào DTTS

An Lão là huyện vùng cao của tỉnh Bình Định nằm cách Quốc lộ 1A 32km, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn hơn 120km. Toàn huyện có 9 xã và 1 thị trấn với 57 thôn, trong đó 40 thôn là đồng bào DTTS. Hiện dân số của huyện An Lão là hơn 31.000 người, gồm 3 dân tộc chính là Kinh, Hre và Bana.

Với đặc thù là huyện miền núi nghèo, đồng bào DTTS chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dân số địa phương, trong điều kiện giao thông không thuận lợi, huyện An Lão gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội.

Là một trong những địa phương được thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão xác định xây dựng nông thôn mới vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện.

Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão: Một trong những mục tiêu quan trọng trong triển khai Chương trình MTQG 1719 là đưa huyện An Lão thoát nghèo vào năm 2025. Do đó, từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương đã thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo như: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tham gia phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; hỗ trợ bảo hiểm y tế; hỗ trợ nhà ở; miễn giảm học phí, tặng học bổng, chi phí sinh hoạt học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo...

Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 tạo 'cú hích" phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bình Định- Ảnh 2.

Huyện An Lão tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.

Đảng bộ và các cấp chính quyền cùng nhân dân các dân tộc trong huyện An Lão luôn đoàn kết, gắn bó, giúp nhau phát triển kinh tế. Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, An Lão đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống của người dân An Lão, nhất là vùng đồng bào DTTS đã có sự đổi mới.

Riêng năm 2022, An Lão được UBND tỉnh phê duyệt danh mục hỗ trợ đầu tư 20 công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, với tổng kinh phí gần 62 tỷ đồng; duy tu bảo dưỡng 2 công trình, với hơn 1,7 tỷ đồng. Đến nay toàn huyện đã được đầu tư xây dựng hàng trăm công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh phát huy hiệu quả.

Phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong địa bàn huyện

Từ khi được thụ hưởng Chương trình MTQG 1719, đời sống của người dân vùng núi An Lão từng bước được cải thiện, các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt là hoạt động chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Hiện tại, huyện An Lão có hơn 7.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; có 2.100 trẻ dưới 5 tuổi và trẻ từ 5 - 16 tuổi có 5.700 trẻ. Tuy nhiên với đặc thù của vùng núi khó khăn, số trẻ em suy dinh dưỡng của huyện An Lão chiếm tỷ lệ cao nhất tỉnh Bình Định.

Năm 2022, thực hiện theo Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (thuộc Chương trình MTQG 1719), UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 143/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào dân DTTS và miền núi tại tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu chính của kế hoạch này là: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào DTTS và miền núi tại tỉnh Bình Định.

An Lão là huyện miền núi nghèo. Trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm tỷ lệ rất cao; trẻ dưới 5 tuổi vẫn còn 16,5%, trẻ từ 5 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 21,5%. Căn cứ vào các kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Y tế, UBND huyện, Trung tâm Y tế huyện An Lão  đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, phấn đấu từ giờ đến cuối năm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn khoảng 20% theo Nghị quyết HĐND huyện.

Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 tạo 'cú hích" phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bình Định- Ảnh 3.

Cán bộ y tế khám cho bệnh nhi tại Trung tâm Y tế xã.

Hằng năm, huyện An Lão đã tổ chức nhiều hoạt động như tuyên truyền với nhiều hình thức: Nói chuyện chuyên đề, tư vấn, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của thôn... Huyện phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức tư vấn về chăm sóc "1.000 ngày đầu đời" của trẻ cho các cộng tác viên, nhân viên y tế thôn. Tổ chức cân, đo đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng và chiều cao theo tuổi.

Huyện An Lão cũng thực hiện khám định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, tổ chức cho trẻ uống vitamin, cung cấp vi chất dinh dưỡng, lồng ghép tuyên truyền tư vấn trực tiếp nội dung chăm sóc "1.000 ngày đầu đời" cho bà mẹ có con dưới 24 tháng tuổi. Tổ chức tập huấn cung cấp kiến thức và nâng cao kỹ năng truyền thông cho y tế thôn, cộng tác viên dinh dưỡng.

Để đẩy mạnh công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em huyện An Lão đạt hiệu quả tốt hơn, rất cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Hiện Trung tâm Y tế huyện An Lão đã có kế hoạch đề xuất với UBND huyện, đối với trẻ trong độ tuổi đi học, ngành y tế phối hợp với ngành GD&ĐT cải thiện vấn đề dinh dưỡng trong bữa ăn bán trú, nội trú. Còn các em không được đi học, Trung tâm sẽ phối hợp với địa phương, đoàn thể, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên, nông dân, chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào các gia đình.

Đồng bào Khmer Sóc Trăng phấn khởi được thụ hưởng từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719Đồng bào Khmer Sóc Trăng phấn khởi được thụ hưởng từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

SKĐS - Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện hiệu quả, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh Sóc Trăng.

Xem thêm video đang được quan tâm

Đồng bào Bru - Vân Kiều vùng biên viễn tự hào tổ chức lễ hội được công nhân là di sản phi vật thể quốc gia.


Đỗ Thảo - Khánh Châu
Ý kiến của bạn