Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu của các cơn đau tim và đột quỵ. Các biến chứng khác của tăng huyết áp bao gồm suy tim, bệnh mạch máu ngoại vi, suy thận, bệnh mắt, suy giảm nhận thức. Tăng huyết áp còn được xem là "kẻ giết người thầm lặng" vì thường không có dấu hiệu, dẫn tới tâm lý chủ quan khi điều trị. Với nhóm bệnh nhân được điều trị có tới 50% bỏ điều trị sau một năm, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả, chất lượng quản lý tăng huyết áp tại Việt Nam.
Chương trình Tháng kiểm soát huyết áp toàn diện
Với mong muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị, Hội Tim Mạch Học Việt Nam cùng với dự án "Ngày đầu tiên" đã phát động chương trình Tháng kiểm soát huyết áp toàn diện nhằm hưởng ứng ngày Tăng huyết áp thế giới (World Hypertension Day WHD) 17/5 và chương trình Tháng 05 đo huyết áp (MMM: May Measurement Month). Chương trình Tháng Kiểm soát huyết áp toàn diện diễn ra từ ngày 17/5 đến 17/6 thông qua các hoạt động như truyền thông về bệnh tăng huyết áp với thông điệp bệnh nhân tăng huyết áp cần nhớ uống thuốc chuẩn 3Đ bao gồm Đúng toa - Đủ liều - Đều mỗi ngày.
Người tham gia chương trình được tầm soát huyết áp miễn phí và được tư vấn tăng tuân thủ điều trị thông qua ứng dụng theo dõi bệnh tăng huyết áp tại các cơ sở khám chữa bệnh tại hơn 100 bệnh viện và 500 nhà thuốc trong phạm vi cả nước.
Trong khuôn khổ của chương trình, ngày 23/05, Bệnh viện Quận Bình Tân đã tổ chức buổi lễ phát động tháng Kiểm soát huyết áp toàn diện tại TP.HCM với sự tham gia của GS.TS.BS. Đặng Vạn Phước - Chủ tịch Hội Tim Mạch học Việt Nam và đại diện dự án " Ngày đầu tiên ».
Trong buổi hội thảo, GS.TS.BS. Đặng Vạn Phước - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam chia sẻ thêm về những nguyên nhân của việc chậm trễ trong kiểm soát huyết áp hiện nay đến từ cả bác sĩ và bệnh nhân cũng như cập nhật những thông tin mới về điều trị tăng huyết áp từ khuyến cáo của Hội Tim mạch học Việt Nam năm 2021 và Hội Tim mạch châu Âu (ESC). Để khắc phục những rào cản về nhận thức và tầm soát phát hiện bệnh thấp, Bộ Y tế Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo nhân lực, đảm bảo chất lượng thuốc để cải thiện nhận thức và tầm soát.
Nhằm giúp bệnh nhân được chẩn đoán sớm và tuân thủ điều trị dài hạn, từ năm 2015 dự án "Ngày đầu tiên" đã ra đời và từ đó đến nay đã đồng hành cùng hàng triệu bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường. Dự án cung cấp những thông tin chính thống, các kỹ năng cần thiết cũng như các loại thuốc chất lượng để người bệnh tự quản lý bệnh. Qua các kênh thông tin của dự án, bệnh nhân còn được bác sĩ, điều dưỡng tư vấn và hỗ trợ tuân thủ điều trị nhờ phòng tư vấn Ngày đầu tiên và ứng dụng theo dõi bệnh tăng huyết áp trên di động cùng thông điệp Uống thuốc chuẩn 3Đ: Đúng toa – Đủ liều – Đều mỗi ngày. Dự án "Ngày đầu tiên" có sự đồng hành của các hiệp hội Y khoa uy tín trong và ngoài nước như Hội Tim mạch Việt Nam, Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, Cộng đồng Y khoa Pháp, Hội Tăng huyết áp Pháp và Hội Nội tiết Pháp.
