Hà Nội

Chương trình methadone ở Nghệ An cần sự bền vững

01-10-2020 11:01 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone tại Nghệ An đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho người bệnh và cộng đồng. Tuy nhiên, để đạt kết quả bền vững rất cần nhiều yếu tố.

Tháng 9/2020 này là tròn 10 tháng anh N.V.V (34 tuổi, ở xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, Nghệ An) không còn phải uống thuốc methadone để cai nghiện ma túy, trở về với cuộc sống bình thường. Anh N.V.V bày tỏ: “Sau những sai lầm của tuổi trẻ, không gì vui sướng hơn từ bỏ được ma túy, không còn phải lệ thuộc vào thuốc, từ thân phận người nghiện, bệnh nhân trở thành người thường”.

Bệnh nhân uống methadone.

Bệnh nhân uống methadone.

Hơn 10 năm trước, cơn lốc ma túy đã cuốn qua những bản làng Quế Phong, không biết bao nhiêu gia đình đã rơi vào hoàn cảnh bi đát “tan cửa, nát nhà”. N.V.V may mắn hơn khi có người mẹ hiền luôn quyết tâm “cứu” bằng được con. Năm 2014, chương trình methadone được đưa về Quế Phong, mẹ con N.V.V đã ra ngay Trung tâm Y tế (TTYT) huyện đăng ký cai nghiện, trở thành bệnh nhân đầu tiên của chương trình. Từ đó, ngày nắng cũng như ngày mưa, sáng nào N.V.V cũng đi xe máy vượt quãng đường hơn 30km ra uống thuốc, rồi trở về làm việc (sau này, TTYT huyện hình thành điểm điều trị vệ tinh Tây Bắc dành cho bệnh nhân các xã Thông Thụ, Đồng Văn và một phần xã Tiền Phong, Quế Phong (Nghệ An) thì việc đi lại có thuận lợi hơn.

Quá trình điều trị vất vả, nhiều cám dỗ đã khiến N.V.V nhiều lúc nản lòng. Những lúc ấy, mẹ của anh và các y bác sĩ lại cận kề động viên. Sau 5 năm điều trị, liều thuốc giảm dần và đến tháng 11/2019, N.V.V cảm thấy không còn bị lệ thuộc vào thuốc hay cảm giác thèm ma túy nữa nên anh xin ra khỏi chương trình. Bây giờ, N.V.V tu chí làm ăn với những lồng bè cá trên lòng hồ thủy điện Hủa Na, Quế Phong.

Xã Đồng Văn là một trong những điểm nóng về ma túy ở huyện Quế Phong. Khi chương trình methadone được đưa vào hoạt động ở địa phương, đặc biệt là khi điểm điều trị vệ tinh Tây Bắc huyện mở, đã có trên 20 người trong xã đăng ký điều trị. Qua nắm bắt tình hình, chính quyền địa phương đã vận động tất cả người nghiện trên địa bàn tham gia. Đáng tiếc, từ điều trị đến bỏ hẳn ma túy, không phải lệ thuộc thuốc mới chỉ có N.V.V làm được.

BS. Lê Quang Trung - Phó Giám đốc TTYT huyện Quế Phong chia sẻ khó khăn: “Chương trình điều trị methadone trong cai nghiện ma túy rất nhân văn, gần như bao cấp, miễn phí cho bệnh nhân. Với bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo chỉ mất 15.000 đồng/tháng để hỗ trợ công tác xét nghiệm, với bệnh nhân không thuộc hộ nghèo chỉ mất 300.000 đồng/tháng. Chương trình này được cấp ủy đảng, chính quyền huyện, ngành y tế huyện nhà quan tâm thực hiện. Song một số cấp ủy Đảng, chính quyền xã lại chưa thật sự quan tâm, vào cuộc. Ở địa phương, người nào nghiện thì xóm, bản nắm được ngay nhưng vẫn đang “phó thác” cho ngành y tế.

BS. Trung cũng chia sẻ: “Nhiều người vẫn chưa hiểu về chương trình nên còn tình trạng bệnh nhân và người nhà giấu bệnh. Ngoài ra, methadone mới chỉ thay thế được dạng chất thuốc phiện chứ không hiệu quả cho ma túy tổng hợp. Trong khi đó, xu hướng người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp đang tăng lên”.

Tình trạng thiếu bền vững ở Quế Phong đang là thực trạng chung của chương trình methadone toàn tỉnh. Ở Nghệ An, chương trình methadone được đưa vào điều trị cho bệnh nhân từ năm 2012. Sau 8 năm, toàn tỉnh đã triển khai và đi vào hoạt động 12 cơ sở điều trị, 19 cơ sở cấp phát thuốc methadone theo nguyên lý lồng ghép tối đa với các cơ sở y tế, hoàn thành kế hoạch triển khai mạng lưới các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc methadone.

BS. Hoàng Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết: “Dẫu tỉnh rất quan tâm, mạng lưới các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc được trải rộng, song chương trình methadone vẫn gặp nhiều khó khăn. Số bệnh nhân mới đăng ký tham gia chương trình điều trị thay thế trong những năm gần đây giảm dần đã ảnh hưởng đến tình hình thu nhận bệnh nhân điều trị theo kế hoạch đề ra. Số bệnh nhân hiện đang điều trị trên toàn tỉnh còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu được giao.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà số bệnh nhân bỏ trị còn cao, do đặc thù riêng của bệnh nhân nghiện ma túy nên công tác tư vấn cho bệnh nhân bỏ trị quay lại điều trị còn chưa thực sự hiệu quả. Việc phối hợp với người nhà và chính quyền địa phương trong quản lý bệnh nhân tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn”.

Để chương trình methadone phát huy tốt, bền vững, ngành y tế sẽ tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đảm bảo các cơ sở vận hành đúng theo quy trình chuyên môn theo quy định; hàng năm tổ chức các khóa tập huấn mới, tập huấn nâng cao nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng như cập nhật kiến thức cho cán bộ đang tham gia chương trình methadone; áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình hoạt động tại các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc methadone; tăng cường triển khai điều trị bằng thuốc buprenorphine nhằm giúp cho người bệnh có cơ hội tiếp cận, lựa chọn các phương pháp điều trị mới, tiên tiến và phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh công việc của người bệnh.

Từ tháng 9/2020, Nghệ An đã bắt đầu triển khai vận hành phần mềm quản lý chương trình methadone tại tất cả các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc methadone trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân.


Khánh Tâm - Hoa Chung
Ý kiến của bạn