Chương trình MTQG 1719 ở Yên Bái có nhiều chuyển biến tích cực

07-09-2023 08:33 | Xã hội

SKĐS - Với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước, việc Yên Bái triển khai thực hiện các Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Ngay sau khi UBND tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), tỉnh Yên Bái đã triển khai các nội dung.

Kế hoạch ban hành nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả. Đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã vùng đồng bào DTTS&MN trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình.

Theo Kế hoạch tổng nguồn vốn dự kiến thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2023 là hơn 4928 tỷ đồng. Nội dung chỉ tiêu, nhiệm vụ, nguồn vốn thực hiện các dự án thành phần, dự án đầu tư của Chương trình gồm 8 dự án.

Đẩy mạnh các hoạt động giám sát Chương trình MTQG 1719

Chương trình MTQG 1719 ở Yên Bái có nhiều chuyển biến tích cực- Ảnh 1.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn kiểm tra tiến độ triển khai làm nhà ở cho hộ nghèo thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn theo Chương trình MTQG 1719.

Yên Bái là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của cả nước nhưng với cách làm bài bản, quyết liệt, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh các hoạt động giám sát, từng bước đưa địa phương vượt qua khó khăn, vững bước xây dựng cuộc sống mới.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Yên Bái đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng cao, vùng đồng bào DTTS thông qua các chương trình, dự án, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi... Thông qua việc thực hiện hiệu quả các dự án, chính sách, vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào tình hình cụ thể của địa phương nên Yên Bái đã phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân, trong đó có sự tham gia đóng góp tích cực của người dân vùng đồng bào DTTS.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo các cấp, thống nhất phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, tăng cường phân cấp cho các địa phương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thành phần và tiến độ giải ngân nguồn vốn để từng bước thực hiện được mục tiêu của chương trình. 

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý, điều hành, phân công, phối hợp trong tổ chức thực hiện từng bước hình thành và đi vào nề nếp. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình cũng được thực hiện thường xuyên. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS và miền núi đã giảm đáng kể so với năm trước.

Trong thực hiện các nhiệm vụ giám sát, MTTQ tỉnh Yên Bái luôn chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan, đơn vị liên quan giám sát việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân (TTND), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để tăng cường giám sát các chương trình, dự án đang triển khai ở khu dân cư. 

Qua triển khai thực hiện, đến nay, MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức trên 1.200 đoàn giám sát. Ban TTND xã phường, thị trấn giám sát được trên 1.700 cuộc. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát được trên 3.000 dự án, công trình, đầu tư. Qua giám sát cho thấy Chương trình MTQG 1719 đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi. Từ kết quả đó, đời sống bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi được nâng lên đáng kể so với trước đây.

Kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 tỉnh Yên Bái

Chương trình MTQG 1719 ở Yên Bái có nhiều chuyển biến tích cực- Ảnh 3.

Du lịch Yên Bái có bước tăng trưởng mạnh đã và đang trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Trong triển khai dự án cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc vì đây là lần đầu tiên chương trình này được ban hành nên có nhiều điểm mới về phương pháp tiếp cận, đối tượng, nội dung, phạm vi hỗ trợ, đặc biệt là việc tích hợp các chính sách liên quan đến nhiều đơn vị tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện. Tuy nhiên, Yên Bái nỗ lực triển khai chương trình và hiện đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tính đến hết tháng 8/2023, vốn đầu tư phát triển đã khởi công xây dựng được 222 công trình (trong đó có 84 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng) với kinh phí thực hiện đạt 512 tỷ 302 triệu đồng trong tổng số 603 tỷ 057 triệu đồng, đạt 84,95% kế hoạch; vốn sự nghiệp 60 tỷ 738 triệu/296 tỷ 695 triệu đồng, đạt 20,47% kế hoạch.

Kết quả này khẳng định sự cố gắng quyết tâm của các cấp, các ngành của tỉnh trong triển khai chương trình. Nhờ đó, Yên Bái đứng thứ 3 trong số 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc về tiến độ giải ngân.

Nguồn đầu tư tập trung chủ yếu thực hiện một số nội dung như hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, mua sắm nông cụ máy móc; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch...

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, cơ cấu kinh tế của các địa phương vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.

Phải thực sự phát huy Chương trình MTQG 1719 để nâng cao an sinh xã hội 

Chương trình MTQG 1719 ở Yên Bái có nhiều chuyển biến tích cực- Ảnh 4.

Chất lượng y tế vùng đồng bào DTTS&MN ở Yên Bái đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung toàn quốc và các tỉnh lân cận còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn ở chừng mực.

Mặc dù kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển trong những năm qua, nhưng vẫn là vùng khó khăn của tỉnh, cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ, làm cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương trong tỉnh vẫn thấp hơn so với bình quân thu nhập của cả nước; tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 57,4% dân số, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 86,8% trong tổng số hộ nghèo của cả tỉnh.

Chất lượng giáo dục, y tế, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung toàn quốc và các tỉnh lân cận còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn ở chừng mực.

Phát triển cây dược liệu trên vùng cao nguyênPhát triển cây dược liệu trên vùng cao nguyên

SKĐS - Đồng bào dân tộc Mông ở huyện vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) vừa có 1 vụ thu hoạch cây dược liệu thắng lợi, tạo đà mở rộng diện tích trồng cây dược liệu trên cao nguyên Bắc Hà, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Một già làng vùng dân tộc Raglai ở Khánh Hòa kiên trì vận động xây nên những ngôi nhà mới.


Phương Nguyên - Bảo Hưng
Ý kiến của bạn