Hoạt động tầm soát huyết áp, tư vấn tăng tuân thủ điều trị từ bác sĩ, điều dưỡng
Tại buổi lễ phát động trong ngày 23/05, hoạt động tầm soát huyết áp thu hút sự tham gia của nhiều bệnh nhân đến bệnh viện. Trong đó, Bệnh viện Quận Bình Tân là một trong những phòng khám tiêu biểu triển khai xuyên suốt hoạt động tầm soát và tư vấn tuân thủ điều trị tăng huyết áp, là hình mẫu trong việc quản lý tăng huyết áp toàn diện tại tuyến cơ sở y tế.
Tại phòng tư vấn "Ngày đầu tiên" tại Bệnh viện Quận Bình Tân, các điều dưỡng đã đo huyết áp miễn phí, hướng dẫn người bệnh điền phiếu theo bảng câu hỏi, giải thích kết quả chẩn đoán và cung cấp các kiến thức, công cụ giúp bệnh nhân, người thân quản lý bệnh phù hợp, tư vấn chế độ dinh dưỡng… Để quản lý huyết áp, bệnh nhân còn được hướng dẫn tải ứng dụng theo dõi bệnh tăng huyết áp Ngày đầu tiên, thuận tiện theo dõi sức khỏe tại nhà cũng như giúp bệnh nhân dễ dàng Uống thuốc chuẩn 3Đ: Đúng toa – Đủ liều – Đều mỗi ngày.
BS. CKI. Nguyễn Anh Nguyễn - Phó Giám đốc Bệnh viện Quận Bình Tân cho biết, Bệnh viện Quận Bình Tân là bệnh viện hạng I, trực thuộc Sở Y tế, trung bình có khoảng 1.500-2.000 người đến thăm khám một ngày. Sau đợt COVID-19, số lượng bệnh nhân giảm khoảng 50%. Khi bình thường mới trở lại, bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.200-1.500 người đến khám mỗi ngày, trong đó, tăng huyết áp chiếm g 60-70% các toa thuốc. Tầm soát bệnh lý tăng huyết áp là công tác chuyên môn quan trọng tại Bệnh viện Quận Bình Tân. Tầm soát tăng huyết áp tại cộng đồng là bước tiến mới của ngành y tế. Tầm soát sớm, phòng ngừa và điều trị sớm mới đem lại hiệu quả cho bệnh nhân tăng huyết áp, chứ không đơn thuần là dùng thuốc.
Vừa qua, Hiệp hội Tim mạch học Việt Nam và dự án "Ngày đầu tiên" đã chọn bệnh viện quận Bình Tân là một trong những bệnh tiêu biểu cả nước tham gia chương trình Tháng kiểm soát huyết áp toàn diện. Mô hình này cần nhân rộng để bệnh nhân được tiếp cận tốt nhất phác đồ mới nhất của ngành Y và tiếp cận tốt nhất việc tầm soát, phòng ngừa bệnh tăng huyết áp. Trước giờ, nhiều người dân thường hiểu có huyết áp tăng thì mới cần điều trị chứ chưa hiểu được tầm quan trọng của việc tầm soát sớm để điều trị sớm. Do đó, người được hưởng lợi lớn nhất từ chương trình vẫn là người dân. Đây là ý nghĩa quan trọng nhất của chương trình Tháng kiểm soát huyết áp toàn diện mà Bệnh viện Quận Bình Tân cùng 600 bệnh viện, nhà thuốc cùng phát động.
Theo đó, mô hình kiểm soát huyết áp toàn diện sẽ giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng quản lý tăng huyết áp từ khâu chẩn đoán, điều trị cho đến tuân thủ điều trị với sự tư vấn tận tình của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng cùng với các công cụ giúp kiểm soát tốt bệnh - Ngày đầu tiên và ứng dụng theo dõi bệnh tăng huyết áp. Mục đích của các công cụ này giúp bệnh nhân nhận được hỗ trợ đúng bao gồm thông tin chính thống và kỹ năng cần thiết để giúp bệnh nhân tự quản lý bệnh của mình.